Những thiếu nữ ngoan hiền đột nhiên mất tích
Em Đỗ Ngọc A. (16 tuổi) trú tại tổ 14, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội là một cô bé khá xinh xắn, học hết lớp 6 thì bỏ học, ở nhà phụ giúp gia đình.
Hôm xảy ra vụ việc (29-1), Ngọc A. đi sửa quần áo và đón cháu đang học lớp 3, cách nhà gần 1km nhưng A. đã biến mất, không dấu vết trước khi đón cháu nhỏ. Nhiều người kể thấy cô bé chở phía sau xe đạp một người đàn ông lạ mặt qua ngã 3 gần nhà rồi biến mất.
Theo thông tin từ Công an phường Thạch Bàn, nhân chứng thấy cô bé và người đàn ông này cười đùa nên loại trừ khả năng bắt cóc tống tiền. Từ trước đến nay Ngọc A. chưa bao giờ đi ra khỏi nhà quá 20 phút, không đi chơi tối, do đó, việc cô mất tích là điều vô cùng sốc với gia đình.
Em Đỗ Ngọc A. lúc còn ở nhà
Các bé trai cũng không tránh khỏi nguy hiểm
Cũng trong tháng 3, Công an huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt giữ Nguyễn Vũ Thiện (36 tuổi, quê tỉnh Quãng Ngãi), giải cứu hai bé trai Trịnh Văn Tài (học lớp 7 trường THCS Quang Trung) và Nguyễn Đức Ninh (học lớp 5, trường tiểu học Trần Quốc Toản, cùng xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức).
Hai bé trai này bặt vô âm tín trong suốt 3 tuần liền. Nhận tin báo từ gia đình, Công an huyện Châu Đức đã vào cuộc điều tra. Đến ngày 18-3, từ nguồn tin của quần chúng, công an phát hiện Thiện và hai em Tài, Ninh đang sống trong một căn nhà trọ trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.
Qua khai thác thông tin, một năm trước Thiện cũng đã “dắt” một bé trai khác là Nguyễn Văn Phúc (14 tuổi, trẻ mồ côi sống tại trung tâm nhân đạo Làng Tre, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đi khỏi nhà đến này chưa về.
Đối tượng Nguyễn Vũ Thiện
Trong khi vụ việc chưa kịp lắng xuống thì tối 25-3, chị Trần Thị Sâm (42 tuổi, quê Hà Tĩnh, tạm trú phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) hớt hải đến công an trình báo con trai chị, cháu Trần Vương (10 tuổi, học sinh trường Võ Thị Sáu, xã An Hòa, TP Biên Hòa) cùng bạn là Trần Đình Chiến (12 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân) đã mất tích ba ngày liền, không rõ tin tức.
Theo lời chị Sâm kể, khoảng 16 giờ 30 ngày 22-3, chị đi làm về nhà trọ thì phát hiện con trai không có ở nhà. Chị Sâm cùng mọi người cuống cuồng đi tìm nhưng đến khuya vẫn không thấy. Được biết hằng ngày đi học về Vương thường đi lượm ve chai quanh khu vực khu phố 1, phường Long Bình Tân. Ngày xảy ra vụ việc Vương đi chiếc xe đạp mini màu tím cà, mặc bộ đồ đá banh màu xanh nhạt, mang áo số 10.
Tìm lại được ở nơi cách nhà nhiều km
Chỉ riêng trong tháng 3 có ít nhất hai vụ trẻ em cấp 2 mất tích, một em lớp 8 ngụ Đồng Nai, một em lớp 6 ngụ thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). May mắn là trong cả hai vụ này, gia đình đều tìm được các em trở về.
Như trường hợp bé Trần Lê Hồng N, đang học lớp 6 trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo - TP Nha Trang. Theo lời kể của ông Trần Ngọc Quang (cha bé N.), từ đêm 9-3 không thấy N. về nhà nên gia đình đã đi tìm và dò hỏi khắp nơi về tung tích bé gái. Đến trưa 10-3, nhận tin có người nhìn thấy tốp thanh niên đưa bé lên ô tô đi theo hướng các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời phát hiện chiếc mũ của cháu N tại nơi ở một cô gái gần nhà, gia đình đã tìm cách tra hỏi, đưa nghi can này lên trụ sở công an phường.
Người dân hiếu kỳ vây quanh trụ sở công an phường
Sau đó, lại có nguồn tin người dân nhìn thấy có hai cô gái (nhà ở Chụt, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) đã đưa bé N. ra bến xe lên ô tô đi Buôn Hồ (Đăk Lăk), 17 giờ ngày 10-3, gia đình bé N đã thuê tắc xi đuổi theo. N. được gia đình giải cứu khi đang bị giữ tại một khách sạn tại Buôn Hồ.
Một trường hợp khác, bé gái C.T (8 tuổi) ngụ ở Đồng Nai sau 12 ngày mất tích đã được tìm thấy ở bến xe Chợ Lớn (TP.HCM) vào ngày 25-3.
Theo trình báo của bà V. L (khu phố 5, phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, Đồng Nai) - mẹ của bé C.T: “Trưa 13-3, cháu đi học rồi không thấy về. Khi đi T mặc quần thun dài, áo thun trắng cổ tay in viền xanh, nói là sang nhà bạn thay đồ rồi đi học luôn”. Bạn thân của T. cho biết em này từng khoe có một người đàn ông ở Bình Chánh ngỏ ý yêu thích và “dụ” em lên thành phố. Trước khi mất tích, e T. có mượn tiền của bạn nhưng bạn bè không rõ em đi đâu.
Suốt 10 ngày liền, gia đình đã liên tục liên lạc vào số điện thoại T. nhưng không ai nghe máy. Cho đến ngày 25-3, người nhà tìm được T. ở bến xe trong tình trạng tâm lý không ổn định.
Trở về nhà trong khủng hoảng
Thông tin về hai vụ nữ sinh đại học liên tiếp mất tích chỉ cách nhau vài ngày khiến dư luận xôn xao, lo ngại. Nơi xảy ra vụ việc là ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, nơi các em đang theo học.
Nữ sinh Nguyễn Thị Diễm My (22 tuổi, quê Phú Yên) mất tích từ ngày 19-3 trên đường đi đến Trường CĐ Bách Việt để nhận giấy giới thiệu thực tập rồi không thấy trở về nhà. My là con út trong gia đình, ở cùng với anh cả là Nguyễn Bá Giang (quận Phú Nhuận, TP HCM) để học. Ngay sau khi My mất tích, gia đình đã tỏa đi khắp nơi tìm kiếm, anh trai thứ hai của My đăng tải thông tin lên mạng xã hội để nhờ cộng đồng giúp sức.
Gia đình Diễm My còn chưa hết bàng hoàng
Điểm kỳ lạ trong vụ việc này là trong thời gian từ 8h30 sáng đến 9h ngày 19-3, My có mặt tại trường. Sau đó, từ khoảng 9h đến 9h30 hai lần My dùng điện thoại nhá máy về cho người thân nhưng khi người nhà gọi lại thì máy đã lập tức bị khóa.
Qua nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng anh trai của My nhận được điện thoại từ một người lạ, cho biết nhìn thấy cô gái giống My đang ngồi tại một quán nước tại khu vực ngã tư Hàng Xanh, vẻ mệt mỏi, không tỉnh táo. Anh Nguyễn Bá Châu (anh trai My) kể lại: “Tôi lập tức chạy xe đến và nhận ra ngay em mình. My trông rất hốc hác, ủ rũ, tinh thần không được ổn định, không biết cả đường để về nhà, vì sao đến được đây. Hỏi gì em cũng không nói. Nhận ra tôi, My chỉ biết chạy đến ôm tôi mà khóc. Rồi cả 2 anh em cùng khóc”. Cho đến hôm nay, sức khỏe và tinh thần của My vẫn chưa hồi phục, gia đình muốn giữ cho em yên tĩnh nên đã tránh mọi tiếp xúc với bên ngoài.
Và những số phận ra đi mãi mãi
Không được may mắn như Diễm My, thi thể của nữ sinh năm cuối trường ĐH Kinh tế TP.HCM Lê Thị Hà Phương (22 tuổi, quê Đắk Lắk) mất tích từ sáng 13-3 vừa được tìm thấy tại hồ Đá, làng Đại học Thủ Đức (Dĩ An, Bình Dương). Nguyên nhân tử vong ban đầu xác định là do ngạt nước.
Nữ sinh Hà Phương tử vong bí ẩn tại hồ Đá, làng đại học
Hà Phương mất tích trên đường đi từ nhà trọ tại quận 5, TP.HCM đến thực tập tại một công ty trụ sở ở thị xã Bình Dương. Theo bà Phan Thị Quyên (mẹ của Phương), trưa 13/3, Phương đi làm bằng xe buýt, đến tối cùng ngày, bạn ở phòng trọ không thấy Phương về nên đã báo với gia đình.
Sau 13 ngày không tìm ra tung tích Phương, chiều tối 25-3, Công an huyện Dĩ An, Bình Dương đã xác nhận dấu vân tay của một nữ sinh chết đuối tại hồ Đá, làng Đại học.
Trường hợp của em Ngô Ngọc Phút (8 tuổi, học sinh lớp 2, Trường tiểu học Bình Mỹ 2, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM) càng khiến người ta bàng hoàng, đau xót.
Nguyên nhân tử vong của em Ngô Ngọc Phút vẫn đang được điều tra
Em Phút mất tích sau giờ tan học từ ngày 26-1. Cha em, ông Nguyễn Hữu Hạnh và người thân đã tỏa ra khắp nơi, tìm đủ mọi cách ròng rã kiếm tìm trong suốt hai tháng từ Bình Dương, Bình Phước, rồi Sài Gòn đến các tỉnh miền tây và về tận Cà Mau… nhưng vẫn vô vọng.
Mãi đến ngày 19-3, cảnh sát Campuchia phát hiện một thi thể vé gái mặc đồng phục học sinh tại khu vực gần biên giới thuộc tỉnh Svay Riêng (Campuchia) đang trong tình trạng đã bị phân hủy nặng. Bên cạnh còn có cặp sách học sinh, trên tập vở còn có tên cháu Phút nên công an Campuchia đã nhanh chóng liên lạc với công an và chính quyền xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài (huyện Gò Dầu) để phối hợp điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong của em Phút.
*
* *
Những vụ việc mất tích luôn gây lo âu và phẫn nộ trong dư luận vì sự bí ẩn và nguy hiểm của nó. Đặc biệt, khi đối tượng gặp nạn là những em nhỏ, thanh-thiếu niên càng khiến cho các bậc phụ huynh, gia đình và nhà trường không khỏi hoang mang, sợ hãi. Nếu may mắn được tìm thấy, các em cũng bị những chấn thương tâm lý khó hồi phục; chẳng may hậu quả nghiêm trọng hơn thì sẽ là nỗi đau dai dẳng, giằng xé mãi về sau trong lòng người ở lại.
Qua những vụ việc mất tích bí ẩn, đau lòng này, bạn đọc Khanh Nguyen cũng có ý kiến gửi gắm đến mọi người thông qua PLO: "Các bậc làm cha, mẹ và thầy cô giáo lưu ý dạy kỹ năng sống cho con em khi rời khỏi gia đình, nhà trường, nhất là các bé gái, mục tiêu chính của bọn tội phạm để hạn chế rủi ro thiệt hại nhân mạng: 1/ Không giao du qua lại với loại người không rõ nguồn gốc, có lịch sử bất hảo; 2/ Đi đến đâu, làm gì, thời gian, quan hệ với ai phải báo trước cho gia đình, người thân biết rõ; 3/ Đánh giá lại các mối quan hệ tốt, xấu đang có và sắp đến để tránh rơi vào bẫy săn người; 4/ Không tin, không nghe và không làm theo những lời chiêu dụ ngọt ngào hấp dẫn mà bọn tội phạm thường giăng bẫy trên mạng FB, trên báo đài, hãy ý thức tin vào chính mình, bình tĩnh tự chủ xử lý tình huống xấu khi có xảy ra, không hoảng loạn, mất tinh thần, sợ hãi vì đó cũng là nguyên nhân đưa đến bi kịch kết thúc cuộc đời".