Cánh én nhung nhớ của những nữ tù mong manh

Trong tâm thức người Việt, Tết, dù ở đâu, họ đều muốn trở về nhà. Thế nhưng, không phải ai cũng có được may mắn tận hưởng những điều giản dị đó.

Quê hương dường như là tiếng gọi thổn thức của tất cả những ai rời xa  mảnh đất chôn rau cắt rốn, và mỗi dịp Tết đến, xuân về, tiếng gọi ấy, hơn lúc nào hết càng xáo động, da diết. Bởi dù là ai, dù đi bất cứ nơi đâu, cũng đều tìm lại cội nguồn thành viên trong những ngày Tết ấm áp. Chẳng còn gì tuyệt vời và thiêng liêng hơn khi được cùng mọi người hít hà mùi nồng nồng, ấm áp của bếp lửa canh chừng bánh chưng chờ trời sáng, nhẩn nha, hít hà vị mứt gừng cay xé lưỡi, chiêm nghiệm về cuộc đời trầm bổng của kiếp người; được thắp nén hương trầm cung kính tổ tiên, cầu mong những điều bình an, tốt lành sẽ tới. Trong tâm thức người Việt, Tết, dù ở đâu, họ đều muốn trở về nhà. Thế nhưng, không phải ai cũng có được may mắn được tận hưởng những điều giản dị đó. Tết, có bánh chưng, có dưa hành, có mai, có đào…nhưng sẽ chẳng bao giờ trọn vẹn khi thiếu vắng hơi ấm của tình thân, gia đình. Đi khắp các trại giam trong dịp áp Tết, nhìn sâu vào đôi mắt những con người ăn cơm tù, mặc áo số ở những nơi chốn ấy, tôi cảm nhận được sự khuyết thiếu trong tâm hồn họ. Một nỗi chông chênh, chơi vơi khi đón Tết trong trại giam hiện hữu ở những con người lạc mất gia đình.

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về”

Tinh thần phấn chấn của nữ tù giam khi Tết về (Ảnh minh họa)

Tới trại giam Ninh Khánh những ngày áp Tết, khi không khí tưng bừng chào xuân đã lan tỏa khắp khuôn viên trại, từng buồng giam cũng trở  nên rộn rã, háo hức. Những phạm nhân vốn quen với guồng quay đều đặn của nhịp sống cải tạo hàng ngày, từ việc ăn uống, ngủ nghỉ tới lao động…đều cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn trong những ngày này. Các tổ chức lao động được phân chia cụ thể, chi tiết đảm nhiệm những nhiệm vụ khác nhau. Tổ quét vôi ve, thay tấm áo mới cho bức tường xám suốt một năm mưa gió. Tổ cắt cây, tỉa cành, chăm bón hoa nở. Tổ cắt dán biểu ngữ, khẩu hiệu chào mừng đón xuân…Có thể cái không khí Tết đã lan tỏa từng lá cây, ngọn cỏ khiến bất cứ phạm nhân nào cũng trở nên tươi tắn, hồng hào hơn. Khi đi ngang qua vườn hoa của trại, tôi khá bất ngờ khi nghe thấy tiếng hát cao vút cất lên thánh thót: “Rồi dặt dìu mùa xuân đưa én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về…”. Theo phản xạ tự nhiên, tôi đứng sững lại và nhập tâm vào từng câu hát như cây non trong mùa nắng nóng bắt gặp một cơn mưa rào bất ngờ. Người phụ nữ mặc áo kẻ sọc tỏ ra khá ngại ngùng khi biết tôi đang thưởng thức từng lời ca tiếng hát, bẽn lẽn, nhỏ nhẹ “chào cán bộ” rồi chăm chú nhìn bông hoa hồng e ấp dưới bàn tay có các ngón thon dài che dấu đôi má đang ửng hồng. Một tiếng ca trong trẻo trong trại giam thực sự khiến tôi có cảm giác vô cùng kì lạ. Vừa có chút gì đó bâng khuâng, man mác buồn, lại vừa e ấp, ngập ngừng đón chào xuân mới.

Hình ảnh người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé, vừa tỉa hoa vừa hát ấy cứ ám ảnh suy nghĩ của tôi, có gì đó vừa tò mò, vừa day dứt. Cán bộ quản giáo đi cùng có nói với tôi: “ Đó là một người đàn bà rất thân phận. Cá tính, thông minh, tài sắc…nhưng chị cuốn vào vòng xoáy nghiệt ngã của ma túy mà ra nông nỗi này”. Và thật tình cờ, tôi có dịp trò chuyện với chị và hiểu hơn về cuộc đời, như chị nói là “sai lầm nối tiếp sai lầm” của chị.

Nga bảo, những ngày này, tâm trạng chị vô cùng xáo trộn. Nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ gia đình vốn cố gắng chôn giấu, ghìm chặt trong những ngày thường được dịp bung hỏa vào những ngày Tết. Sinh ra trong một gia đình nề nếp gốc Hà Thành, từ nhỏ chị đã được dạy dỗ cẩn thận về các lễ giáo. Gia đình chị có truyền thống làm nghệ thuật, cha là nghệ sĩ nổi tiếng, sở hữu giọng hát làm nức lòng người Việt bao thế hệ, mẹ và chị gái đều là những người phụ nữ hiền lành, đảm đang, điển hình của người phụ nữ Việt nết na, chịu thương chịu khó. Chỉ có một mình chị - đứa con gái ngang bướng – là hoàn toàn lệch chuẩn với khuân phép của gia đình. Chị nhớ những ngày Tết, cùng mẹ dọn sửa mâm cúng gia tiên, đợi chờ cha đi hát mừng xuân phục vụ nhân dân trở về. Nhớ vị cà phê mẹ pha thơm lừng, nhớ tiếng trò chuyện dí dỏm, hài hước của cha khiến mọi người trong gia đình đều bật cười xua đi mọi lo toan, bộn bề của cuộc sống thường nhật. Chị kể, nhà chị đón Tết với một tinh thần rất Hà Nội. Gần Tết, chị sẽ cùng mẹ đi chợ chọn những tấm lá dong xanh mướt, chọn loại gạo nếp ngon, đậu xanh óng ả…cùng gói bánh chưng. Cả giò, lụa, nem…đều tự tay mẹ chế biến. Mẹ muốn tự tay chăm sóc, nâng niu những người thương yêu ở bên cạnh mình. Chị học được ở mẹ sự chăm chỉ, tỉ mỉ đó.

Thế nhưng, khi bập vào ma túy và tham gia đường dây mua bán trái phép chất ma túy, chị đã quên sạch những lời cha mẹ dặn, quay lưng với sự kì vọng của họ. 4 lần bị bắt, cả 4 lần gia đình muối mặt đi xin bảo lãnh cho chị tại ngoại, tới lần thứ 5, khi nhận thấy niềm tin của họ bị rẻ rúng, cha mẹ chị đành phải nuốt nước mắt cậy nhờ pháp luật và những chế định cách ly chị khỏi ma túy. Tổng mức án của chị là 22 năm. Nga bảo, 22 năm là 1/3 đời người, nếu có cơ hội bước chân ra khỏi đây, khi trở về, chị đã là một người già nua, đối trọi với sự mong manh, yếu ớt của bóng nắng xế chiều. Nhưng cha mẹ, chồng và hai con là những người vực chị dậy. Đặc biệt là chồng Nga, đều đặn mỗi tháng anh gửi thư cho chị. Thậm chí có tháng chị nhận được những hai lá thư từ chồng. Anh động viên chị vững tâm bền chí, không đầu hàng trước hoàn cảnh, số phận. Thế nhưng, chỉ một năm sau đó, như thường lệ, chị nhận lá thư từ anh và kèm theo đó là một lá đơn ly hôn. Và cho tới bây giờ, sau 4 năm bước ra khỏi hôn nhân, chị vẫn ngơ ngác không tin vào điều tồi tệ ấy. Chồng chị là người mang tới cho chị ánh sáng trong cuộc sống tù tội không biết ngày mai, nhưng cũng chính là người mang đi tất cả. Suốt một năm anh gửi thư cho chị, gửi gắm vào đó bao nhiêu yêu thương, nhớ nhung – nỗi nhớ nhung, yêu thương ấy quen thuộc với chị như nước uống, hơi thở. Nên khi nhận lá thư ly hôn đột ngột từ chồng, chị rơi vào hố sâu tuyệt vọng và mất niềm tin tuyệt đối vào tình yêu. Suốt 4 năm tiếp theo, chị học cách quên người đàn ông cùng chung đắp cuộc hôn nhân ngọt ngào trước đây cùng chị. Nga bảo, ở cái tuổi 40, chị mới ngộ ra một điều sâu sắc, lòng dạ con người có thể đổi thay bất cứ lúc nào, chỉ có cha mẹ dành cho chị sự từ tâm và chung thủy tuyệt đối.

Đây là lần thứ 5 ăn Tết trong trại giam, chị đã dần quen với nỗi nhớ nhà, nhớ các con. Năm nào cha mẹ và con của chị cũng mang bánh chưng, cặp giò, bánh kẹo lên cho chị chung vui đón Tết cùng các bạn tù. Nga bảo, đi qua sợ hãi sẽ không còn sợ hãi nữa. Đó là những thời điểm Nga tưởng như không thể gượng dậy được, nhưng rốt cuộc chị đã đi qua cơn tao đoạn đó, nhờ có những bàn tay ấm áp, thương yêu chị, tiếp nguồn sống cho chị hồi sinh từng ngày.

Mẹ con cùng đón Tết trong trại giam

Hai mẹ con cùng đón Tết trong trại giam (Ảnh minh họa)

Đang miên man đứng giữa khuôn viên trại Gia Trung ( Gia Lai), nhìn bầu trời cao ngắt, xanh rộng của nắng gió Tây Nguyên, tôi chợt giật mình bởi tiếng lảnh lót của một đứa trẻ: “Mẹ ơi, Tết năm nay con có được mua quần áo mới không?”, kéo theo đó là tiếng nựng nịu: “Con ngoan, mẹ sẽ cố gắng…”. Người đàn bà búi tóc gọn gàng sau lưng, ôm đứa trẻ và rảo bước nhanh về phía trung tâm sản xuất. Được biết, cu Tũn – con của phạm nhân Hoàng Thị N đã có ba cái Tết ở Trại. N phiêu bạt từ Thái Bình vào Gia Lai sinh sống và lập nghiệp. N đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho cuộc sống mưu sinh đầy khó khăn vất vả nên bị trượt chân vào con đường mua bán ma túy. Chịu mức án hơn 20 năm, khi bị bắt, N đang mang thai tháng thứ 3, chị ta được tại ngoại và hoãn thi hành án, nhưng sau khi trở về xã hội, N tiếp tục tham gia đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy quy mô lớn. Với tội danh nghiêm trọng, N buộc phải ở lại trại giam thụ án. Đứa trẻ ra đời trong hoàn cảnh lao tù cùng mẹ là vì đó. N bảo, vì mẹ mà con trai khổ lây. Con thiệt thòi đủ đường, sinh ra đã không biết mặt bố, bởi ngay khi chị bị bắt, gã đàn ông từng đầu ấp tay gối của N đã “quất ngựa truy phong” biến mất đột ngột như chưa từng xuất hiện, bỏ mặc mẹ con N. Trong khi từ Thái Thụy- Thái Bình tới Gia Lai quá xa xôi, cha qua đời, mẹ già yếu không thể vào đón con của N được. Cu Tũn buộc phải ở trong tù cùng mẹ. Dù được các chị em trong buồng giam yêu thương, nhường cho miếng thịt, miếng cá, may cho con N tấm áo, chiếc quần… từ những chiếc màn rách không sử dụng được, nhưng N vẫn cảm thấy chạnh lòng cho sự thiệt thòi con gánh chịu.

Hàng ngày, chị N và chị em cùng phòng dạy con từng con chữ, bài hát, dành cho con tất cả yêu thương, nhưng mỗi khi Tết đến, nghĩ con không được vui chơi du xuân như các bạn, không được nhận những phong bao lì xì lấy lộc đầu năm N lại ứa nước mắt. Cũng may, các cán bộ quản giáo ở đây thương mẹ con N nên năm nào, các cô cũng có quà cho cu Tũn. Khi là đôi dép mới, khi là chiếc áo ấm, khi là món đồ chơi…mong cu Tũn không cảm thấy cô đơn. Có một vài đứa trẻ khác được sinh ra trong tù giống Tũn cùng chơi với nhau. Những ngày Tết, chúng được gặp các bạn mới – là con em của cán bộ quản giáo được cùng cha mẹ tới trại giam. Nhìn các con vui chơi hồn nhiên không có chút khoảng cách, định kiến, N bảo sao chị ước được sớm trở về, cùng con chào đón những cái Tết trọn vẹn niềm vui, ấm áp bên gia đình.

Lòng thứ tha của mùa xuân

Câu chuyện về lòng tha thứ kì diệu nơi trái tim người mẹ tôi nghe được ở trại giam Thanh Phong (Thanh Hóa) được mọi người truyền tai nhau giống như một giai thoại tuyệt vời về đấng sinh thành. Cho tới thời điểm này, Mai Thị H vẫn đang thụ án với một tâm thế vô cùng tích cực, vui vẻ và chủ động. Có những lúc chị nghĩ mình không thể vượt qua được cú sốc khi lần lượt những sóng gió ập tới. H vốn là con út, thường gần gũi và thì thầm với mẹ. Ở nhà, hai mẹ con hợp tính nhau nhất. Chị bảo rằng, trong cuộc đời này, chị chưa từng thấy người phụ nữ nào hứng chịu nhiều bất hạnh như mẹ chị, và cũng chưa thấy người phụ nữ nào kiên cường như mẹ chị. Một mình mẹ H chèo chống ngôi nhà nhỏ, hơn chục năm chăm sóc chồng bệnh tật, đau ốm liệt giường, bà chưa từng kêu ca nửa lời. Ở bà luôn toát lên sự nhẫn nại, lam lũ vì chồng con. Chồng qua đời, mẹ lần lượt chứng kiến hai người con vướng vào vòng lao lý vì mải mê chạy theo đồng tiền bất chính kiếm được từ ma túy. H kể: “Có lần, tôi tỉnh giấc giữa đêm, thấy mẹ đứng bên bài vị bố và nghẹn ngào khóc. Mẹ bảo, mẹ có lỗi với ông, mẹ trách ông tàn nhẫn bỏ rơi mẹ một mình. Mẹ loay hoay không biết chèo chống nổi gia đình qua cơn sóng gió này không”. Mẹ đã khóc rất nhiều trong đêm, nhưng chỉ cần nắng sớm xuất hiện, mẹ lại trở nên mạnh mẽ, hoạt bát và nhẫn nại như chưa từng rơi nước mắt. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng, mình không thể làm bất cứ điều gì khiến mẹ phải khổ nữa. Nỗi đau, nỗi hổ thẹn anh chị tôi gây nên cũng đủ khiến tóc mẹ thêm sợi bạc, da mẹ thêm nhiều nếp nhăn. Anh trai tôi đi cải tạo ở trại giam Vĩnh Quang vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chị gái tôi đi tù ở trại giam Phú Sơn vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Nỗi đau bà gánh chịu đã vượt quá sức chịu đựng. Còn lại một mình tôi, bà thường bảo: “Cuộc đời mẹ chẳng biết nay sống mai chết thế nào, con thương mẹ, thương chính mình thì đừng đi theo vết xe đổ của anh chị. Giờ, hai mẹ con ta nương tựa vào nhau, nuôi anh chị tù tội, chờ đợi chúng trở về, gia đình làm lại từ đầu”. Lời mẹ dặn tôi luôn mang theo trong tim tưởng như hình với bóng, ấy vậy mà chỉ một khoảnh khắc, một lát cắt rất nhỏ của cuộc sống cơm áo, tôi trót đánh rơi và đi ngược lại lời tâm huyết mẹ dặn. Theo lời xúi bẩy của bạn tôi, tôi đã tham gia đường dây mua bán phụ nữ. Cái gì đến, sẽ đến, tôi sai lầm phải chuốc lấy trái đắng. Khi biết tôi nhúng tràm, mẹ khóc bởi chút hy vọng cuối cùng của mẹ vỡ tan như bọt biển. Trước khi tôi lên xe bít bùng chân theo cán bộ, mẹ ôm tôi nức nở: “H ơi, mẹ đâu có cần tiền, mẹ đâu có tham tiền hả con. Sao con nỡ…”. Tôi lầm lũi theo chân cán bộ, và biết rằng tôi vừa xé rách trái tim mẹ thêm một lần nữa. Tôi biết trái tim mỏng manh của mẹ có quá nhiều vết cứa, vết rách. Và 3 anh em chúng tôi đã cào lên trái tim ấy những vết thương không bao giờ có thể lành lặn.

Từ ngày đi tù, dù H đã trông ngóng rất lâu, nhưng mẹ vẫn không tới thăm chị. Chị biết, mẹ giận chị rất nhiều. Và có thể, mẹ không còn đón nhận đứa con tội lỗi này nữa. Bởi hơn ai hết, H là người hiểu mẹ nhất. Hiểu những kì vọng sau cuối mẹ dành cho chị. Hiểu, mẹ dành cho chị tình yêu thương đặc biệt và sâu nặng đến mức nào. Nhưng, cũng chính chị quay lưng lại với niềm tin của mẹ. Cứ đến ngày thăm gặp, chị lại chờ đời tiếng cán bộ quản giáo thông báo có người nhà tới thăm gặp, nhưng bao nhiêu hy vọng của H đều rơi vào thinh không. Cho tới khi H ngừng hy vọng, dần dần chấp nhận sự thực rằng mẹ không bao giờ tha thứ cho chị nữa, thì chị nhận được cuộc gọi của cán bộ, báo có món quà bất ngờ dành cho H. Và khi đầu dây bên kia là mẹ, H nghẹn giọng không biết nên bắt đầu từ đâu. Ở phía bên kia, giọng mẹ run run, nói rằng mẹ tha thứ cho tất cả những sai lầm của chị. Sở dĩ mẹ không tới thăm H được là vì sức khỏe của bà không cho phép. Mấy bữa đi làm thuê quá sức với hy vọng kiếm thêm ít tiền mua đồ gửi cho 3 đứa con đang thụ án ở 3 trại giam khác nhau đánh gục chút sức lực vốn đã yếu ớt của mẹ. H nghe mẹ nói, chị quỳ sụp xuống dưới đất gào khóc từ đầu tới cuối: “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ”. Chị bảo, đó là giây phút chị sẽ không bao giờ quên trong đời, giống như một kẻ lạc đường giữa đại dương mênh mông nhiều ngày, xung quanh chỉ toàn là sóng nước một màu xanh ngắt chợt thấy thấp thoáng một cái phao cứu sinh xuất hiện. Bản năng sinh tồn thôi thúc chị sống, phận làm con gây ra cho mẹ quá nhiều nỗi đau thôi thúc chị phải phấn đấu hàng ngày để về chuộc lỗi với mẹ.

Hơn chục năm thụ án, năm nào tới sát ngày Tết, chị cũng nhận được một thùng quà của mẹ. H vẫn bảo rằng, mẹ đã sinh ra chị, trao cho chị cơ hội được hiện hữu giữa cuộc đời này. Mẹ tha thứ cho tất cả những sai lầm chị phạm phải. Lòng bao dung, thứ tha ấy giúp chị hiểu được rằng, cơ hội trở về của mình vô cùng rộng mở và chị sẽ lại được yêu thương tuyệt đối, vô điều kiện từ đấng thiêng liêng của mình.

Thay cho lời kết

Mượn lời chị Nga trong câu chuyện tôi kể ở trên thay cho lời kết: “Dù ở bất cứ trại giam nào, nhờ sự quan tâm của ban lãnh đạo, những con người lạc lối như chúng tôi đều được đón một cái Tết đầy đủ, ấm áp. Giây phút thiêng liêng giao thoa giữa năm cũ và năm mới cũng là thời điểm những người như chúng tôi đằm lại, suy ngẫm sâu sắc hơn về sai lầm của mình. Sẽ có những niềm tiếc nuối, sẽ có những hối hận không nói được bằng lời, nhưng sẽ là một hồi chuông gióng giả nhắc nhở chúng tôi biết trân trọng những gì mình đang có, học cách bằng lòng với cuộc sống và tự bước đi bằng đôi chân của chính mình. Đời người như con tàu căng sức giữa trùng khơi băng để về bến đỗ. Có không ít những sóng to gió lớn, trên con đường trở về ấy, thậm chí phải đối mặt với tử thần và cái chết, nhưng quan trọng chúng tôi không ngừng hi vọng, không chịu từ bỏ. Và cuộc đời này, cũng như cây đàn muôn điệu, đời hoài thai và không ngừng sinh sôi, này nở. Đời người cũng như mùa xuân mang sức sống kì diệu. Người tù như chúng tôi nhạy cảm hơn vào mùa xuân, và cũng yêu tha thiết hơn khi mùa xuân bắt nguồn từ những điều giản dị, song ý nghĩa ấy”.