Đại đô thị Tokyo, nơi sinh sống của 35 triệu người, đã chứng kiến sự gia tăng gấp 3 lần các hoạt động kiến tạo kể từ khi xảy ra trận động đất mạnh 9.0 độ richter kéo theo cơn sóng thần hung dữ ngày 11.3 năm ngoái.
Mỗi ngày, trung bình có khoảng 1,5 trận động đất được ghi nhận trong và xung quanh Tokyo - một trong những thành phố đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, người dân Tokyo đã quá quen với cảnh giường chiếu hay bàn ghế bị rung lắc, và phần lớn mọi người đều bình thản trải qua mà không có bình luận gì.
Mỗi ngày trung bình có khoảng 1,5 trận động đất được ghi nhận ở trong và xung quanh Tokyo.
Tokyo là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của động đất trên thế giới. Ngay cả trận động đất quái vật ngày 11.3.2011 cách xa tận 370km mà Tokyo cũng hứng chịu thiệt hại về kết cấu, dù không lớn. Giao thông công cộng rơi vào tình trạng hỗn loạn tạm thời khiến hàng nghìn người mắc kẹt. Tuy nhiên, không có tòa nhà nào sụp đổ và không có thương vong quy mô lớn.
Viện nghiên cứu động đất Tokyo nói rằng, thủ đô Tokyo - vốn nằm tại giao điểm của bốn mảng kiến tạo - có 50% cơ hội hứng chịu một trận động đất tồi tệ khác, ít nhất trên 7.0 độ richter trong vòng 4 năm nữa.
"Chúng ta phải chuẩn bị đối phó với trận động đất có thể xảy ra" - Asahiko Taira, giám đốc điều hành Cơ quan Khoa học và Công nghệ Đất-Biển của chính phủ Nhật Bản nói.
Một mô phỏng của cơ quan này cho thấy nếu động đất với cường độ 7.3 độ richter xảy ra ở vùng bắc Vịnh Tokyo vào ngày làm việc, khoảng 6.400 người sẽ thiệt mạng và 160.000 người bị thương. Hơn 470.000 nhà cửa sẽ bị phá hủy, mà phần lớn là do cháy. Kéo theo đó sẽ là 96 triệu tấn rác rưởi, gạch vỡ đổ nát, gấp 4 lần so với tổng số rác mà trận sóng thần năm ngoái để lại.
Hàng triệu người không thể về nhà, hơn 1 triệu hộ gia đình sẽ lâm vào cảnh mất nước, điện, ga và mất liên lạc điện thoại trong vài ngày.
Về mặt kinh tế, tổng thiệt hại sẽ lên tới con số khổng lồ 1.45 nghìn tỉ USD, tương đương 1/3 GDP Nhật Bản.
Tác động của trận động đất vào có thể được cảm nhận khắp đất nước, cả về mặt chính trị, kinh tế và văn hóa, gây ra sự gián đoạn trên diện rộng khắp quần đảo và xa hơn nữa là ảnh hưởng lên ngành công nghiệp toàn cầu.
Các nhà khoa học cảnh báo cần phải làm gì đó để hạn chế rủi ro. "Thật vô cùng khó khăn để dự đoán chính xác khi nào động đất tấn công, nhưng chúng ta có thể biết được những gì sẽ diễn ra để từ đó phải phát triển các chiến lược để giảm thiểu hậu quả" - ông Taira nói.
Tuy nhiên, giới chuyên gia quan ngại rằng các nhà địa chấn học Nhật Bản chỉ lo lắng về khả năng xảy ra động đất lớn ở Tokyo mà lơ là những nơi khác. Chuyên gia Robert Geller cho hay, ở một đất nước có 54 lò phản ứng hạt nhân, nguy cơ một trận động đất lớn có thể xảy ra bất kỳ nơi nào, chứ không chỉ ở Tokyo.
"Chính phủ cho rằng thiệt hại ở khu vực này (Tokyo) lớn hơn những nơi khác là dựa vào phương pháp luận chưa hoàn thiện và hoàn toàn vô nghĩa" - giáo sư Geller thuộc Đại học Tokyo nói. "Sự thiếu chính xác đã được chứng minh rõ ràng bởi chính phủ cũng sử dụng phương pháp này trước trận động đất ngày 11.3 năm ngoái để nói rằng nguy cơ ở khu vực Tohoku (nơi sóng thần tàn phá) là rất thấp.