Tuy nhiên, thực tế chưa có ai bị xử phạt và cũng chưa có quy định cụ thể nào nhằm ngăn chặn vấn đề này.
Chửi bậy, phát ngôn bừa bãi, đưa thông tin sai sự thật đang là vấn đề “nóng” và diễn ra không hề “hiếm” trên các diễn đàn internet, trên mạng xã hội. Bất kỳ gặp một vấn đề gì trong cuộc sống hàng ngày người ta cũng sẵn sàng lên mạng để “ xả stress” bằng việc văng vài câu tục, nói đôi ba lời bậy bạ.Thậm chí nhiều người lợi dụng mạng để đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm người khác.. Điều đáng nói là với sự phát triển của công nghệ hiện nay những câu chửi bậy, phát ngôn bừa bãi, những thông tin chưa chính xác, sai sự thật lại có thể lan truyền một cách chóng mặt và rất khó lường trước được hậu quả.
Mạng xã hội có phải là nơi công cộng?
Điều 10, Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định về xử vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội có quy định việc xử phạt từ từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người có “lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa ở nơi công cộng”. Tuy nhiên, việc chửi bậy, phát ngôn bừa bãi trên facebook, các diễn đàn internet có phải là lời nói thô tục, thiếu văn hóa nơi công cộng? Dĩ nhiên là không. Bởi lẽ facebook, các diễn đàn internet chỉ là một thế giới ảo, không phải một không gian thực, là nơi công cộng, nên không thể áp dụng quy định trên để xử phạt hành chính.
Không phải là nơi công cộng, nhưng facebook và các diễn đàn Internet lại là nơi công khai, được rất nhiều người theo dõi nên những ảnh hưởng của nó thậm chí còn lớn hơn cả việc chửi bậy, nói tục nơi công cộng.
Cần thiết phải có Nghị định
Đã đến lúc phải có một nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng. Việc đảm bảo một môi trường lành mạnh là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Đối với hành vi nói tục, chửi bậy ở trên mạng hoặc lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng facebook để đưa thông tin bôi nhọ, nói xấu, thông tin sai sự thật thì tùy vào mức độ, hậu quả mà đưa ra những chế tài khác nhau.
Việc cho ra đời một Nghị định là hành lang pháp lý cho việc phát ngôn sẽ đảm bảo cho việc nhiều người có trách nhiệm hơn đối với lời nói, bài viết của mình.
Viết blog, lập trang mạng để bình luận hay đơn giản là viết những status trên facebook là quyền của mỗi con người trong một xã hội hiện đại, một xã hội có cộng nghệ thông tin. Tuy nhiên, những bài viết, những bình luận đó phải thể tính xây dựng, phù hợp thuần phong mỹ tục. Chứ không thể vì lạm dụng mạng Internet để xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.
Mặt khác, quy định của pháp luật cũng cần nêu rõ trong trường hợp nào thì xử phạt, trường hợp thì áp dụng hình thức cảnh cáo, nhắc nhở. Đối với trường hợp viết lên mạng nhưng sau đó đã sửa chữa, hoặc xóa bỏ hoặc đã khắc phục hậu quả thì xử lý ra sao?