Theo giá vé được một số đơn vị vận tải công bố, khách hàng có thể phải bỏ thêm đến 61% chi phí so với trước đây.
Đồng loạt tăng giá
Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội, từ ngày 18/1, Công ty CP Đầu tư Vinamotor sẽ tăng giá vé tuyến Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) – Bến xe Miền Đông (TP.HCM) từ 860.000 đồng lên 1.205.000 đồng cho đến ngày 23/1.
Cũng tuyến đường này, công ty cũng đăng ký tăng giá ở những thời điểm khác nhau như từ ngày 15 – 17/1, từ 31/1 – 2/2. Đáng chú ý, mức giá 1.205.000 đồng/vé được đăng ký tiếp tục từ ngày 2/3 – 2/12/2014, nghĩa là giữ nguyên từ sau Tết Nguyên đán cho cả năm 2014. Mức giá đăng ký mới của đơn vị này tăng 40% so với giá vé cũ.
Mức tăng cao nhất lên đến 60 – 61% thuộc về các tuyến Hà Nội – Vinh (Nghệ An) và Hà Nội – Đà Nẵng. Như Công ty TNHH Vận tải và dịch vụ du lịch Hải Vân tăng giá từ 380.000 đồng lên 610.000 đồng cho tuyến Giáp Bát – Đà Nẵng (tương đương tăng 61%). Có đến 5 đơn vị vận tải chạy các tuyến từ Giáp Bát, Mỹ Đình đi Vinh, Nghĩa Đàn, Đô Lương (Nghệ An) sẽ tăng giá vé dịp Tết Nguyên đán. Mức tăng phổ biến từ 200.000 đồng lên 320.000 đồng/lượt, tương đương với mức tăng 60%.
Các tuyến chặng ngắn đến Nam Định, như Giáp Bát – Giao Thủy, Giáp Bát – Hải Hậu hay Mỹ Đình – Kim Sơn cũng được các doanh nghiệp “tranh thủ” tăng giá vé trong dịp này. Tại Bến xe Nước Ngầm cũng có 3 đơn vị chạy tuyến Hà Nội – Nghệ An, Hà Nội – Gia Lai đăng ký tăng giá cước vận chuyển khoảng 40%. Thời gian tăng giá từ nay đến giữa tháng 2.2014.
Hành khách phải tự bảo vệ mình
Trước đó, UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Sở GTVT các tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện kê khai và niêm yết giá, tuyệt đối không được tùy tiện tăng giá cước trong dịp tết.
Đến nay đã có 18 doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội đăng ký tăng giá vé dịp Tết Nguyên đán tại 3 bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm và Mỹ Đình. Tuy nhiên, theo Sở GTVT Hà Nội chưa có đơn vị nào đăng ký tăng giá vé đợt này.
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng xác nhận đến thời điểm này chưa có thành viên nào của hiệp hội thông báo sẽ tăng giá cước vận chuyển trong dịp Tết Nguyên đán. Ông Liên cho hay: “Phần nhiều các đơn vị ở tỉnh khác đăng ký tăng giá, còn các thành viên trong hiệp hội thường tính toán rất kỹ trước khi tăng giá. Nếu có tăng thường đăng ký tăng từ trước chứ không đợi đến đợt cao điểm như bây giờ”.
Đối với các đơn vị đã công khai thông báo tăng giá, hành khách vào bến mua vé và đó là căn cứ để biết DN có “chém đẹp” hay không. Còn đối với những xe dù hay đơn vị không đăng ký tăng giá nhưng vẫn tiến hành “phụ thu” chiều chạy rỗng, không dễ dàng để xử lý. Ông Bùi Danh Liên khuyến cáo hành khách cần mua vé trong bến bởi bắt xe dọc đường là hình thức “thỏa thuận” với nhà xe và rất khó có cơ sở để cơ quan chức năng xử phạt việc thu tiền vượt quá quy định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Trước hết, tôi phải khuyến cáo người dân không đứng dọc đường để bắt xe. Hành khách phải tự bảo vệ mình bằng việc vào bến xe mua vé thì doanh nghiệp không dám làm gì, ai làm liều sẽ bị xử phạt ngay. Tiếp đó, các lực lượng chức năng kiểm tra phải xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm. Nếu xe chở quá tải, cho khách lên xe không xé vé, thu tiền quá mức giá in trên vé cần áp dụng biện pháp giữ xe không cho đi tiếp”.
Đối với những ngày sát Tết Nguyên đán, ông Thanh đề nghị các cơ quan quản lý vận tải cần bố trí thêm lượt xe.