Cân nhắc lựa chọn trường vừa sức

Gần 400 học sinh khối 12 Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi, TP.HCM) đã được các chuyên gia đến từ 6 trường ĐH-CĐ giải đáp các thắc mắc về kỳ thi ĐH-CĐ năm nay.

Chỉ 25% vào ĐH


Học sinh nán lại cuối buổi tư vấn để được giải đáp thêm thắc mắc - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Mở đầu buổi tư vấn, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - thông tin: “Theo chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, năm học 2011-2012 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ vẫn tiếp tục tổ chức theo phương thức ba chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển), nếu có thay đổi sẽ không nhiều. Về khối thi, dự kiến sẽ bổ sung khối thi A1 (toán, lý, ngoại ngữ), tuy nhiên chỉ bổ sung để thí sinh (TS) lựa chọn chứ không phải thay thế khối A. Dự kiến sẽ vẫn có 3 đợt thi. Tuy nhiên, có thể năm nay sẽ tổ chức thi vào những ngày cuối tuần (đợt thi đầu tiên dự kiến sẽ vào ngày 7 và 8.7)”.

Cũng theo tiến sĩ Nghĩa: “Hằng năm, trung bình có khoảng 2 triệu lượt TS đăng ký dự thi ĐH-CĐ trong khi tổng chỉ tiêu vào các trường năm nay chỉ khoảng 550.000. Như vậy, mỗi năm chỉ có khoảng 25% TS trúng tuyển vào các trường ĐH-CĐ trong cả nước”.

Tiến sĩ Nghĩa “bật mí” thông tin hết sức thú vị với học sinh trường nhà: “Theo thống kê năm 2011, điểm trung bình 3 môn dự thi các khối thi của TS cả nước là 11,05 điểm; điểm trung bình này của Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi) đạt mức 11,08 điểm (xếp vị trí 705 trong cả nước và 50 tại TP.HCM). Với mức điểm như vậy, các em cần cân nhắc lựa chọn kỹ trường thi, ngành thi phù hợp với khả năng của mình”.

Học ngành nào nhiều cơ hội?

Học sinh Nguyễn Ngọc, lớp 12A1, thắc mắc: “Xin thầy cô cho biết chỉ tiêu của Trường ĐH Y dược TP.HCM và ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng như tỷ lệ chọi, điểm chuẩn dự kiến”. Thạc sĩ Lâm Tường Thoại, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật, tư vấn: “Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay tuyển khoảng 4.500-5.000 chỉ tiêu và điểm chuẩn những năm trước từ 19-19,5 điểm. Trường ĐH Kinh tế -Luật năm nay dự kiến tuyển 1.760 chỉ tiêu, điểm chuẩn năm 2011 ngành thấp nhất là 16 và ngành cao nhất là 21”.

Cùng đào tạo khối ngành kinh tế, thầy Đỗ Nguyễn Duy Thông - chuyên viên tuyển sinh Trường CĐ Kinh tế TP.HCM - thông tin thêm điểm chuẩn của trường năm 2011 dành cho TS thi ĐH là 10; CĐ là 19,5; điểm chuẩn nguyện vọng 2 dành cho TS ĐH là 13, CĐ là 21 (trường không tổ chức thi mà xét tuyển). “Nếu năm nay có khối A1 thì trường sẽ tuyển thêm khối này ở tất cả các ngành. Dự kiến năm nay trường tuyển khoảng 1.200 chỉ tiêu”, thầy Thông cho hay.

Trong những năm qua, khối ngành kinh tế đặc biệt thu hút rất nhiều TS. Năm 2011, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhận được khoảng 22.000 hồ sơ đăng ký dự thi, Trường ĐH Kinh tế - Luật gần 20.000 TS đăng ký, Trường ĐH Tài chính - Marketing thu hút 32.000 hồ sơ đăng ký. Một HS băn khoăn: “Các ngành kế toán, tài chính, ngân hàng nhiều người theo học, vậy ra trường liệu có lo bị thất nghiệp và khó thành công?”. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, chia sẻ: “Cơ hội việc làm phụ thuộc rất nhiều vào chính các em chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào các trường đào tạo ngành nghề đó. Nếu các em đã đỗ vào rồi mà học chểnh mảng, không chịu khó, năng động thì sẽ không nắm vững kiến thức chuyên môn, kết quả học tập thấp, cơ hội được tuyển dụng sẽ thấp hơn so với những sinh viên khá giỏi. Ngoài ra, doanh nghiệp còn quan tâm tới khả năng ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm, do đó các em cần trang bị thêm những kiến thức này”.

Trả lời một câu hỏi về chỉ tiêu trong và ngoài ngân sách, dược sĩ Nguyễn Hữu Thái - Giám đốc Ký túc xá, chuyên viên Phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết: “Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường sẽ không đào tạo chỉ tiêu ngoài ngân sách. Do vậy, Trường ĐH Y dược TP.HCM chỉ tuyển sinh chỉ tiêu trong ngân sách và theo hợp đồng với địa phương, tùy từng ngành. Sinh viên được hưởng kinh phí đào tạo từ nhà nước đóng học phí khoảng 4 triệu đồng/năm, sinh viên diện hợp đồng phải đóng mức học phí từ 20-22 triệu đồng/năm. Điểm chuẩn trúng tuyển diện hợp đồng sẽ thấp hơn bình thường từ 0,5-1 điểm. Tuy nhiên, năm 2012 chưa có chỉ tiêu chính thức”.

Ăn, ngủ, nghỉ như thế nào để thi đậu?

Dược sĩ Nguyễn Hữu Thái - Trường ĐH Y dược TP.HCM - đưa ra lời khuyên về chế độ ăn, uống, ngủ nghỉ và học ôn cho TS: “Để có kết quả tốt, việc ăn uống ngủ nghỉ và học thi vẫn phải đảm bảo theo đúng nhịp sinh lý mỗi ngày. Với độ tuổi 17-18, mỗi ngày các em nên ngủ đủ khoảng 7-8 tiếng. Tốt nhất là nên đi ngủ khoảng 22 giờ và thức dậy học bài tiếp vào khoảng 5-6 giờ sáng. Việc ăn uống đủ chất tinh bột, đạm và các loại vitamin từ thức ăn tự nhiên sẽ giúp đảm bảo sức khỏe. Các TS cần đặc biệt chú ý không nên lạm dụng các loại thuốc bổ bên ngoài, dùng quá nhiều sẽ nguy hiểm đến sức khỏe sau này”.

Cách thức nộp hồ sơ dự thi và xét tuyển

Trả lời câu hỏi của học sinh về cách thức nộp hồ sơ đăng ký dự thi và xét tuyển nguyện vọng 2, 3, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - nói: “Sẽ có 2 khoảng thời gian để nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường THPT đang học hoặc tại trường ĐH-CĐ mà TS có nguyện vọng thi vào. Sau khi dự thi, nếu TS không trúng tuyển nhưng có điểm thi cao hơn điểm sàn quy định của Bộ GD-ĐT sẽ được cấp giấy báo điểm để tham gia xét tuyển nguyện vọng 2, 3. Tuy nhiên, năm nay dự kiến TS có thể sử dụng bản sao công chứng để nộp hồ sơ xét tuyển chứ không cần nộp bản gốc. Bộ cũng dự kiến sẽ cho các trường ĐH-CĐ chủ động quyết định thời gian nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2, 3 chứ không giới hạn thời điểm kết thúc, có thể kéo dài đến cuối năm”.