Vợ chồng anh Ngô Văn Tiến từ Phú Yên vào Sài Gòn mưu sinh từ nhiều năm nay. Ban đầu anh làm thợ hồ. Được một thời gian thì có người em bà con xa gợi ý anh nên về quê tìm những người có hoàn cảnh khốn khó vào Sài Gòn để họ ứng tiền cho giao vé số bán trước rồi trả tiền sau.
Anh thử về quê hỏi thăm và thấy còn nhiều người bất hạnh quá. Với họ thu nhập một ngày vài chục ngàn là cả một vấn đề. Thế nên khi anh ngỏ lời nhiều người hưởng ứng ngay. Về sau, lượng người tha hương tìm đến anh càng lúc càng đông. Anh đã thuê 8 chỗ rồi mới chuyển đến thuê căn nhà trong con hẻm hẹp dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ, quận 1. Căn nhà đang che chở cho đội quân bán vé số lên đến 38 người.
Anh Tiến với nụ cười và vòng tay thân ái ôm chặt lấy người bạn vong niên Nguyễn Văn Sâu.
Tiếng cười trong căn nhà nhỏ Thú thật, rất bất ngờ khi chúng tôi bước vào bên trong căn nhà. Diện tích căn phòng chừng hơn 20 m2 nhưng số người thì đông quá. Họ ngồi quây quần bên nhau trò chuyện, kể nhau nghe những vui buồn sau một ngày vất vả.
Đa số họ là người già và tàn tật. Hai cụ già chỉ còn mỗi người một chân. Chiếc chân giả thò ra phía trước. Gần đó hai cụ già ngồi bó gối. Một người già khác mù cả đôi mắt và một người đàn ông mất nửa cánh tay. Chung quanh còn rất nhiều người. Tất cả đều đã qua cái tuổi thanh xuân rất lâu... Theo anh Tiến, mỗi người một hoàn cảnh, rất khó nói được hết những khó khăn của họ. Ví dụ như bác Nguyễn Văn Sâu, 73 tuổi, mất một chân sau tai nạn, nhà ở thị trấn La Hai.
Năm 2009, một cơn bão thổi qua làm nhà cửa tiêu tan. Ruộng vườn bị nước lũ dâng cao đưa cát từ sông lên lấp kín. "Đứa con gái và hai đứa cháu ngoại thiệt mạng trong thảm họa này. Quá sốc trước những đau buồn dồn dập, bác gái bị tâm thần giờ phải ở chung với đứa con gái còn lại. Không còn cách nào để sống bác Sâu phải vào đây lay lắt qua ngày", anh Tiến nói.
Hằng ngày bác Sâu ngồi trên xe lăn nhờ người bạn cùng cảnh ngộ đẩy đi rong ruổi trên khắp các nẻo đường. Tối đến, cộng lại tiền lãi chia đôi cũng đắp đổi qua ngày. Mấy ngày nay người bạn về quê, chiếc xe lăn xếp lại, bác đành phải lê lết một mình cũng chẳng bán được bao nhiêu... Những người ở đây đều đã cao tuổi nhưng vẫn phải bươn chải suốt ngày trên các nẻo đường thành phố để nuôi thân. Hơn 20 con người ngồi chung quanh chúng tôi là hơn 20 hoàn cảnh ngặt nghèo.
Những giọt nước mắt của họ lăn xuống mỗi khi nhắc đến gia cảnh khiến người nghe không khỏi xót lòng. Nhìn những manh áo sờn, những đôi dép không lành lặn để ngoài thềm, những chiếc xe lăn vô hồn đã ôm ấp những người cùng khổ mấy ai không ngậm ngùi. Họ sống chung với nhau dưới một mái nhà. Nghèo tiền bạc nhưng nghĩa tình không nghèo. Tất cả cùng quê hương, cùng cảnh ngộ, chia sẻ với nhau những vui buồn.
Người này bệnh thì có người kia mua thuốc, động viên chăm sóc, bán giùm vé số đã lỡ nhận... Thật khó tìm thấy được ở nơi đâu chan chứa tình người đến thế.
Bữa ăn 4.000 đồng
Nếu tính đầy đủ số người ở nhà này lên đến 38 người. Những người trong nhà cho biết họ đã ở đây hơn ba năm nay rồi. Cũng may là còn có gác gỗ ở trên. Giá thuê của căn nhà này lên đến 5 triệu đồng/tháng. Hoàn cảnh người nào cũng khổ nên ai cũng có sự cảm thông cho nhau.
Anh Tiến mỗi ngày đưa đón hai bà cụ già 90 tuổi đi bán vé số được mỗi cụ trả cho vài chục ngàn đổ xăng. Riêng các cụ, vì phải tốn thêm tiền xe nên lại phải càng cố gắng hơn. Mỗi người một ít nương nhau mà sống. Các bác, các cụ khuyết tật việc đi lại khó khăn được những người lành lặn đảm nhận đẩy những chiếc xe lăn chở đi. Dĩ nhiên số lượng vé số cũng phải tăng lên để rồi chia nhau lợi nhuận.
Quanh những câu chuyện cuối ngày, mỗi người góp một nụ cười. Tiếng cười rộn rã vang lên quên đi sự hiện diện của một phụ nữ đang lấp ló trước lối đi vào bếp, chị Đào Thị Lê, vợ anh Tiến. Chị Lê là người vun vén bữa ăn hằng ngày cho 38 con người ở đây. Hỏi thăm, chị cho biết bà con chỉ lo đi bán, về đến nhà là có cơm ăn ngay. Mỗi ngày một người đóng cho chị 10.000 đồng. Trong số tiền đó, tất cả đều đồng lòng trích ra 2.000 đồng để gọi là trả công cho chị. Thế thì chỉ còn lại 8.000 đồng làm sao có được hai bữa ăn? “Phải cố gắng thôi anh à! Rau dưa qua ngày.
Bà con đều là những người cùng khổ chịu đựng được hết. Cứ vài bữa rau thì cũng có một bữa cá. Lây lất thế mà đã nhiều năm rồi”, chị khép nép nói với chúng tôi. Một cụ ông khều tôi nói: “Trong nhà này, anh Tiến là người đứng mũi chịu sào. Anh phải tính toán, từ tiền nhà, tiền điện tiền nước, tiền ăn cho từng người. Cái khó ló cái khôn cộng với sự đồng cảm của bà con từ bấy lâu nay chưa hề có tiếng to tiếng nhỏ gì với nhau. Được vậy là quý lắm rồi”. Rời khỏi căn nhà đầy ắp tiếng cười, trong lòng tôi chỉ thầm mong những con người bất hạnh đến cuối đời kia sẽ tìm thấy được niềm vui.
Hạnh phúc của họ thật đơn giản, được nhiều người mua vé số để cuộc mưu sinh đỡ vất vả hơn. Hằng ngày anh Tiến chở hai bà cụ đi bán vé số. Một cụ bán ban ngày, một cụ bán ban đêm. Hai cụ là Trần Thị Hường (87 tuổi) và cụ Võ Thị Mầu (gần 90 tuổi). Họ là những người đầu tiên được anh cưu mang. Cụ Hường có hai người con. Con gái theo chồng, cụ đành phải ở với vợ chồng đứa con trai nhưng rồi cuộc sống quá túng thiếu, cụ bỏ vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai... Cụ Mầu quê ở vùng biển Phú Yên. Cả một đời lam lũ đến lúc về chiều sống chung với vợ chồng đứa con trai bữa đói bữa no.
Cụ ngỏ ý muốn vào Sài Gòn bán vé số, cả con và dâu đều khăng khăng không cho cụ đi. Một đêm nọ, đứa con trai lênh đênh trên biển, con dâu ngủ say bà lẳng lặng lên quốc lộ đón xe vào đây rồi nhờ gọi điện thoại báo về cho con hay. Tiền bán vé số được hai cụ trích ra mỗi ngày để đổ xăng xe cho anh.
Sáng 29/1, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và dịch vụ in Đà Nẵng đã trao 300 suất quà (350.000 đồng/suất) cho người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt nghèo đón tết Nguyên đán Ất Mùi. Trước đó, tại TP Rạch Giá, Công ty Xổ số kiến thiết Kiên Giang tổ chức buổi họp mặt tết với hơn 400 người khuyết tật bán vé số. Tại buổi họp mặt, mỗi người nhận được một phần quà (500.000 đồng/suất). Ngoài ra, những người ở ngoài địa bàn TP Rạch Giá còn được công ty hỗ trợ 100.000 đồng tiền xe, tàu.