Nhà vô phúc
TAND TP Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử đối với Lê Văn Trường (SN 1988, trú ở thôn Song Mai Đoài, xã Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội), bị VKSND cùng cấp truy tố về tội giết người, theo điểm đ, khoản 1, Điều 93-BLHS. Nạn nhân dưới tay thanh niên này không ai khác chính là ông Lê Ngọc Ninh (51 tuổi), bố đẻ của bị cáo. Đến dự phiên tòa còn có mẹ đẻ, các anh chị em ruột, họ hàng của bị cáo.
Cái chết thương tâm của ông Ninh bắt nguồn từ một chầu bia vào tối 16/12/2011. Lúc ấy, Trường cùng cả gia đình và một số anh em trong họ tộc ăn cơm, uống bia tại nhà đối tượng. Sau vài ba cốc bia cùng con cháu, ông Ninh vội đứng lên và đi vào nhà dưới (nhà ngang) nằm ngủ. Ngay sau đó, anh và em trai của đối tượng cũng có việc phải đứng lên. Ít phút sau, Trường lôi mấy anh em, bạn bè còn lại lên nhà trên để tiếp tục giải quyết nốt mấy lít bia và hát karaoke. Nằm ở nhà dưới, ông Ninh bị những âm thanh chát chúa từ loa đài dội vào tai nên vùng dậy lên nhà chửi mắng đám con cháu, đồng thời yêu cầu không hát nữa. Sẵn có “ma men” trong người lại muốn thể hiện vai trò chủ nhà của mình, Trường bật dậy cãi bố. Thấy con trai vô lễ, ông Ninh liền chộp lấy cốc bia đang chỏng chơ trên mặt bàn định đập vào đầu đứa con bất hiếu, nhưng bị Trường giằng lại. Sau khi đẩy bố ra ngoài sân, đối tượng lại quay vào nhà chạm cốc và hò hát với đám thanh niên.
Ấm ức vì không dạy được con trai, ông Ninh xuống bếp lấy con dao chọc tiết lợn lên vả nhẹ 2 cái vào mặt Trường. Cơn điên nổi lên, đối tượng túm tay ông Ninh, giằng lấy con dao và đẩy bố ngã ngửa xuống nền nhà. Thế rồi, hắn sấn tới ngồi đè lên đùi bố và đâm liên tiếp vào bụng, ngực ông một cách không thương tiếc. Hành vi của Trường quyết liệt và nhanh đến mức những người có mặt tại hiện trường không kịp phản ứng để ngăn cản. Do thương tích quá nặng nên đến 10h hôm sau, ông Ninh đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện. Theo giám định pháp y, nạn nhân bị tổng cộng 6 nhát dao, nguyên nhân chết do mất máu cấp.
Không thể ngụy biện
Diễn tiến và nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Ninh chỉ đơn giản có thế. Ai cũng hiểu rằng từ xưa tới nay, giết người đã là một tội ác, đằng này Lê Văn Trường lại giết hại chính người đã sinh thành ra mình. Thế nên bất luận hình phạt áp dụng đối với bị cáo có như thế nào đi chăng nữa thì tội ác đó cũng khó mà gột sạch. Nghe bị cáo khai báo lại hành vi phạm tội trước HĐXX, một số người tỏ ra thương cảm, nhưng cũng có người cho rằng nghịch tử này ngụy biện.
Trình bày trước tòa, Trường đổ lỗi cho “ma men” dẫn lối. “Trước khi ăn uống cùng gia đình, bị cáo đã “ngất ngây” vì chầu nhậu buổi chiều. Lúc ngồi uống bia và hát karaoke cùng các anh em trong họ đã là cuộc thứ ba liên tiếp” - bị cáo khai vậy. Lê Văn Trường còn “tố” ông Ninh là: “Không ngày nào bố bị cáo không uống rượu, bia. Bố còn thường xuyên mắng chửi mẹ con bị cáo. Hôm vụ án xảy ra, bố bị cáo cũng trong tình trạng say khướt”. Được mời đứng lên bày tỏ quan điểm đối với bị cáo, bà Dương Thị Hân (mẹ Trường) đỡ lời con: “Hồi còn sống, chồng tôi thường xuyên uống rượu. Có lần rượu vào, ông ấy còn đòi bóp cổ vợ, khiến tôi phải tạm lánh nạn sang nhà cậu em”. Như thể muốn gỡ tội cho đứa con trai thứ 2 của mình, người đàn bà đau khổ này còn quả quyết, chồng bà từng nhiều lần đi viện điều trị bệnh tâm thần, sở dĩ thần kinh của ông Ninh không ổn định là do di chứng sọ não từ một vụ tai nạn giao thông cách đây gần 10 năm. “Bản thân Trường cũng có vấn đề tương tự, kể từ giữa năm 2011 cũng vì vết thương ở đầu phải mổ não, sau khi bị tai nạn xe máy” - bà Hân dằn lòng.
Không chỉ có Trường, bà Hân mà ngay cả những anh chị em ruột của bị cáo cùng một số nhân chứng có mặt tại hiện trường vụ án cũng cho rằng nạn nhân “nát rượu” và hôm đó “say mèm”. Tuy nhiên, nữ chủ tọa phiên tòa lại không nghĩ như vậy, bởi tài liệu giải phẫu tử thi đối với ông Ninh thể hiện không hề tìm thấy chất Ethanol (chất cồn) trong máu. Chốt lại phần thẩm vấn, chủ tọa phiên tòa hỏi thêm: “Lúc đâm nạn nhân bị cáo suy nghĩ gì, có nghĩ đó là bố mình không”? Không chút do dự, Trường mở lời: “Lúc ấy, bị cáo không nghĩ đó là bố mình ạ”! Trước khi HĐXX rút vào nghị án, nghịch tử được nói lời sau cùng với những lời thỉnh cầu xin được xem xét và mở lượng khoan hồng. Trở lại hội trường xét xử, tòa án cho rằng hành vi của Trường là đặc biệt nguy hiểm vì nó không chỉ tước đoạt mạng sống của một con người đến cùng mà còn làm mất trật tự xã hội và băng hoại đạo đức, lối sống. Với nhận định đó, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt tù chung thân đối với Lê Văn Trường. Mức án này cao hơn hẳn đề nghị của đại diện VKS, xử phạt bị cáo từ 16-18 năm tù giam về tội giết người.