Gia đình chị Phạm Kim Oanh (sinh năm 1966) vốn nghèo khó, không có chỗ ở nên hai mẹ con đành dựng tạm túp lều trên bãi rác bằng những vật dụng bỏ đi để làm chỗ “che mưa, che nắng”.
“Sống trên bãi rác, ngửi mùi xú uế mãi cũng quen”
Con đường dẫn vào lều của mẹ con chị Oanh bao quanh là rác rưởi, ruồi nhặng bu đầy và lúc nào cũng sộc mùi hôi thối. Cái lều liêu xiêu, được dựng bằng những thanh gỗ, tấm bạt cũ chỉ chực đổ mỗi khi có gió to, mưa lớn. Đến thăm hai mẹ con chị, nghe chị tâm sự mà chúng tôi ứa nước mắt: “Mùa rét như này thì đỡ, mùa hè hai mẹ con vừa ăn vừa đuổi ruồi nhặng, đấy là chưa kể lúc đêm tối, trời vừa oi nóng, muỗi lại nhiều, hai mẹ con đuổi mãi cũng chẳng hết, lại thức trắng cả đêm thôi. Tôi cũng muốn tìm một chỗ nào đó sạch sẽ hơn mà dựng lều, nhưng không có được, giờ ai cho mình dựng ở những khu đất trống”.
Hai mẹ con chị Oanh và bộ quần áo xin được từ một người chủ thuê làm
Cái lều của hai mẹ con được dựng bằng những vật liệu cũ
Năm 2008, cô con gái Phạm Thị Kim Dung ra đời, người mẹ vốn mắc bệnh thần kinh nhẹ phải cố gắng lắm mới bao bọc, chăm sóc được cô con gái. Kim Dung lớn lên không biết mặt cha, hàng ngày, em cùng mẹ mưu sinh trên đường phố. Năm nay đã 14 tuổi nhưng Dung không được đến trường học như bạn bè đồng trang lứa, thay vào đó em phải đi nhặt rác kiếm sống và học chữ ở lớp học tình thương.
Mang trong mình nhiều căn bệnh, hàng ngày lại cố sức đi nhặt nhạnh, bán đồng nát nên nhiều lần chị Oanh bị ngất trên đường vì đói, vì kiệt sức. Chị Kim Oanh tâm sự: “Nhiều lần tôi ngất đi vì mệt, vì huyết áp giảm đột ngột, con tôi chỉ biết ôm tôi khóc, tôi là chỗ dựa duy nhất của nó. Bây giờ tôi mà chết đi không biết cuộc sống của nó sẽ ra sao. Tôi chỉ mong bệnh tình có thể thuyên giảm để có thể bên cạnh chăm sóc con”.
Cuộc sống của hai mẹ con trên bãi rác được chị Oanh ví von như ốc đảo ba không: không điện, không đường, không nước sạch. Chiều đến, hai mẹ con lại tranh thủ ăn cơm cho sớm còn có ánh sáng ban ngày, tới tối, lúc thì hai mẹ con thắp nến, khi thì có ánh sáng từ chiếc đèn pin. Hàng ngày, mẹ con chị thay nhau đi xin nước sạch từ người dân ở khu vực lân cận về ăn. Chị Kim Oanh nghẹn ngào: “Thiếu thốn đủ thứ không sao, hai mẹ con tôi cố gắng được, nhưng không biết tới đây, khi bãi rác này được quy hoạch, xử lý thì mẹ con tôi sẽ đi đâu”.
Niềm hy vọng từ “bãi rác”
Không lùi bước trước số phận bất hạnh, chị Kim Oanh vẫn đang nỗ lực từng ngày để nuôi dưỡng Kim Dung. Chúng tôi gặp chị khi chị vừa đi dọn dẹp cho một gia đình trên phố trở về. Trên tay chị cầm mấy bộ quần áo cũ, nét mặt vui vẻ hẳn: “Mấy hôm nay mưa rét, hai mẹ con không có quần áo mặc, hôm qua Dung được cho bộ quần áo (chỉ vào bộ quần áo Dung đang mặc) nhìn trông đẹp và vừa vặn với nó quá. Hôm nay tôi lại xin được một ít quần áo cũ, thế là đêm nay vừa có cái đắp, vừa có đồ mặc rồi”.
Đối với người mẹ nghèo thương con, có lẽ để có được một chiếc áo ấm cho con khi mùa đông tới là một điều rất khó khăn. Nhưng tình yêu thương của người mẹ sẽ luôn sưởi ấm cho trái tim bé bỏng, giúp Kim Dung bớt đi sự thiếu thốn tình thương của cha.
Dù cuộc sống khốn khó đến mấy, nhưng chị Oanh vẫn động viên cho Dung đi học. Kim Dung hiện đang theo học tại lớp học tình thương của cô Nguyễn Thị Côi ở cụm văn hóa 11 (389 Trương Định, Hà Nội). Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần Kim Dung đi bộ hơn 2 km để đến địa điểm học. Cô Côi cho biết: “Kim Dung là một học sinh rất ngoan và chăm chỉ trong học tập. Tuy chịu nhiều thiệt thòi, có hôm phải nghỉ học chăm mẹ, hôm thì nghỉ học đi làm thuê nhưng bài tập được giao em vẫn làm đầy đủ. Tôi tin rằng với sự nỗ lực và cố gắng của em em sẽ vượt qua mọi khó khăn”.
Tâm sự cùng cô học trò nghèo hiếu học, Kim Dung chia sẻ: “Em sẽ cố gắng học tập, ước mơ của em là trở thành bác sĩ. Vì nhà em nghèo, mẹ lại bị bệnh, em rất sợ những khi mẹ ốm không được điều trị kịp thời, vì không có tiền và nhà không có phương tiện đi lại. Em rất sợ, sợ một ngày mẹ sẽ rời xa em”.
Chứng kiến sự yêu thương, đùm bọc nhau của hai mẹ con cô Oanh trong căn lều lụp xụp, nhìn nồi cơm trắng trên chiếc bếp tạm bợ vừa kịp chín cho bữa ăn trưa, chúng tôi không khỏi nghẹn ngào và xót thương cho số phận éo le, bất hạnh của họ.
Một số hình ảnh ghi nhận:
Dung ngồi tâm sự với chúng tôi bên căn lều tạm bợ trong lúc đợi mẹ em về.
Bếp nấu cơm ngoài trời
Trong nhà, chỉ toàn là những đồ phế liệu bỏ đi, chẳng có gì đáng giá.