Cũng có thể là vì, vào thời điểm đó, thông tin về tình trạng hàng loạt doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, ngừng hoạt động chưa được công bố rộng rãi như hiện thời. Hơn thế, sau 4 năm chống chọi với những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, DN Việt đã “thấm mệt”.
Bởi thế, khi ông Lâm Nguyên Khôi, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM công bố, chỉ trong 3 tháng đầu năm, đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước này đã có 931 DN khóa mã số thuế để giải thể, trong đó có 526 DN đã hoàn tất thủ tục, thì dư luận đều hiểu rằng, đó sẽ không phải là con số cuối cùng. Thực tế, chỉ nhìn vào con số rằng, cũng trong thời gian này, có tới 5.012 DN thông báo ngừng hoạt động với cơ quan thuế TP. HCM, cũng có thể “suy đoán” ra nhiều điều.
Trong một động thái khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cũng đã cho biết, tính đến ngày 21/3, có trên 2.200 DN làm thủ tục giải thể và trên 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế.
“DN khó cả đầu vào lẫn đầu ra”, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhận xét như vậy và viện dẫn một loạt con số để chứng minh rằng, sản xuất công nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, tiêu thụ chậm, hàng tồn kho cao… Chẳng hạn, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến chỉ tăng rất thấp - 3,2%. Hàng tồn kho lớn, đặc biệt các mặt hàng xi măng, sắt thép…
Ngay cả con số nhập siêu giảm, chỉ còn 251 triệu USD, bằng khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý đầu năm cũng được ông Hà cho là đã phản ánh sự đình trệ trong đầu tư và sản xuất trong nước. “Nhập siêu giảm mạnh là một tín hiệu tốt nếu xét về cân đối vĩ mô, nhưng lại không phải là một dấu hiệu lành mạnh của nền kinh tế”, ông Hà nói.
Thậm chí, ngay cả điểm sáng nhất của nền kinh tế trong quý I này, đó là tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đã giảm mạnh (tháng 3 chỉ còn tăng 0,16% so với tháng trước), khiến lạm phát cộng dồn trong 3 tháng chỉ là 2,55% cũng được cho là ẩn chứa nhiều yếu tố tiêu cực của nền kinh tế. Đó là tiêu dùng giảm, tồn kho cao, sản xuất đình trệ… “Sản xuất công nghiệp có thể sẽ còn khó khăn hơn nữa trong thời gian tới”, một cán bộ của Bộ Công thương nhận xét.
Theo vị này, bình thường vào thời điểm cuối quý I, nhiều DN xuất khẩu dệt may, da giày đã ký được đơn hàng cho cả năm, nhưng năm nay, mới chỉ có một số DN có đơn hàng đến hết quý I, ít đơn hàng quý II, quý III và cũng chưa thấy có đơn hàng nào lớn. “DN chưa có đơn hàng, nên dù lãi suất ngân hàng gần đây đã có xu hướng giảm, DN cũng không mặn mà vay vốn, nhất là khối DN nhỏ và vừa”, vị này nói và cho biết, với tình hình khó khăn hiện nay, khi xuất khẩu nông sản, như gạo, điều, cà phê…, không những giảm về giá, mà còn giảm cả về lượng, thì khả năng đạt kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay (13%) vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo tính toán của Bộ Công thương, để đạt tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 108 tỷ USD trong năm nay, 9 tháng còn lại, trung bình mỗi tháng, cả nước phải xuất khẩu được 9,36 tỷ USD. Con số này là không dễ dàng đạt được.
Rõ ràng, nhiều dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế đã, đang và sẽ tiếp tục gặp khó. Hệ thống DN, thước đo sức khỏe của nền kinh tế, là đối tượng cần được tiếp sức trước tiên. Không chỉ là giãn, giảm thuế, hay cải cách thủ tục hành chính…, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, phải có biện pháp để giúp DN bán được hàng, giải phóng hàng tồn kho, mua lại nợ xấu để giúp DN phát triển trở lại.
“Cần làm sống lại những DN hoạt động lành mạnh. Họ khó khăn không chỉ tại lãi suất cao, không tiếp cận được vốn, mà còn vì nhiều khi phát triển thiếu chiến lược, năng lực cạnh tranh thấp, không chú ý đến các biến cố của thị trường…”, ông Doanh nói và cho rằng, cần có cả biện pháp để hỗ trợ DN tư nhân tái cấu trúc, chứ không chỉ là tập trung tái cấu trúc DN nhà nước.
Các biện pháp giải cứu nền kinh tế khác, như Báo Đầu tư từng đề cập, đó là kích cầu tiêu dùng có mục tiêu, có trọng điểm, tái cơ cấu nền kinh tế…
“Lạm phát hiện thời đang có dấu hiệu tích cực, nhưng xét về nguyên nhân cơ bản, thì Việt Nam luôn có mức lạm phát cao là vì cơ cấu sản xuất chưa hợp lý, đầu tư kém hiệu quả. Chính vì vậy, để ổn định kinh tế vĩ mô, phải thực hiện các giải pháp dài hạn, chứ không phải chỉ là ‘đánh trận’ hàng năm, hàng quý, hàng tháng. Như vậy sẽ không hiệu quả”, ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.