Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra bằng chứng pháp y về vụ hiến tế với xác ướp Inca 1.600 tuổi được phát hiện ở sa mạc Atacama, Nam Mỹ.
Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ khẳng định, người phụ nữ Inca khoảng 20 tuổi này đã bị nhiễm căn bệnh nguy hiểm - bệnh Chagas do một loại ký sinh trùng nhiệt đới gây ra. Người mắc bệnh Chagas có thể chết vì bệnh tim, hoặc bị giãn nở thực quản hay đại tràng khiến bệnh nhân mất khả năng ăn uống.
Xác ướp Inca 1.600 tuổi được phát hiện ở sa mạc Atacama.
Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân thật sự về cái chết của người phụ nữ này. Các nhà nghiên cứu tin rằng, cô đã bị giết chết trong một nghi lễ hiến tế.
Qua phân tích tóc của người phụ nữ Inca này, các nhà nghiên cứu phát hiện về chế độ ăn hải sản và ngô trước khi mất. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về nguồn gốc, cuộc sống của người phụ nữ này, nhà nghiên cứu Andreas Nerlich thuộc ĐH Munich đã tiến hành kiểm tra xương, xét nghiệm DNA xác ướp.
Phân tích mẫu tóc của xác ướp cho thấy, người phụ nữ Inca này có một chế độ ăn ngô, hải sản khi còn sống.
Hình ảnh chụp cắt lớp (CT scan) đã tiết lộ, xương trán của hộp sọ đã bị đập tan. Do đó, các nhà nghiên cứu phỏng đoán, đây mới chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người phụ nữ Inca này. Khi người phụ nữ chết, cô đã bị chôn vùi trong sa mạc Atacama - nơi cát và không khí tự nhiên ướp xác cho cô.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng, người phụ nữ Inca này đã chết trong một nghi lễ “capacocha”, một nghi thức hiến tế trong lễ kỷ niệm sự kiện quan trọng của Hoàng đế Inca.
Người Inca tin rằng, hiến tế những phụ nữ trẻ tuổi, hay những đứa trẻ sẽ giúp đế chế của họ tránh được thế lực siêu nhiên. Cách mà xác ướp phụ nữ Inca 20 tuổi này ngồi trên hai chân gập cong, tay để trước bụng thể hiện một sự ra đi thanh thản.
Phát hiện này khiến các nhà khảo cổ học nhớ lại trường hợp của xác ướp Trinh nữ 500 tuổi - một trong những xác ướp được bảo quản nguyên vẹn nhất trên thế giới cũng mất trong sứ mệnh làm vật hiến tế của mình.
Hiện, các nhà khảo cổ vẫn đang tiến hành nghiên cứu về xác ướp trẻ tuổi này.
Nghiên cứu trên được công bố tại tạp chí PloS ONE.