Chiều đông buông thõng xuống dãy núi đá, khói lam chiều quyện vào những màn sương mỏng mảnh phủ kín cả cái thung lũng nghèo. Người đàn bà ngồi như tạc tượng, ngay cả khi thấy chúng tôi vào tới bậc nhà vẫn không buồn nhúc nhích. Chúng tôi thoáng chút giật mình trong phút chốc nhưng rồi thấy cứ nghèn nghẹn, day dứt cho một kiếp người. Câu chuyện buồn cứ miên man, dằng dặc và nhân vật của tôi cứ khóc đến cạn lệ. Nhân vật ấy chính là chị Bùi Thị Ngoan, 51 tuổi ở thôn Đồng Chư, xã Thành Công (Thạch Thành, Thanh Hóa).
Dưới mái tranh bất hạnh
Hơn nửa đời người rồi vẫn chỉ còn lại một mình chị sống cô quạnh trong căn nhà lá dưới chân núi bốn bề gió thốc. Có lẽ, dăm ba câu không hết được sự tình trớ trêu mà ông giời đã "giăng lưới" xuống những cuộc đời trong ngôi nhà ấy. Thế nên, chị chậm dãi "tãi bày" nỗi thống khổ của trần đời với chúng tôi trong tiếng thở đứt quãng, khò khè, khóc nhiều hơn nói.
Là con út trong gia đình có 4 anh chị em, 2 trai, 2 gái. Lên 7 tuổi thì cô bé Ngoan bắt đầu sinh bệnh. Thân người gầy yếu, mệt mỏi nhịp thở khò khè, khó nhọc. Vì nghèo mà "nhịn" bệnh nên càng ngày bệnh của chị càng trở nên khó chữa. Khó khăn lắm chị mới được lên "thăm" bệnh viện huyện và được bác sĩ cho biết chị bị…viêm đường hô hấp. Bệnh ủ lâu ngày nên bắt buộc phải nghỉ học nằm viện điều trị.
Chị nhớ, mỗi lần lên viện là lần ấy gia đình chị lại bắt đầu to tiếng cãi vã. Bố chị ngồi bóp chán, mẹ chị nằm co quắp ôm con để bày tính cách có tiền để đi viện. Gương mặt ai cũng thất thần, phờ phạc, lo lắng, nhà chỉ trông chờ vào cây sắn, cây ngô nhưng có bán cả đồi thì cũng chỉ đủ cho một người nằm viện mấy ngày. Bởi thế, chưa lên tới viện, nằm chưa ấm chỗ đã tính chuyện ra về. Cứ thế, căn bệnh không được chứa trị dứt điểm mà ngày càng có nguy cơ biến chứng nặng nề. Những lúc mệt mỏi, căn bệnh lại tái phát và hành hạ thân thể non nớt, yếu đuối buộc Ngoan chấm dứt hẳn với việc học hành.
Căn nhà lá chỉ còn một mình chị chống chọi với bạo bệnh trong niềm đớn đau tột cùng
Không còn được đến trường, cô bé Ngoan khi ấy ngày ngày lẽo đẽo theo cha mẹ lên rừng trồng sắn. 12 giờ mỗi ngày và 365 ngày mỗi năm cả nhà cứ thui thủi, quẩn quanh trên lưng chừng núi. Rồi một ngày sức khỏe của Ngoan bỗng dưng suy kiệt, bệnh tái phát nặng và biến chứng thành "hệ thống" bệnh khác nhau. Toàn thân mẩn ngứa, khắp cơ thể nổi lên những nốt mụn đỏ như hàng ngàn con kiến đang cắn xé vào da thịt. Ngoan giãy đạp, cào cấu cơ thể mình đến tóe máu, xước xẹo hết da thịt. Càng ngày những cái mụn thịt đỏ càng nổi lên rõ rệt và lây lan khắp trên người, mặt. Chị kể: “Mới đầu tôi cứ nghĩ lên nương chui vào đâu đó bị ngứa, càng ngứa tôi càng gãi đến khi nhìn lại cơ thể mình thì thấy những nốt mụn cứ lỗ chỗ nhú ra những u thịt thừa, biết là mình bị bệnh không thể cố giấu được nữa, tôi mới nói cho bố mẹ và các anh chị biết”.
Những ngày sau đó, dưới vùng cổ của chị mọc lên hai khối u rõ nét hình quả nhót chặn ngay giữa vòm họng làm chị càng khó khăn trong giao tiếp, hơi thở ngày một khó nhọc và bệnh tình thêm trầm trọng. Biết chị bị mắc phải bệnh lạ, gia đình đã bán tất cả những gì có thể bán để đưa chị lên bệnh viện. Tất cả mọi hy vọng sụp đổ khi bác sĩ nói chị bị bệnh viêm đa thần kinh, nếu mổ thì không sống được chỉ còn cách chấp nhận phải sống chung với bệnh.
Bất lực, chị trở về nhà trong tràn trề nỗi tuyệt vọng. Căn nhà trống trải, của cải bán sạch bách nhưng đổi lại là căn bệnh vô phương cứu chữa. Càng nhìn con người cha càng tiều tụy rồi đổ bệnh qua đời. Không lâu sau, người mẹ cũng vì nhớ chồng, thương con một đêm cũng lặng lẽ ra đi.
Cha mẹ qua đời thì cái mái tranh nghèo ấy cũng đến lúc lụi tàn. Hai người anh là Bùi Văn Phơi và Bùi Văn Phới cũng lần lượt hi sinh trong những năm tháng chiến tranh. Kế tiếp là người chị gái Bùi Thị Lại mắc chứng bệnh sốt xuất huyết cũng qua đời khi tuổi còn rất trẻ. Sự ra đi "dây chuyền" của 5 con người trong gia đình ấy khiến xóm núi buồn thê thiết. Cái ngôi nhà lá đó chỉ còn trơ một mình chị chống chọi với bạo bệnh trong niềm đớn đau tột cùng.
Thấy gia cảnh của chị quá thương tâm và là gia đình có công với cách mạng, Hội phụ nữ xã Thành Công cùng với các tổ chức, ban ngành, doanh nghiệp, hàng xóm láng giềng đã vận động quyên góp giúp đỡ chị dựng lên căn nhà đơn sơ vào năm 2008.
Bí mật sống để bụng chết mang theo
Không còn cha mẹ, "hết sạch" anh em, một mình chị thui thủi "bầu bạn" với căn bệnh quái ác. Cuộc sống cứ quanh ra quẩn vào trong cái ngõ hẻm bé tin hỉn. Tài sản duy nhất cha mẹ để lại là mảnh vườn trồng rau, trồng sắn, chị cần mẫn cày cuốc nuôi thân.
Tuổi xuân không đến với chị, hạnh phúc chẳng về với chị, chị nghẹn ngào trông cảnh người ta sum vầy, quấn quýt. Đối với chị sống đã khó, bản thân chẳng dám một lần đối diện với tấm gương soi thì đâu dám mơ ánh mắt tình tứ nào trao cho mình một cái nhìn. Ấy nhưng chị cũng đã lầm, có người vẫn đã dành cho chị không chỉ một lần ánh mắt cảm thông, chia sẻ. Ngoài những người bà con, chòm xóm thường xuyên tới lui tới thăm nom, thỉnh thoảng giúp đỡ chị vài đồng đong gạo thì còn có một người đàn ông đến với chị để san sẻ những câu chuyện riêng tư.
Thế rồi, cả thôn Đông Chư ngỡ ngàng khi biết tin chị Ngoan có bầu. Người đến thăm hỏi động viên, người thì bàn ra tán vào, dò la, suy đoán. Họ không hỏi cái thai trong người chị mà họ muốn biết người đàn ông ấy là ai?. Người đàn ông đã đến với chị trong một đêm mưa gió đáp ứng một lời cầu khẩn thiết tha của người đàn bà "quỷ ám".
Nửa đời người chị vẫn bám những củ khoai để sống
Chị mang bầu, nỗi khao khát cháy bỏng bấy lâu nay như tiếp thêm sức mạnh cho chị chiến đấu với bệnh tật. Hôm vượt cạn một mình chị ôm bụng lên trạm y tế xã. Căn phòng hộ sinh trật chội mà chị cảm giác như nó rộng mênh mông, trống trải, lạc lõng vô cùng. Chị bỗng bật khóc, khóc vật vã khi nghe con thơ chào đời cất tiếng oe oe. Niềm hạnh phúc ào đến dồn dập, nỗi tủi thân lo lắng cho tương lai cũng ùa theo thành hai thái cực giằng xé trong lòng người mẹ. Người nữ hộ sinh cũng bật khóc vì quá cảm thương rồi tự tay nấu cháo, động viên, an ủi người đàn bà bất hạnh ấy. Lúc đó, có lẽ chị đã thầm cảm ơn đến người đàn ông trong đêm mưa gió…
Bồng con về căn nhà nhỏ, chẳng hiểu sao khi ấy tai tiếng mới bắt đầu ập đến. Người ta đến nhìn đứa bé để đoán già, đoán non về người đàn ông đã chôn chặt trong sâu thẳm trái tim chị. Đứa con mang họ mẹ chứ không phải người đàn ông nào hết dù người ta có gạn hỏi thì chị cũng chỉ câm lặng và khóc.
Chị khẳng định đứa con không phải là kết quả của mối tình vụng trộm mà đó là sự cầu khẩn, mong mỏi: “Tôi là một người bệnh tật, sống chết đối với tôi không có ý nghĩa gì cả chỉ muốn có một đứa con để nối dõi tông đường”. Chị thèm muốn có một đứa con và được sự chấp thuận của người đàn ông trong nhật ký bí mật của chị. Đó là một bí mật mà chị bảo "sống để bụng, chết mang theo".
Số tiền ít ỏi 180 nghìn đồng trợ cấp mỗi tháng chị dành dụm, dè dặt nuôi con khôn lớn trưởng thành. Những lúc trong túi không còn một đồng bạc lẻ, hai mẹ con lại tận dụng rau cháo nuôi nhau. Bao nhiêu biến cố, tai ương của cuộc đời chị đều trải qua giờ chị tin vào tương lai hơn bao giờ hết. Có lẽ đó cũng là lý do để đứa con không cha của chị luôn ngoan ngoãn, hiền lành, chăm học. 18 năm rèn rũa, sống kham khổ em đã thi đỗ vào trường Đại học Hồng Đức như một sự tri ân đối với người mẹ đã chịu quá nhiều bất hạnh.
Chị bảo đứa con tên Hà chính là động lực để chị tiếp tục sống, gồng mình vượt qua những cơn đau về thể xác, những khốn khó về vật chất để nuôi con khôn lớn, trưởng thành: “Tôi không biết sống chết lúc nào, ông trời cho được ngày nào hay ngày nấy. Điều tôi lo lắng nhất là tương lai của đứa con. Nó chịu bất hạnh nhiều rồi, tôi không muốn sau này nó sẽ phải chịu thêm một mất mát nào nữa. Nếu giờ này tôi chết đi thì cháu sẽ không biết sống sao?”.
Tôi xoáy sâu vào đôi mắt chị, còn chị, có lẽ lúc này chị đang nghĩ đến người đàn ông trong đêm mưa gió…