Có lẽ Chhay là một trong những nạn nhân đầu tiên của nạn buôn bán nội tạng người ở Campuchia. Hai năm trước cậu là thiếu niên 16 tuổi khỏe mạnh, đầy sức sống trước khi quyết định bán một quả thận. Còn bây giờ, Chhay đang phải đối mặt với một cú sốc mà cậu mô tả là sai lầm lớn trong đời trong căn nhà siêu vẹo lọt thỏm trong một ngôi làng ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh chỉ vì 3.000 USD.
Khi nói chuyện với phóng viên AFP, Chhay cho biết, cách đây 2 năm, một phụ nữ đã thuyết phục Chhay bán thận bởi bà ta biết gia đình cậu rất nghèo và đang ngập trong nợ nần. Sự cám dỗ của khoản tiền lớn khiến cậu nhằm mắt làm liều.
Hai nạn nhân khác cũng đã báo cảnh sát sau khi tự bán những quả thận. Nghi phạm mà Chhay và hai người cùng cảnh ngộ nhắc tới hiện đã bị bắt song vết sẹo dài trên cơ thể cùng với sự đau đớn mà chàng thanh niên chịu đựng ngày càng trở nên tồi tệ.
Những câu chuyện giống hệt nhau như Chhay từ lâu đã trở nên phổ biến trong các khu ổ chuột ở Ấn Độ và Nepal, các điểm nóng về nạn mua bán tạng người bất hợp pháp. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, tới 10% trong số 100.000 ca cấy ghép thận mỗi năm sử dụng nguồn thận phi pháp.
Tuy nhiên, các nạn nhân chỉ khiếu nại hoặc báo cảnh sát khi phát hiện ra rằng, các con buôn đút túi khoảng 10.000 USD sau mỗi thương vụ mua bán thận thành công.
Theo Prum, một quan chức cảnh sát Phnom Penh , tội phạm buôn bán thận không giống như các loại tội phạm khác. Nếu các nạn nhân không lên tiếng, nhà chức trách sẽ không bao giờ biết sự việc xảy ra với họ.
Sự hối tiếc muộn màng
Ngồi nhìn kim đồng hồ quay và xem những chàng trai cùng tuổi chơi bóng, Chhay cảm thấy đau đớn và bất lực. Hai năm sau khi làm phẫu thuật bán thận, sức khỏe của cậu xuống dốc rõ rệt, cảm giác xấu hổ xâm chiếm tâm trí cậu trong khi món nợ của gia đình chẳng hề vơi. Chhay khuyên những người khác đừng dại dột như cậu bởi giờ đây, dù mới 18 tuổi, song cậu chẳng đủ sức kiếm sống vì sức khỏe không cho phép.
Giới khoa học thực hiện rất ít nghiên cứu về những tác động từ việc bán thận đến sức khỏe con người như trường hợp của Chhay song WHO báo cáo rằng, việc bán thận có mối quan hệ chặt chẽ với chứng trầm cảm và suy giảm sức khỏe của các nạn nhân.
Các trường hợp đầu tiên
Buôn bán người là một vấn nạn phổ biến tại quốc gia nghèo Campuchia và cảnh sát thường xuyên điều tra các vụ việc liên quan đến nạn mại dâm hay các vụ cưỡng ép hôn nhân. Song đây là lần đầu tiên vụ án liên quan đến buôn bán nội tạng xuất hiện ở quốc gia Đông Nam Á.
Vì bán thận là việc khá dễ dàng nên người ta lo ngại số người nghèo nhắm mắt đưa chân sẽ tăng. Ba người khai báo bọn buôn nội tạng từng đưa họ sang Bangkok để lấy tạng. Hiện cảnh sát Thái Lan cũng vào cuộc để điều tra các bệnh viện làm giấy tờ giả mạo để chứng minh rằng nguồn thận mà họ có tới từ những người hiến tặng tự nguyện. Tuy nhiên, chính sự đồng lõa của các nạn nhân mới là trở ngại của cảnh sát.
Phần nổi của tảng băng trôi
Nạn nhân của những kẻ buôn bán nội tạng phải sống trong những căn nhà tồi tàn, tạm bợ vì nghèo khó.
Nạn nhân của những kẻ buôn bán nội tạng phải sống trong những căn nhà tồi tàn, tạm bợ vì nghèo khó. Ảnh: AFP Tại Campuchia, ba nạn nhân mà cảnh sát phát hiện có thể chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Theo Trung tâm hiến tặng nội tạng Hội chữ thập đỏ Thái Lan (ODC), tính đến tháng 8 năm nay, chỉ riêng tại nước này các bệnh viện đã thống kê 4.321 người đang cần ghép nội tạng. Trong khi đó, vào năm ngoái, những người qua đời chỉ để lại 581 quả thận.
Trên phạm vi toàn thế giới, việc hiến tặng thận ngày càng phụ thuộc vào những người hiến tặng còn sống. Đó là các thành viên trong gia đình, hoặc các tình nguyện viên.
Hiện ODC đã đưa ra quy định bắt buộc đối với các bệnh viện, theo đó bệnh viện phải cung cấp mọi thông tin chi tiết của người hiến tạng cho ODC. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại ngành du lịch y tế tại Thái Lan, vốn nổi tiếng với chất lượng cao và chi phí thấp, có thể sẽ tạo cơ hội cho mạng lưới tội phạm buôn nội tạng phát triển.