Dễ nhận thấy và rất đáng hoan nghênh ở tinh thần “nhìn thẳng sự thật”, “nói thẳng”, “nói mạnh” trong chương trình “Gặp nhau cuối năm 2011” - Táo quân đêm 30 Tết Nhâm Thìn trên VTV. Ê kíp tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ dường như đã rất phấn khích trong quá trình sáng tác, dàn dựng, luyện tập với cảm hứng phản biện dâng tràn, để có thể tung hứng sôi nổi trong tiết tấu nhanh, cách đặt vấn đề trực diện, ngôn ngữ phê phán táo bạo, mạnh dạn.
Khán giả sau thời gian “đoán già đoán non” về những gì diễn ra trong chương trình, sau khi thưởng thức màn diễn nhộn nhịp cuối năm của các nghệ sĩ hài, dường như cũng phần nào “mãn nhãn, mãn nhĩ” và được “hả hê” với tác dụng châm biếm, đả kích mà các Táo đã không ngần ngại vạch ra cũng như tự trào.
Những rắc rối kéo dài trong vấn nạn giao thông được tiếp tục phơi bày. Và khi thực tế đã căng thẳng hơn, “nóng” hơn không chỉ bởi tình trạng ách tắc như cơm bữa, tai nạn liên miên, mà còn vì những tuyên bố ồn ào, những dự định đưa ra vội vã, thiếu tính toán, thì lời lẽ của các Táo cũng “khiếp” hơn. Táo tha hồ châm chích việc “vi hành” xe buýt, dự tính điều chỉnh giờ đi làm, đi học, dự tính đánh phí cao đối với ô tô vào nội thành…
Khá thú vị ở một số chi tiết như khi Táo giao thông – NSƯT Chí Trung ngầm phê phán sự vô trách nhiệm khi khẳng định cái gì ngành giao thông lo còn cái khác thì… mặc kệ ngành khác, hoặc ở bài toán bữa sáng cho một gia đình có năm người với mỗi người một giờ ra đường khác nhau mà Táo giáo dục - NSƯT Minh Hằng đưa ra, hay khi Nam Tào – Xuân Bắc thăng đồng phán hùng hồn nhưng cũng phải vội vã ra về bằng cách đi bộ để khỏi bị đánh phí taxi…
Với ngành y tế nhiều điểm nóng trong năm qua, các Táo cũng vạch ra thái độ coi thường đáng ngạc nhiên trước diễn biến nhanh và lan rộng của dịch tay chân miệng, trước thảm trạng nhiều bệnh nhân chung giường bệnh nhiều năm qua chưa giải quyết xong lại tiếp tục quá tải trong năm 2011.
Nạn bằng cấp giả, bệnh thành tích, nạn sính trường điểm, trường chuẩn, chương trình học nặng nề đối với học sinh phổ thông… là những vấn đề trong ngành giáo dục bị đem ra để cười. Các Táo cũng táo bạo vạch ra bao nhiêu năm qua xã hội hô hào cải tiến, đổi mới giáo dục nhưng tình hình xem chừng còn ì trệ lắm!
Rồi Táo điện lực với bộ mặt cháy xém cũng là “hiện thân” của làm ăn độc quyền, kinh doanh tràn đa lĩnh vực một cách tràn lan trong khi lĩnh vực chính, nhiệm vụ chính vẫn chưa làm tốt. Cũng như thế, việc xả lũ “bất thình lình” với vấn nạn lũ, ngập, úng với nguyên nhân thủy điện tiếp tục được “quăng ra” như một dấu hỏi lớn.
Cũng với cách này, các Táo công kích cách làm ăn của liên đoàn bóng đá và nạn cầu thủ bán độ tỉ số, nạn trọng tài xử ép cùng thực trạng èo uột, lộn xộn của bóng đá nước nhà, và sự ra đi của một HLV ngoại cũng trở thành “tốt thí”.
Nhiều đoạn diễn vui nhộn như “vạch trần” nạn phong bì trong ngành y tế với tiền chục, tiền trăm, tiền triệu…, đoạn nói về phẫu thuật cắt nhầm thận, quên điện thoại di động trong bụng bệnh nhân, đoạn phê phán “chém gió”, vung tay rồi đút tay vào túi của Táo thể thao – Tự Long… Ê kíp dàn dựng cũng cài đặt nhiều đoạn thoại hóm hỉnh để bật lên những tràng cười sảng khoái.
Tất nhiên, khi “Gặp nhau cuối năm” đã thành thương hiệu, ngày càng trở nên một diễn đàn chung của dư luận với vũ khí là tiếng cười thì cùng với mong ngóng, thưởng thức, việc góp ý cho chương trình cũng rất cần thiết.
Không thể không nhắc đến sự mờ nhạt của vai trò, hình ảnh Ngọc Hoàng. Màn diễn đầu, pha xuất hiện của anh lùn không gây hiệu quả thẩm mĩ và thực sự không cần thiết, thậm chí không nên. Pha đọ kiếm khi ra mắt Ngọc Hoàng của hai Táo kinh tế và y tế có thể gọi là thừa thãi. Ở màn cuối, “món quà” mà Ngọc Hoàng chuẩn bị để phán bảo, nhắc nhở các Táo cần thêm “lí do” cho sự ra mắt của NSƯT Quốc Anh chứ không nên để nhân vật “không tên, không tuổi” tự dưng bước ra rồi lao vào cuộc nhập đồng…
Càng làm, càng thành công thì càng áp lực. Các “Táo” nên chăng suy ngẫm dần về một sự đổi mới, nâng cao chương trình, sao cho vẫn dám “nhìn thẳng vào sự thật” nhưng sẽ tinh tế, trau chuốt, đỡ thô tháp hơn chăng?