Nguyễn Hải Toàn theo gia đình từ tỉnh Quảng Ngãi lên Tây Nguyên lập nghiệp từ năm lên 6 tuổi. Thương con ở mảnh đất kham khổ là xã Ea H’Leo (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) nên gia đình Toàn đã gửi gã vào học trong một trường học tốt ở TP Pleiku. Nhưng Toàn lại không giữ được mình mà ăn chơi sa đà cùng đám bạn trên thành phố. Cho đến khi gã lún sâu vào con đường lầm lỗi thì mọi chuyện đã quá muộn.
Học lên đến lớp 9, nhiều lần Toàn gây rối trong trường học và không còn biết nghe lời ai, học lực của Toàn cũng vì thế mà từ khá nhanh chóng tuột dốc xuống thành học sinh yếu, không đủ điều kiện thi tốt nghiệp cấp 2. Suốt ngày, Toàn chỉ còn biết làm bạn với bài bạc và trò chơi điện tử.
Lên 17 tuổi, gia đình cắt nguồn chi viện, Toàn xin làm công nhân cạo mủ cao su cho các hộ dân trong vùng. Nhưng sau đó, anh ta lại dấn sâu vào con đường cờ bạc, đua đòi theo đám bạn xấu. Làm được bao nhiêu tiền, Toàn đều nướng vào trò đen đỏ. Ban đầu là dăm chục nghìn uống nước cho vui, dần dà Toàn đánh lớn hơn, có khi một ngày “nướng” hết tiền triệu. Bài bạc với dân trong vùng chưa chán, Toàn còn đi sang các huyện khác để đánh bài ăn tiền, càng đánh càng mê.
Đầu năm 2000, khi trong túi đã nhẵn tiền, Toàn vẫn lao vào cá cược và nhập sòng với nhiều con bạc ở Pleiku. Gã được một tên bảo kê sòng bạc cho mượn gần 10 triệu đồng với lãi suất tăng vùn vụt từng ngày. Hai tháng sau, chủ nợ liên tục thúc ép, không còn cách nào khác, Toàn đã đi trộm cắp. Mục tiêu mà chúng nhắm đến là các kho cà phê của các công ty.
Hàng chục phi vụ đã trót lọt. Khi có tiền phi pháp trong tay, chúng còn tổ chức ăn nhậu thâu đêm. Rượu vào, không kìm được tính khí của mình, cả nhóm bạn của Toàn đã gây rối và hành hung trọng thương nhiều người ở chợ đầu mối Pleiku chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ.
Toàn bị bắt sau đó. Mở rộng điều tra, Toàn bị truy thêm tội trộm cắp tài sản ở các công ty cà phê. Năm 2002, tổng hình phạt mà Toàn phải nhận là 9 năm 2 tháng tù giam, thụ án tại trại giam Gia Trung.
Những ngày đầu vào trại giam, gã luôn nghĩ đến việc sẽ trốn trại hoặc quay lại với con đường sai lầm trước kia. Gã kể rằng: "Đầu óc tôi lúc đó không nghĩ được gì sáng suốt cả. Hơn nữa thấy những công việc nặng nhọc trong trại giam là không muốn động tay chân vào. Các cán bộ quản giáo quản lí rất chặt chẽ nhưng tôi cũng cứ lừa cơ hội để trốn việc, có lúc thì giả đau bụng, đau đầu. Tôi còn tính tìm cách câu kết với một số phạm nhân khác nữa để trốn trại. Rất may là những ý nghĩ đó đã không được thực hiện”.
Năm 2003, sau một năm Toàn thụ án trong trại giam, bố mẹ gã lâm trọng bệnh. Tất cả những công việc nặng nhọc lẫn những lo toan cuộc sống và thuốc thang cho cha mẹ đều đổ hết lên vai người chị gái của gã. Nhưng người chị này cũng vì thương em, không muốn Toàn lo lắng nhiều nên đã giấu nhẹm chuyện bố mẹ mình bị bệnh. Chị khuyên Toàn hãy cứ yên tâm mà cải tạo cho thật tốt để chờ ngày hòa nhập cộng đồng. Nhưng ít lâu sau đó thì cha gã mất. Không còn giấu được đứa em nữa nên chị gái Toàn đã cho gã biết toàn bộ tình trạng bi đát của gia đình mình. Trước khi quyết định nói ra, chị gái Toàn viết cho gã một lá thư tay dài đến 3 trang A4.
Những lời lẽ động viên từ tận sâu đáy lòng, những lo toan và cả những lời nhắn nhủ của bố Toàn nữa khiến cho gã phải trùng xuống và suy nghĩ lại mình. “Lá thư chị gái tôi viết rất dài và đọc xong tôi đã thấy mình thật sự đã gây ra nhiều tội lỗi và khổ đau cho nhiều người, nhất là những người thân của mình. Trong lá thư có đoạn chị tôi viết về những cực khổ, những đêm mưa cả nhà phải thức trắng vì nhà dột nhưng không dám mua đồ sửa sang nhà cửa mà tiết kiệm để mua đồ thăm nuôi cho tôi. Lại có những ngày, đến kỳ thăm nuôi, không ai dám ăn thịt mà dành đưa vào cho tôi. Chị tôi cũng đã quyết định không lấy chồng sớm để chờ ngày tôi ra khỏi trại giam”, Toàn tâm sự.
Suốt đêm ấy, sau khi đọc xong lá thư tay của chị gái mình, Toàn không tài nào chợp mắt được. Trong lòng gã trỗi dậy những nỗi niềm khó tả. Gã day dứt, dằn vặt tự trách mình. Sau mấy đêm trắng, gã quyết chí làm lại cuộc đời. Quyết tâm cải tạo tốt để nhận được sự đặc xá của Nhà nước. Từ đó tất cả các quy định, nội quy cũng như giờ giấc trong trại, Toàn đều tuân thủ một cách tuyệt đối, luôn được xem là phạm nhân gương mẫu trong việc chấp hành nội quy của trại.
Nhớ lại những năm tháng ấy, Toàn kể: "Không chỉ chấp hành tốt cho bản thân mình mà tôi còn khuyên nhủ nhiều phạm nhân khác cùng ở buồng giam với mình hãy từ giã những ý nghĩ không tốt. Cuộc sống bên ngoài vẫn còn nhiều người trông đợi và chào đón khi mà những người lầm lỗi như chúng tôi biết hối hận và quay lại con đường lương thiện. Tôi còn cho nhiều phạm nhân khác đọc lá thư tay đầy tình cảm của chị gái mình, họ cũng có người rất xúc động". Chính vì lòng quyết tâm hoàn lương ấy nên năm 2009, Toàn được đặc xá trước thời hạn.
Ngày trở về, thấy người chị gái của mình đã ốm và già đi nhiều so với tuổi tác, Toàn thấy rất đau lòng, gã quyết tâm làm lại cuộc đời. Mảnh đất ở Ea H’leo này quanh năm khô cằn, trước đây người ta chỉ biết trồng rừng và mấy cây dầu, hiệu quả kinh tế rất thấp, cuộc sống bấp bênh lắm. "Những ngày ở trong trại tôi được các cán bộ quán giáo chỉ dạy và cho nghề làm kinh tế VAC. Chữ nghĩa không nhiều nhưng luôn nghĩ cần cù thì cũng sẽ được nên tôi tìm hiểu thêm thông qua sách báo và các mô hình thực tế trên địa bàn và học hỏi để làm hành trang cho mình", gã kể.
Khi đã nắm được một số kiến thức cơ bản, Toàn bàn với chị gái của mình thế chấp sổ đỏ nhà đất để vay vốn ngân hàng để đầu tư mô hình VAC. Ban đầu là một ao cá nhỏ, vài con bò và một vườn rau rừng. Nhưng 2 năm sau, từ hiệu quả này, Toàn đã mở rộng ra, nuôi thêm hàng chục con bò đẻ, thả thêm hàng tạ cá giống. Được chăm sóc bài bản và đúng quy cách nên đến cuối năm 2013, Toàn đã có một trang trại mà nhiều người phải mơ ước. Hiện tại, theo Toàn thì sau khi trừ đi mọi chi phí, mỗi năm trang trại có thể cho tiền lời hàng trăm triệu đồng.