Cái kết có hậu cho cặp vợ chồng 10 năm 'rình rập' đầu độc nhau

Đỉnh điểm của sự việc, là cuối ngày 10/3/2014, vợ đi làm về muộn, người chồng nghi ngờ vợ đi chơi “ngoài luồng” nên đóng cửa quyết không cho vợ vào nhà.

Người vợ lặng lẽ lên quán cắt tóc của mình khóc lóc cả đêm. Sáng sớm ngày hôm sau, người vợ (tên Nguyễn Thị Thùy Liên, 32 tuổi, ngụ tổ dân phố 2, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã uống thuốc nhuộm tóc tự tử. Được một người bạn phát hiện, đem đi cấp cứu kịp thời, sau 5 ngày điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế, nạn nhân đã qua khỏi.

Nhưng hóa ra “trong cái rủi lại có cái may”. Sự kiện này đã khiến hai bên hồi tâm, tạm kết thúc “cuộc chiến” mâu thuẫn từ 10 năm nay.

Uống thuốc nhuộm tóc quyên sinh vì chồng không cho vào nhà

Tối ngày 10/3, chồng người uống thuốc nhuộm tóc tự vẫn, anh Nguyễn Can (38 tuổi, làm nghề mộc gần nhà), như thường lệ sau khi làm xong công việc, lại về nhà uống rượu một mình. Dù đã 21h nhưng chưa thấy vợ về, anh khóa chặt các cửa lại, rồi lên giường nằm ngủ.

Người vợ về, thấy cửa đã chốt, biết chắc là chồng đang giận, chị vẫn gọi cho chồng và các con ra mở cửa. Gọi nhiều lần vẫn không thấy động tĩnh từ phía bên trong nhà, thiếu phụ buồn bã đi lên quán cắt tóc của mình cách nhà khoảng 6km. Sau cả đêm suy nghĩ, rạng sáng ngày 11/3, thiếu phụ dốc cạn lọ thuốc nhuộm tóc sẵn có ở quán, tự kết thúc cuộc đời.

Nhân chứng 33 tuổi là bạn gái chị kể lại: “Sáng sớm ngày hôm đó tôi điện cho bạn để rủ đi ăn sáng, sau hơn cả chục cuộc điện thoại có đổ chuông nhưng không thấy bạn nghe. Trong linh cảm của tôi nghĩ bạn chắc đã gặp chuyện gì đó, tôi lấy xe chạy thật nhanh lên quán, thấy quán cắt tóc của Liên đóng cửa nhưng bên ngoài không có ổ khóa. Biết là bạn tôi ở trong đó, tôi gọi nhưng không nghe tiếng trả lời, nên đạp mạnh cửa bay khóa vào bên trong. Tôi thấy Liên nằm trên ghế trong tình trạng da tím tái, mắt đã trợn ngược, miệng sùi bọt mép. Xung quanh quán không có gì thay đổi, chỉ thấy có vỏ chai thuốc nhuộm tóc đang nằm nghiêng ở dưới ghế. Tôi biết chắc là bạn tôi tự tử. Hỏi thì Liên không còn sức trả lời, tôi điện thoại cho gia đình và xe cấp cứu để đưa Liên đi bệnh viện”.

Một người em gái của người tự vẫn tâm sự: “Chị Liên là người sống rất nội tâm, bên ngoài thì luôn vui vẻ nhưng bên trong thì chất chứa “cả đống” nỗi buồn. Khi cả nhà tôi nghe tin chị nằm ở lầu 6 của bệnh viện Trung ương Huế, nơi người vào đó thì nhiều nhưng ra được thì rất ít (ý nói tình trạng nguy kịch – PV) thì ai cũng khóc lóc, cứ tưởng là chị đã bỏ cả nhà ra đi mà không một lời trăng trối. Tôi qua hỏi hai đứa con của chị thì mới biết một phần nguyên nhân sự việc”.

Tại bệnh viện, do được người thân phát hiện sớm nên chị Liên được súc ruột và chỉ nằm lầu 6 trong vòng 3 ngày và chuyển xuống lầu 1 để dưỡng bệnh. Do cảm thấy sức khỏe tạm ổn, tiền thì cũng đã ngót nghét hết thế là chị Liên trốn bệnh viện về sau 5 ngày điều trị. Tổng số tiền thuốc men là 3 triệu đồng. Vợ nằm viện tuy không trực tiếp lên thăm vợ, xem vợ như thế nào nhưng anh Can vẫn vay mượn được 5 triệu để đưa cho gia đình vợ. Sau đó khi vợ xuất viện về, cũng đã hoàn trả lại cho anh 2 triệu. Chị Liên sau khi xuất viện chỉ nằm ở nhà cơm cháo, dưỡng sức 3 ngày lại phải đi làm để kiếm tiền trả món nợ trên.

Hai đứa con trai 13 tuổi và 11 tuổi của vợ chồng anh Can - chị Liên cho hay: “Đêm đó, bọn cháu mới nằm chưa ngủ, có nghe tiếng mẹ gọi, cả hai anh em định dậy mở cửa cho mẹ vào nhà, nhưng biết cha đã cố tình đóng cửa là không cho mẹ vào nhà nên bọn cháu sợ. Còn cha cháu sau khi đóng cửa thì cũng tắt điện và nằm lên giường, hai anh em cháu không biết cha đã ngủ hay chưa. Tình trạng mẹ đi về muộn bị cha không cho vào nhà thì cũng đã xảy ra rất nhiều lần. Khi biết mẹ tìm đến cái chết, bọn cháu buồn và hối hận vì không dám mở cửa cho mẹ vào nhà, hai đứa cháu rất thương mẹ”.

Người chồng thanh minh cho hành động của mình: “Cách đây 2 năm tôi đi chơi với bạn bè về muộn cũng từng bị vợ đóng cửa không cho vào nhà, thế là vợ chồng tôi đã quy định, để khỏi làm phiền nhau thì sau 20h30’, ai đó chưa về nhà thì phải chịu ngủ ngoài. Đêm xảy ra chuyện gần 21h tôi mới đóng cửa”.

Chín năm, sáu lần đòi li dị

Anh Can là con út trong gia đình có tới 9 anh chị em ở Long Xuyên, tỉnh An Giang. Quê cha của anh ở Nam Phước, tỉnh Quảng Nam; quê mẹ ở làng Phú Ốc, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Do gia đình vất vả lại đông anh em, sức học cũng yếu nên anh thi lên cấp 3 không đậu, đành nghỉ học để ở nhà giúp việc gia đình.

Vào đầu năm 1996, chàng trai về quê thăm ông bà ngoại và được gia đình động viên ở lại quê ngoại hẳn để làm ăn, sinh sống. Do có vóc người nhỏ, sức khỏe lại kém nên anh chọn học nghề thợ điện tử, chuyên sửa chữa vô tuyến. Sau khi ra học xong, anh tự mở một quán nhỏ ở quê ngoại để làm nghề.

Còn chị Liên là người con thứ 3 trong gia đình có 7 anh chị em, cũng bỏ học trong lúc học cấp 2. Sau khi nghỉ học Liên đi học nghề cắt tóc nữ. Thời thiếu nữ, chị Liên là cô gái trắng trẻo, phổng phao, được khá nhiều chàng trai “thương thầm trộm nhớ”. Do quán sửa vô tuyến của Can nằm đối diện nhà của Liên, đôi bạn trẻ này thường xuyên giáp mặt nhau. Bằng tình cảm chân thành của mình, Can đã chiếm được tình cảm của cô gái lúc đó chỉ mới vừa 17 tuổi.

Năm 2000, sau một năm quen nhau, gia đình bên gái thấy Can là người tính tình thật thà, lại đang ăn nên làm ra; bên nhà trai cũng muốn con mình sinh sống ở Huế; đôi bạn trẻ được hai bên gia đình hết sức vun vén và tác hợp để nên duyên vợ chồng. Cả hai được cha mẹ của Liên cho một miếng đất nhỏ nằm cạnh quốc lộ 1A để xây dựng một ngôi nhà. Đôi vợ chồng son chỉ ở đây được hơn hai tháng là người chồng không muốn ở đây nữa. Viện lý do là bà nội ốm đau, vợ chồng mang hết vốn liếng, của hồi môn để vào Quảng Nam thuê nhà sinh sống. Vào đây thì mâu thuẫn bắt đầu xảy ra, ở được 7 tháng thì người vợ đòi trở lại Huế sinh sống. Người chồng không chấp nhận. Người vợ tuy đang bụng mang dạ chửa vẫn một mình về quê. Người chồng không thể xa vợ nên cũng về lại Huế thuyết phục vợ vào lại Quảng Nam để sinh sống. Người vợ một lần nữa khăn gói theo chồng.

Chỉ sau 2 tháng, vợ chồng lại thường xuyên cãi cọ. Thế là vợ lại một lần nữa bắt xe một mình về quê mình sinh con. Lần về này, đáng nói là Liên không một xu dính túi, đi xin tiền để bắt xe về.

Biết không thể thuyết phục được vợ, nên anh Can sau đó đành về lại nơi hai người đã quen nhau là Huế, tiếp tục với công việc cũ. Vào năm 2003, trong lúc chị Liên đang mang thai đứa con thứ hai, người chồng bắt đầu nghi ngờ vợ “cặp bồ” với người đàn ông khác, còn nói đứa con đang trong bụng mà vợ đang mang chưa chắc là con của mình. Trong lúc nóng giận, có lần anh Can còn dọa lấy dao sắc nhọn rạch bụng vợ, quá sợ hãi, chị Liên chạy “mất dép”.

Đứa con thứ hai ra đời, công việc của anh Can không còn được như xưa. Do thời gian này có nhiều thợ giỏi tới đây để làm, đồng thời vô tuyến lại ra nhiều loại đời mới, rất ít hỏng hóc, nên có lúc anh Can xem như là bị thất nghiệp, chỉ ở nhà chăm con, vợ thì đi làm tóc kiếm tiền. Mâu thuẫn vợ chồng diễn ra thường xuyên hơn từ thời gian đó.

Đỉnh điểm, một lần vợ đưa tiền cho chồng, chồng cất ở tủ nhưng không biết vì sao lại “không cánh mà bay”. Bị vợ mắng chửi và nghi ngờ, đồng thời anh Can cũng vô tình nghe mẹ vợ nói với chị Liên: “Từ nay, nếu con đi làm về được 10 thì chỉ đưa cho chồng 3 thôi”. Anh ấm ức nhưng không nói, không thể giải thích, vợ chồng bắt đầu chiến tranh lạnh. Một thời gian sau, số tiền bị mất được hai vợ chồng phát hiện là do bị chuột tha đi làm tổ. Nhưng không ai nói lời gì và tiền ai nấy xài từ lúc đó, đồng thời từ đó hai đứa con ngủ với mẹ, còn anh Can chỉ ngủ một mình.

Mùa hè năm 2005, hai vợ chồng cũng đã đưa đơn ra TAND huyện Hương Trà để li dị nhưng được tòa hòa giải nên chưa chia tay. Từ đó đến nay, đã tổng cộng có thêm 5 lá đơn đòi li dị nữa. Tất cả đều do người vợ viết nhưng chồng không chấp nhận ký tên, cũng có lần xé rách đơn.

Vợ chồng dè chừng hạ độc nhau

Theo một người hàng xóm: “Cả xóm chúng tôi chắc ai cũng biết nhà bên đó gây nhau “như cơm bữa”. Tôi có lần chứng kiến người chồng đem áo quần người vợ ra đốt giữa sân. Nhưng hôm khi chị Liên đi nằm viện vì uống thuốc nhuộm tóc, tôi biết anh Can không tới thăm vợ nhưng đứng ngồi cũng không yên, đi hỏi thăm xung quanh trong xóm hỏi tình hình vợ mình như thế nào. Tuy là như vậy nhưng sau khi chị Liên đi viện về, ngày gần đây tôi cũng lại nghe rất nhiều tiếng to từ nhà đó phát ra. Con cái của nhà này ai nhìn thấy cũng mê vì ngoan và học giỏi thế mà không hiểu sao vợ chồng này cứ gây nhau chắc có lẽ “người vợ to khỏe, người chồng lại quá ốm yếu” nên mới có chuyện này”, người hàng xóm cười.

Một người khác thì bày tỏ quan điểm: “Thời gian cả năm nay, anh Can chỉ ăn rồi đi làm, rất ít giao du nhậu nhẹt với bạn bè, mỗi lúc buồn Can chỉ thường uống rượu một mình, anh cũng ít tâm sự nỗi buồn cho hàng xóm biết lắm. Vợ học nghề cắt tóc nữ mà lại làm cắt tóc nam gần tại nhà máy xi măng thì ghen tuông là điều tất yếu rồi”.

Do ghen tuông vô cớ nên cách đây 7 năm, anh Can từng lên tận quán của chị Liên làm để xé rách áo của chị, chuẩn bị cởi quần thì được người xung quanh tại quán cắt tóc can ngăn. “Liên có “theo trai” ở đâu thì tôi không biết, nhưng ở đây tôi thấy khách tại quán rất đông, thời gian cắt tóc của nó ít rảnh lắm, đã làm nghề cắt tóc nam thì đành phải chịu tai tiếng là đúng rồi”, một người ở gần nhà máy xi măng tâm sự .

Chị Liên rưng rưng nước mắt phân trần: “Tôi làm cái nghề này cũng chỉ để kiếm tiền để nuôi con thôi, anh ấy nghi ngờ nhưng có bao giờ bắt được quả tang tôi tòm tem với ai chưa? Nếu mà có thì chắc anh ấy giết tôi từ lâu rồi. Lúc đứa con trai thứ hai của tôi mới được 2 tuổi, anh ấy không nói một lời mà bắt con của tôi vào tận An Giang. Cả gia đình tôi đều rất lo cho hai đứa trẻ, thế là chú ruột của tôi phải vào đó để thuyết phục anh Can về lại Huế và mang con về”.

Chị nói tiếp: “Anh cũng từng cho axit vào áo quần của tôi khiến áo quần hỏng hết, rồi cũng cho axit vào kem rửa mặt của tôi, may tôi thấy sủi bọt nên không dùng. Cũng có những lần anh ấy bỏ ớt bột vào quần lót của tôi, thật xấu hổ khi đi làm mà ngứa ngáy quá. Cái đợt anh ấy bắt mấy đứa con của tôi đi thì anh ấy từng nói “diệt cỏ là phải diệt tận gốc”, thời gian đó hơn 10 cây cảnh của cha mẹ ruột tôi đột nhiên cháy lá và chết hết, ai cũng nghi ngờ là anh dùng axit để phá cây của nhà tôi, nhưng hỏi thì anh nói không làm”.

Chưa hết chuyện, đầu năm 2013, chị Liên dành dụm mua được chiếc xe máy mới. Một hôm bỗng nhiên xe không nổ được máy, chị đem đến thợ thì mới ngã người khi cát xuất hiện trong bình xăng. Rồi sau đó, chính chiếc xe này đang nằm trong nhà thế mà bị ai đó dùng búa đánh cho xe bị hư hỏng phần ngoài. Ai cũng nghi là do người chồng giận vợ nên mới dùng những hành động “trẻ con” này để phá vợ, nhưng ai hỏi thì anh đều nói là “tôi không biết, tôi không hề làm.

Trong căn nhà của hai vợ chồng này cũng có nhiều vết lỗ chỗ do bị axit đổ xuống nền nhà. Hình như trong nhà anh Can luôn thủ axit, do vậy mà mỗi lúc uống nước thì người vợ đều không dám uống, chỉ khi nào tận mắt thấy chồng uống trước thì mình mới uống theo. Thậm chí tuy mang tiếng ăn cơm chung, nhưng khi đi làm về muộn, dù đói đến mấy chị Liên cũng không dám ăn vì sợ lỡ chồng đầu độc thì nguy hiểm.

Cách đây một năm, anh Can cũng từng dùng dao rượt đuổi chị Liên khắp xóm, may chị nhanh chân chạy thoát và báo cho công an đến bắt Can về đồn để xử lý hành chính.

Cố gắng hàn vỡ để sống vì con

Anh Can tâm sự: “Gia đình bên nội tôi chỉ có cha tôi là con trai, còn bên ngoại thì không có ai là con trai hết. Vì gia đình tôi đều ở quá xa nên cha mẹ, anh em đều mong tôi bám trụ ở đây vừa gần ngoại ở Huế, thi thoảng lại lo công việc tổ tiên ở Quảng Nam. Vì gia đình, vì hai đứa con nên tôi cũng sẽ tiếp tục cố gắng sống ở đây”.

Nói về những đứa con. Dù cha mẹ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nhưng hai đứa con đứa nào cũng ngoan, cũng đẹp trai và là niềm tự hào của đôi vợ chồng. Cả hai từ lúc đi học đến bây giờ năm nào cũng học lực khá giỏi. Không những học giỏi, hai anh em cũng có năng khiếu thể dục thể thao, người em vừa mới đại diện cho thị xã dự thi đá cầu cấp tỉnh. Do cha mẹ đều đi làm từ rất sớm đến tối mới về nhà nên hai anh em đều tự túc nấu ăn, giặt áo quần, dọn dẹp nhà cửa rất tươm tất. Thường thức ăn cả ngày người mẹ mua từ sáng sớm trước khi đi làm hoặc gửi cho ngoại mua. Có những ngày người mẹ đi làm về sớm thì cơm tối mới được mẹ nấu.

Nhìn hai đứa con, anh Can tâm sự: “Ở đây tôi xem như đang ở rể, muốn dạy vợ cho đàng hoàng cũng khó vì xung quanh toàn là người nhà của vợ. Tôi với vợ đã không còn điểm chung, không còn tình cảm, nhưng có lẽchúng tôi có chung một con đường là chăm lo cho con cái. Bây giờ mà chúng tôi chia tay thì các con sống chắc vất vả lắm, ra đường mà bạn bè nó hỏi cha mày đâu, mẹ mày đâu, chắc các con sẽtủi nên tôi vẫn chịu đựng sống đến khi nào không chịu đựng được nữa thì thôi. Nhiều gia đình vợ chồng hạnh phúc, giàu có nhưng con cái thì khó mà như được nhà tôi”, anh Can tỏ vẻ tự hào, nét mặt chợt sáng bừng.

Ở góc nhà, chị Liên tâm sự: “Các con là niềm an ủi, động lực duy nhất của tôi lúc này. Tôi đã từng chết đi rồi, bây giờ được sống lại, tôi sẽkhông bao giờ dại dột như vậy nữa. Phải sống để kiếm tiền nuôi con, càng ngày nó càng lớn lại tốn thêm nhiều tiền, tôi sẽcố đến khi nào hai con tôi lập gia đình rồi mới tính chuyện tiếp. Tôi không chỉ sợ các con tủi thân mà tôi còn rất sợ con cái sẽnghĩ về mình lệch lạc theo hướng xấu. Tôi không muốn anh em ruột thịt phải sống cảnh đứa không anh, đứa không em”.

Anh Can chợt cau mặt: “Vào ngày 20/2 vừa rồi gia đình tôi gồm 7 người vào ghé thăm vợ chồng tôi thì vợ tôi cũng nghỉ làm, lo cơm nước hết sức tươm tất, tôi cảm thấy cũng vui vui. Thậm chí “nó” còn tâm sự với anh trai của tôi là “nó” vừa mới bị ai đó “quỵt nợ” cả mấy chục triệu đồng. Do đó, khi vợ tôi tự tử tôi cũng nghi ngờ nó chưa chắc đã buồn vì tôi mà tự tử, mà có thể do nguyên nhân khác nữa, trong đó có cả nguyên nhân bị quỵt tiền này”.

(Tên của cặp vợ chồng đã được thay đổi).