Học hỏi điểm mạnh của đồng nghiệp
Hãy tìm ra những điểm mạnh của đồng nghiệp cũng như những người xung quanh để học hỏi, tích lũy cho bản thân. Hãy chạy đua với guồng quay của công việc thay vì đứng ngoài quỹ đạo của nó hoặc khiến mình tự bật ra khỏi “cuộc chơi”.
Nếu khẳng định được giá trị đích thực của bạn trong công việc và cho sếp thấy những kỹ năng sắc bén của bạn nổi trội hơn những người khác, bạn không những có thể yên vị với công việc hiện tại mà còn có cơ hội thăng tiến.
Nghiêm túc trong công việc
Bạn cần phải luôn tỏ ra là người biết chấp hành mọi nội quy trong công việc. Đặc biệt khi tình hình kinh tế bị khủng hoảng, bạn càng cần phải nâng cao ý thức này hơn nữa.
Hãy thể hiện thái độ nghiêm túc của bạn bằng những việc đơn giản như chấp hành những quy định về giờ giấc, thời điểm hoàn thành công việc, đi đầu trong những phong trào mới của công ty… Điều này sẽ gửi đến nhà tuyển dụng “thông điệp” rằng bạn là một thành viên tích cực trong “mái nhà chung” của họ.
Đưa ra sáng kiến
Nếu có thể đưa ra một sáng kiến hay một ý tưởng tích cực nào đó cho công ty, bạn sẽ dễ dàng “ghi điểm” với sếp và không lo mất việc.
Hãy thử đầu tư công sức, thời gian vào việc cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, tìm những hợp đồng mới theo cách của bạn, hoặc tình nguyện làm việc trong khả năng cho phép của mình… Tất cả việc này nhằm mang lại lợi nhuận cho công ty, nên không có lý do gì để họ sa thải bạn ngay cả khi công ty đang trong giai đoạn phải cắt giảm biên chế.
Nhờ "cố vấn" Internet
Nhiều người cho rằng mạng Internet chỉ có giá trị với những người đang tìm việc, thực tế không phải vậy. Thông qua mạng Internet, bạn có thể tìm kiếm cho công ty nhiều giải pháp có hiệu quả trong kinh tế và cũng có thể học tập những công ty khác để giữ vững vị trí trên thị trường.
Bạn cũng có thể tham gia các diễn đàn, tham khảo những lời khuyên hữu ích từ các thành viên dành cho công việc của bạn cũng như hướng phát triển của công ty.
Nhạy bén trong công việc
Hãy tỏ ra là người nhanh nhạy với những công nghệ hiện đại hay những kỹ năng mới trong công việc bằng cách luôn tự nâng cao trình độ bản thân và không ngừng học hỏi.
Ví dụ trước đây công việc của bạn chủ yếu làm bằng chân tay thì ngày nay được cải biến bằng máy móc, nếu bạn không nhanh chóng kịp thời ứng biến với những bước chuyển đổi lớn này, tự bạn sẽ khiến mình tụt hậu trong công việc và so với những người xung quanh. Theo quy luật tất yếu, bạn sẽ sớm bị thay thế bằng một người khác có trình độ, khả năng tốt hơn.
Đừng phàn nàn
Có thể công việc của bạn gặp nhiều khó khăn hơn, áp lực lớn hơn nhưng tiền lương vẫn vậy, thậm chí bị cắt giảm… Nhưng đừng vì thế mà kêu ca hay phàn nàn vì đây là giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế. Thay vào đó, hãy học cách chấp nhận và bằng lòng với nó. Hãy tỏ thái độ tích cực vì lo lắng, căng thẳng sẽ khiến bạn bị stress, từ đó ảnh hưởng đến kết quả làm việc.
Thái độ tích cực cũng là cách để thể hiện tâm huyết của bạn với công việc và công ty. Hãy cho sếp của bạn biết rằng bạn là người trung thành với công ty ngay cả khi công ty không còn được như trước đây.
Sẵn sàng giúp đỡ cấp trên
Hãy hoàn thành tốt nhiệm vụ bạn được giao và đừng ngần ngại giúp đỡ cấp trên khi ông/bà ấy gặp phải áp lực quá lớn trong công việc. Sự chia sẻ của bạn trong công việc sẽ khiến sếp cảm thấy bạn như “cánh tay phải" của họ và sẽ không để mất bạn trong bất cứ thời điểm nào. Không những vậy, bạn cũng sẽ nhận được những sự bù đắp xứng đáp cho thiện chí này.