Một số vị Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ như trên, khi trao đổi với phóng viên xung quanh đề xuất “gây sốc” mới đây của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: Kiến nghị cách chức Chủ tịch UBND tỉnh, thành nếu để số vụ tai nạn giao thông tăng trong 3 năm liên tiếp.
“Cột” trách nhiệm
Cụ thể, tại một hội nghị ngành giao thông gần đây, Bộ trưởng Thăng cho biết: “Áp dụng giải pháp đồng bộ đảm bảo trật tự ATGT, nhưng khi kiểm tra, thống kê mà tỉnh nào tai nạn giao thông tăng 3 năm liên tục sẽ kiến nghị cách chức chủ tịch tỉnh. Chúng ta có quyền đề xuất và kiến nghị việc này”.
Bình luận về phát biểu của Bộ trưởng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự, cho rằng Bộ trưởng GTVT phát biểu như vậy là có ý muốn “cột” trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc giảm TNGT, điều đó không sai. Đó là trách nhiệm trên diện rộng, cả trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp… “Ở tỉnh tôi, tôi cũng “cột” trách nhiệm đến cả Chủ tịch UBND các huyện, phường, xã về việc giảm TNGT. Thậm chí, có địa phương, mặc dù nhiều mặt làm tốt, nhưng để xảy ra nhiều tai nạn giao thông vẫn bị rút cờ thì đua của cả năm. Mặc dù cũng “oan” cho một số địa phương, nhưng qua đó chúng tôi muốn nâng trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong việc này”, ông Cự nói.
Gần 12.000 vụ TNGT trong năm 2011 Theo thống kê, năm 2011, cả nước xảy ra gần 12.000 vụ TNGT, làm hơn 9.200 người chết, gần 8.400 người bị thương. Thiệt hại do TNGT được đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh la Thăng ví von với thảm họa kép động đất và sóng thần tại Nhật Bản. Trong đó, có những vụ TNGT thảm khốc như vụ xảy ra chiều 30.3, tàu hoả Bắc – Nam đâm vào xe chở đoàn đi ăn cưới khiến 9 người thiệt mạng; vụ chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn tối ngày 20.5 làm 16 người thiệt mạng; vụ xe tải BKS 54S – 3411 va chạm với xe du lịch trên đường cao tốc TPHCM – Trung Lương ngày 13.6, làm 5 người chết tại chỗ và 3 người tử vong sau đó; vụ xe container BKS 79N – 2133 đâm xe khách trên QL1A địa phận tỉnh Bình Thuận, ngày 7.11 khiến xe khách bốc cháy dữ dội, 10 người chết và 22 người bị thương; vụ xe chở gỗ bị lật tại huyện Tương Dương (Nghệ An) khiến 10 người chết và 4 người tử vong sau đó, ngày 7.12... |
Tuy nhiên, ông Cự cũng cho rằng, để giải quyết vấn nạn tai nạn giao thông, phải nhận thấy có cả vấn đề khách quan, chủ quan và lịch sử, không thể đổ hết lỗi cho người đứng đầu của ngành, địa phương. “Chẳng hạn, người đứng đầu ngành giao thông địa phương đâu có quyết định được việc đầu tư dự án giao thông nào? Họ chỉ có thể theo dõi, đôn đốc việc thực hiện dự án, tiến độ công trình. Tương tự như vậy, công an cũng chỉ là lực lượng thường trực trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến tai nạn giao thông …”, ông Cự nói.
Không thể đổ lỗi cho địa phương
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Duy Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cho biết: “Tôi hiểu ý anh Thăng, song ở đây cũng phải thấy rõ là trách nhiệm quản lý hạ tầng và nhiều vấn đề khác vẫn thuộc Bộ GTVT. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, nhân dân về mọi lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn mình. Không ai muốn TNGT xảy ra, để tăng liên tục lại càng không. Nhưng nếu chỉ vì lý do này mà nói cách chức thì e hơi phiến diện”. Theo ông Cường, để xảy ra TNGT có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân ngoài tầm của tỉnh, thuộc về trách nhiệm của cơ quan T.Ư mà cấp tỉnh không thể khắc phục. Chẳng hạn như về hạ tầng giao thông, công tác quản lý đào tạo, sát hạnh cấp phép lái xe, ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông, tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe, sự gia tăng các phương tiện... Đây đều là những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của ngành GTVT.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, ông Nguyễn Hoàng Anh, cũng cho rằng, không thể đổ trách nhiệm cho địa phương. “Khi nghe thông tin về phát ngôn của Bộ trưởng Thăng, tôi đã gọi điện hỏi Bộ trưởng về đề xuất này. Bộ trưởng trả lời rằng đó là đề xuất cách chức đối với Chủ tịch Ủy ban ATGT tỉnh. Tuy nhiên, tại một số địa phương, Chủ tịch tỉnh cũng kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT tỉnh. Do vậy, việc Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra đề xuất này, theo tôi là mới ý kiến chủ quan của một vị tư lệnh ngành”.
Ông Hoàng Anh đánh giá, theo ý Bộ trưởng GTVT thì Chủ tịch tỉnh phải có trách nhiệm trong việc, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường xá ở địa phương, giải quyết điểm “đen” về TNGT, điều đó là đúng, là một trong những giải pháp tổng thể nhằm giảm TNGT. Tuy nhiên, trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh đâu chỉ có việc chăm chăm vào công tác ATGT trên địa bàn. Hơn nữa, đi lại là nhu cầu tất yếu của người dân, việc đề ra và theo dõi thực hiện các biện pháp giảm thiểu TNGT là trách nhiệm của ngành GTVT, không thể đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho địa phương”, ông Hoàng Anh nói.
Trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ trưởng Theo PGS.TS Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, kiến nghị của Bộ trưởng Bộ GTVT mới chỉ là đề xuất. Ông San cho rằng đề xuất đó là không đúng, vì địa phương có nhiều việc làm chứ không chỉ là quản lý giao thông. Chủ tịch tỉnh phải quản lý bao quát chung về các nhiệm vụ điều hành kinh tế - xã hội. Để xảy ra TNGT, trách nhiệm đó trước tiên phải thuộc về Bộ trưởng Bộ GTVT, đơn vị quản lý ngành. Đó đã là pháp chế. “Nếu muốn nâng trách nhiệm của địa phương thì tại sao trước hết không phải là Sở GTVT mà lại là Chủ tịch UBND tỉnh?”, ông San đặt câu hỏi. M.Đồng |