Ông Nicolas Sarkozy
Ông Sarkozy và đảng bảo thủ Liên minh vì phong trào nhân dân của ông đã không nhận được đủ sự ủng hộ của người dân với cương lĩnh mới hướng đến cắt giảm thâm hụt ngân sách, tăng hạn nghỉ hưu lên 65 tuổi, tăng sử dụng hàng hóa châu Âu trong các hợp đồng công, cân nhắc việc rút nước Pháp khỏi khu vực tự do đi lại Schengen...
Với màn thua chua xót này, ông Nicolas Sarkozy đã trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên kể từ năm 1981 tới nay chỉ nắm quyền lãnh đạo một nhiệm kỳ duy nhất, đồng thời là nhà lãnh đạo thứ 11 của châu Âu thất cử bởi các tác động sâu rộng của cuộc khủng hoảng nợ công vốn đã đeo bám dai dẳng lục địa này suốt thời gian qua.
Trên thực tế, trong số những nhà lãnh đạo châu Âu thất cử do khủng hoảng nợ, chỉ có một số vụ gây được sự chú ý của dư luận quốc tế, bởi quy mô của nền kinh tế đó có tác động mạnh tới khu vực châu Âu hoặc bởi quốc gia đang bị đánh giá là bão vỡ nợ đã tới chân hay có nguy cơ phải rời bỏ các liên minh tài chính trong khu vực.
Italy
Vụ từ chức Thủ tướng Italy của ông Silvio Berlusconi vào ngày 12/11/2011 từng gây chấn động dư luận quốc tế suốt một thời gian dài. Ông Berlusconi là thủ tướng cầm quyền lâu nhất của Italy kể từ Thế chiến thứ hai. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông bắt đầu năm 1994. Ông tự miêu tả mình là thủ tướng giỏi nhất Italy trong khoảng 150 năm qua.
Ông Silvio Berlusconi.
Trước khi quyết định từ chức, ông Berlusconi đã mất thế đa số tại quốc hội trong cuộc bỏ phiếu hôm 8/11 giữa lúc cuộc khủng hoảng nợ công của Italy đe doạ nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ông đã cam kết ra đi sau khi các nghị sĩ thông qua các biện pháp khắc khổ mới.
Sự ra đi của ông Berlusconi còn bởi những bê bối về đời sống cá nhân, vốn bị coi là không được lành mạnh cho lắm. Ông bị vướng vào hàng loạt phiên toà về các cáo buộc tham nhũng, gian lận, quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên và thu hút sự chú ý của báo chí vì những bữa tiệc linh đình cùng các phụ nữ trẻ.
Mặc dù bị mất chức, nhưng theo công bố của Quốc hội Italy hồi tháng 3 năm nay, ông Silvio Berlusconi vẫn là một trong những người giàu nhất nước với thu nhập 48 triệu Euro trong 2011, cao hơn 8 triệu Euro so với năm 2010 và gấp 32 lần người kế nhiệm ông, Thủ tướng đương nhiệm Mario Monti, người có thu nhập 1,5 triệu euro trong năm 2011.
Hy Lạp
Không có quy mô kinh tế lớn như Italy, song biến động chính trị tại Hy Lạp vẫn có tác động sâu rộng tới châu Âu bởi đây là một trong những mắt xích đầu tiên của khủng hoảng nợ công. Vụ từ chức của Thủ tướng George Papandreou diễn ra chỉ ba ngày trước quyết định chào từ biệt của Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi.
Ông George Papandreou.
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp tới dân chúng Hy Lạp vào tối ngày 9/11/2011, Thủ tướng George Papandreou đã tuyên bố từ chức, đồng thời chúc người sẽ thay thế mình và chính phủ mới thành công trong việc đưa Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay.
Ông Papandreou đã giành chiến thắng trong cuộc tuyển cử tháng 10/2009 với cam kết kéo kinh tế ra khỏi suy giảm. Hai năm sau đó, Chính phủ của ông Papandreou đã yêu cầu ông phải từ chức sau khi ông tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về những điều kiện của gói cứu trợ mà Hy Lạp đã mất nhiều nỗ lực để đạt được.
Người lên thay thế ông, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Lucas Papademos, vốn chủ trương gắn bó với khu vực đồng Euro. Ông Papademos tuyên bố: “Tôi tin rằng sự tham gia của Hy Lạp vào Eurozone là một bảo đảm cho ổn định tiền tệ, một nhân tố cho thịnh vượng kinh tế".
Anh quốc
Trước khi diễn ra sự chuyển giao quyền lực lịch sử giữa người tiền nhiệm Gordon Brown và tân lãnh đạo David Cameron, thị trường tài chính Anh đã liên tục bị dồn ép. Đồng bảng Anh và chỉ số chứng khoán của nước này tuột dốc mạnh. Mức thâm thủng ngân sách của Anh năm 2010 đứng ở ngưỡng cao hàng đầu châu Âu.
Ông Gordon Brown.
Sự giằng co giữa ba đảng gồm Công đảng của ông Gordon Brown, đảng Bảo thủ của ông David Cameron và đảng Dân chủ Tự do của Nick Clegg sau cuộc bầu cử tháng 5/2010, đã khiến nước Anh lần đầu tiên kể từ năm 1974 rơi vào một tình thế gọi là “quốc hội treo”, tức là quốc hội coi như bị tê liệt, vì không có đa số rõ rệt.
Đối với ông David Cameron, lãnh đạo của đảng Bảo thủ, ông Gordon Brown đã mất hết tính chính đáng để tiếp tục lãnh đạo chính phủ. Nhưng về phía Công đảng thì nhấn mạnh là theo hiến định, trong trường hợp mà quốc hội không có đa số tuyệt đối, thủ tướng mãn nhiệm được ưu tiên thành lập một chính phủ mới.
Tuy nhiên, sau cùng, ông Brown cũng quyết định ra đi. Phát biểu sau khi đồng ý thành lập chính phủ liên minh, người kế nhiệm David Cameron cam kết gác lại các khác biệt để phục vụ lợi ích chung của quốc gia. Ông cho biết sẽ xử lý "những vấn đề gay cấn" - thâm hụt ngân sách, các vấn đề xã hội và "xây dựng lại niềm tin vào hệ thống chính trị".
Tây Ban Nha
Hôm 21/12/2011, tại Cung điện Zarzuela, tân Thủ tướng theo đường lối bảo thủ của Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã tuyên thệ nhậm chức trước Nhà vua Juan Carlos của nước này. Ông Rajoy cũng đã cam kết thực thi hành động khẩn cấp nhằm đưa Tây Ban Nha thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Ông Jose Zapater.
Phát biểu tại lễ tuyên thệ được phát sóng trên truyền hình, ông Rajoy nói: "Tôi cam kết tuân thủ tuyệt đối nhiệm vụ của người đứng đầu chính phủ, trung thành với Nhà vua và bảo vệ hiến pháp".
Trong 7 năm cầm quyền, người tiền nhiệm của ông Rajoy, cựu Thủ tướng Jose Zapater thuộc đảng Xã hội đã khiến Tây Ban Nha rơi từ vị trí một nước có nền kinh tế phát triển xuống tình trạng trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong khi nợ công đã tới ngưỡng khủng hoảng.
Sự bùng vỡ của bong bóng nhà đất đã xóa tan niềm tin của người dân Tây Ban Nha vào Chính phủ của đảng Xã hội. Những thông tin kinh tế tích cực xuất hiện ít ỏi, những biện pháp kích thích được thực hiện sau đó chuyển hướng thành các biện pháp thắt chặt, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Và cuối cùng, ông Zapatero đã phải ra đi.
Bồ Đào Nha
Tối 23/3/2011, chưa đầy 2 giờ sau khi các nghị sỹ đối lập chiếm đa số ở Nghị viện Bồ Đào Nha bác bỏ chương trình “thắt lưng buộc bụng” mới nhằm tiết kiệm ngân sách, Thủ tướng Bồ Đào Nha José Socrates đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống nước này.
Ông José Socrates.
Trong một bản thông báo, Thủ tướng Bồ Đào Nha cho biết các đảng đối lập đã “bác bỏ các biện pháp mà chính phủ đưa ra nhằm tránh cho Bồ Đào Nha phải yêu cầu hỗ trợ từ bên ngoài”. Ông José Socrates cho rằng, “phe đối lập đã tước bỏ của Chính phủ mọi điều kiện cần thiết để lãnh đạo đất nước” và vì thế, ông phải rút lui.
Chương trình tiết kiệm ngân sách mà Chính phủ Bồ Đào Nha đưa ra lần này là kế hoạch thứ 4 liên tiếp trong chưa đầy 1 năm, đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách và tránh cho Bồ Đào Nha phải vay nợ của châu Âu.
Tới ngày 15/6, ông Pedro Passos Coelho, 46 tuổi, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội trung hữu đã được bổ nhiệm làm thủ tướng mới của Bồ Đào Nha. Ông Coelho cam kết sớm thành lập chính phủ liên minh, đồng thời khẳng định sẽ không để lãng phí thời gian nhằm giải quyết những khó khăn kinh tế của đất nước.
Ireland
Hôm 9/3/2011, ông Enda Kenny đã nhậm chức Thủ tướng Ireland và công bố một số vị trí chủ chốt trong chính phủ liên hiệp mới giữa đảng Fine Gael trung hữu và Công đảng trung tả. Trước đó, đảng Fine Gael của ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Ireland với 38% số phiếu ủng hộ (chiếm 70 ghế trong Quốc hội 166 ghế).
Ông Brian Cowen.
Trong khi đó, đảng Fianna Fail của người tiền nhiệm Brian Cowen đã thất bại thảm hại khi chỉ giành được hơn 17% số phiếu ủng hộ (khoảng 18 ghế). Ông Cowen cũng đã thừa nhận thất bại ngay trước khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Ông Cowen đã từ chức lãnh đạo đảng Fianna Fail nhiều tuần trước cuộc tuyển cử này.
Brian Cowen, được đề cử trở thành Thủ tướng năm 2008 sau khi giữ chức Bộ trưởng Tài chính, thậm chí không phải trải qua cuộc chạy đua tới chiếc ghế Thủ tướng. Tuy nhiên, trước khi phải rời bỏ cương vị thủ tướng, mức độ tín nhiệm dành cho ông Cowen sụt giảm mạnh trong lúc kinh tế của Ireland đang gặp khủng hoảng.
Ông Cowen đã phải gánh chịu áp lực trong suốt nhiều tháng vì cách đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công đã “đánh gục” nền kinh tế Ireland, buộc chính phủ phải chấp nhận các khoản vay của quốc tế. Mọi việc tồi tệ hơn khi có cáo buộc ông đã dùng vụ từ chức của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và 5 bộ trưởng khác để lăng xê các ngôi sao đang lên trước cuộc tổng tuyển cử.