Các 'nữ thần sống’ chân không chạm đất, phải đáp ứng 32 điểm hoàn hảo
Thứ bảy, 06/06/2020 10:51

Để trở thành “nữ thần sống” (Kumari), các bé gái phải trải qua nhiều nghi thức phức tạp và nếu được chọn, họ sẽ bị tách khỏi gia đình và sống biệt lập trong cung điện.

Nepal nằm giữa Trung Quốc, Ấn Độ và dãy Himalaya, là nơi giao thoa giữa các nền văn hóa lớn với những nét đẹp truyền thống và bản sắc lâu đời. "Nữ thần sống" - Kumari là một trong những phong tục tồn tại ở đất nước này hàng trăm năm nay.

Nhiều gia đình xem việc con gái được chọn là “nữ thần sống” là một niềm vinh hạnh to lớn. Nhưng đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của một nữ thần, những cô bé được chọn lại có một tuổi thơ “không bình thường” so với các bạn đồng trang lứa.

Preeti Shakya (22 tuổi) từng là Kumari từ năm 3 tuổi. Suốt 8 năm trị vì, cô không được phép chạm chân xuống đất, dù chỉ một lần.

Tuoi tho khong tron ven cua cac be gai duoc chon lam nu than song anh 1

Truyền thống thờ Kumari kéo dài nhiều thế kỷ và vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay.

Quy định tuyển chọn khắt khe

Kumari ở Nepal được xem là hiện thân của nữ thần Hindu Taleju. Chính vì thế, các bé gái khoảng 3-5 tuổi được chọn phải trải qua những nghi thức kiểm tra gắt gao các về hình thể lẫn ý chí.

Đầu tiên, các bé tham gia ứng tuyển phải có xuất thân cao quý, hoàn toàn khỏe mạnh từ lúc sinh ra đến hiện tại, chưa hề bị bệnh. Đồng thời, cơ thể của ứng viên cũng không được có bất kỳ vết thương bị chảy máu, dấu vết kỳ lạ.

Theo The Wire, các cô bé còn phải trải qua bài kiểm tra “32 đặc điểm hoàn hảo” gồm tóc đen, bàn chân mềm mại, không có mùi cơ thể, đuôi mắt như mắt bò, giọng trong veo, ngực như sư tử...

Bên cạnh đó, tử vi của ứng viên cũng được xem xét kỹ lưỡng, người được chọn không được có lá số xung khắc với nhà vua.

Tuoi tho khong tron ven cua cac be gai duoc chon lam nu than song anh 2

Quy trình tuyển chọn phức tạp khiến nhiều bé gái bị loại sớm. Ảnh: Maria Contreras Coll.

Những tu sĩ có trách nhiệm tuyển chọn “nữ thần sống” sẽ kiểm tra thêm về bản lĩnh và sự can đảm của các bé gái. Bài kiểm tra khiến nhiều cô bé khiếp sợ nhất là chứng kiến nghi lễ hiến tế, chặt đầu trâu, dê để dâng lên nữ thần Kali trong lễ hội Dashain.

Những bé gái không khóc sẽ vượt qua thử thách này và được đưa đến căn phòng tối trong đền thờ, ở đó suốt một đêm với những chiếc đầu động vật đã chết.

“Nếu ai bật khóc, người đó sẽ bị loại và trở về nhà sống một cuộc đời bình thường”, Preeti cho biết.

Nhiệm kỳ của một Kumari kết thúc khi cô gái bắt đầu kỳ hành kinh đầu tiên và bước vào giai đoạn dậy thì. Khi đó, những tu sĩ sẽ thay thế một bé gái khác.

Tuoi tho khong tron ven cua cac be gai duoc chon lam nu than song anh 3

Tuoi tho khong tron ven cua cac be gai duoc chon lam nu than song anh 4

Người dân khiêng kiệu hoặc bế Kumari trong các lễ hội. Họ bảo vệ Kumari
một cách cẩn thận. Ảnh: Associated Press, Reuters.

Theo National Geographic, Kumari rất được tôn kính trong cộng đồng Nepal. Họ tin rằng Kumari mang đến sự may mắn, thịnh vượng, có sức mạnh tiên đoán và khả năng chữa khỏi bệnh tật.

Mỗi thành phố, khu vực ở Nepal đều có Kumari của riêng mình. Nhưng chỉ có 3 Kumari chính thức đại diện cho ba vương quốc cũ của thung lũng: Kathmandu, Patan và Bhaktapur. “Nữ thần sống” tôn quý nhất là “Royal Kumari” (tạm dịch: Thánh nữ hoàng gia), sống tại ngôi đền thiêng Kumari Ghar ở thành phố Kathmandu.

Cuộc sống khắc nghiệt của một nữ thần

Các “nữ thần sống” có cuộc sống ẩn dật và hiếm khi nói chuyện trước công chúng. Họ bị ràng buộc bởi các phong tục kết hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Khi được chọn làm Kumari, các bé gái không được chạm chân xuống đất để tránh ô uế và di chuyển bằng cách ngồi trên kiệu, xe. Mỗi khi tham gia những lễ hội quan trọng, Kumari được người dân khiêng đi bằng kiệu hoặc bế trong vòng tay cẩn thận.

Tuoi tho khong tron ven cua cac be gai duoc chon lam nu than song anh 5

Tuoi tho khong tron ven cua cac be gai duoc chon lam nu than song anh 6

Kumari luôn mặc trang phục đỏ và được trang điểm kỹ lưỡng.

Người dân Nepal tin rằng Kumari đại diện cho các vị thần, vì thế cơ thể của họ rất thiêng liêng, cần được bảo vệ kỹ lưỡng.

“Nữ thần sống” luôn phải mặc đồ màu đỏ, búi tóc cao, đeo trang sức quý giá, trang điểm cầu kỳ và vẽ một con mắt lửa trên trán - biểu tượng cho sức mạnh đặc biệt.

Một năm, Kumari chỉ rời khỏi cung điện 13 lần để tham dự những ngày lễ đặc biệt.

Khi còn tại vị, Kumari phải tuân theo các nghi thức nghiêm ngặt hàng ngày. Theo SCMP, một số nhà hoạt động cho rằng đó là một hình thức bóc lột, cản trở tự do và giáo dục của trẻ em.

Năm 2008, Tòa án tối cao Nepal đã gạt bỏ đơn thỉnh cầu chống lại phong tục này với lý do Kumari có ý nghĩa về mặt văn hóa và tôn giáo. Tòa án cũng yêu cầu cải cách, nhấn mạnh việc giáo dục cho các bé gái.

Ngày nay, một số “nữ thần sống” ở nhiều vùng tuy không được đến trường nhưng được giáo viên dạy kèm riêng. Cô bé vẫn phải làm bài tập và học bài như mọi đứa trẻ khác.

Tuoi tho khong tron ven cua cac be gai duoc chon lam nu than song anh 7

Khi không chơi đùa hay học bài, Kumari sẽ ngồi trên ngai vàng và ban phước lành cho các tín đồ.
 Các bé gái hay được người dân tặng kẹo, chocolate, đồ chơi.

Khó hòa nhập sau khi hoàn tục

Khi đến giai đoạn dậy thì, Kumari sẽ thoái vị và trở về cuộc sống như người bình thường. Do dành khoảng thời gian khá dài sống tách biệt, những Kumari hoàn tục gặp khó khăn khi thích nghi với cuộc sống mới.

Chanira Bajracharya (25 tuổi) - cựu Kumari của thành phố Patan - lên ngôi lúc 5 tuổi và kết thúc thời gian trị vì vào năm 15 tuổi - nói với SCMP: "Đó là một quá trình chuyển đổi đầy khó khăn. Sau thời gian làm Kumari, tôi thậm chí không thể đi bộ đúng cách vì tôi được khiêng đi mọi lúc. Thế giới bên ngoài là một thứ hoàn toàn xa lạ với tôi".

Tuoi tho khong tron ven cua cac be gai duoc chon lam nu than song anh 8

Kumari trở về cuộc sống bình thường sau kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Ảnh: Maria Contreras Coll.

Nhiều cô gái phải mất thời gian khá lâu mới có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường. Phần khó khăn nhất với một số Kumari là đón nhận lời nhận xét, khen chê từ những người xung quanh.

“Sau khi thoái vị, tôi nhận ra thế giới thật tàn khốc. Các giáo viên bắt đầu trách mắng tôi vì tôi học hơi kém và khi tôi mới đi học, một trong những người bạn cùng lớp nói rằng tôi trông rất béo. Lúc đó, tôi hoàn toàn suy sụp vì không quen với cách nói chuyện như vậy”, Preeti bày tỏ.

Tuy nhiên, sau khi trải qua những khó khăn ban đầu, các cựu Kumari có thể sinh hoạt và sống như người bình thường như đi học, kết hôn, sinh con…

Trước đây, cựu Kumari không được kết hôn vì người dân tin rằng chồng của cô sẽ chết ngay sau đó. Nhưng ngày nay, nhiều cựu Kumari ở Nepal vẫn có cuộc sống hạnh phúc bên gia đình, bạn bè.

Tuoi tho khong tron ven cua cac be gai duoc chon lam nu than song anh 9

Preeti nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống bình thường. Ảnh: ABC.

Sau một thời gian, Preeti bắt đầu thích gặp gỡ những người bạn mới, mặc bất cứ thứ gì cô muốn và đến thăm những địa điểm cô chưa từng đặt chân đến. “Tôi là một cô gái Nepal bình thường 100%, có thể tự do làm bất cứ điều gì”, Preeti chia sẻ.

Tuy phong tục này tồn tại nhiều bất cập và mang đến một tuổi thơ không hoàn chỉnh cho các bé gái, nhưng việc trở thành Kumari vẫn là niềm tự hào với bản thân họ và cả gia đình.

"Trở thành một Kumari là sự may mắn, niềm tự hào đối với tôi và gia đình tôi. Trước đây, Kumari không được kết hôn. Nhưng một số cựu Kumari đã kết hôn. Xã hội đang thay đổi, phụ nữ cần được tôn trọng hơn”, Bajracharya nói.

Zingnews.vn

Nguồn: https://zingnews.vn/cac-nu-than-song-chan-khong-cham-dat-phai-dap-ung-32-diem-hoan-hao-post1092460.h.. Nguồn: https://zingnews.vn/cac-nu-than-song-chan-khong-cham-dat-phai-dap-ung-32-diem-hoan-hao-post1092460.html

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Nữ thần sống , Kumari , Nepal