Các ngân hàng vẫn lãi lớn trong đại dịch
Thứ năm, 31/12/2020 14:46

Chịu tác động lớn từ dịch Covid-19 nhưng đến nay, ngân hàng đang là nhóm thích nghi tốt nhất với dịch bệnh, chỉ tiêu tín dụng và lợi nhuận đều tăng trở lại.

Cuối năm 2019, trong hàng loạt báo cáo đầu tư chiến lược, các công ty chứng khoán đều xếp ngân hàng là một trong những ngành đầu tư tiềm năng cho năm 2020. Với dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 khoảng 14%, VCBS kỳ vọng lợi nhuận các ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng tăng hai chữ số so với năm 2019.

Đến đầu năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trong nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng được dự báo chịu tác động lớn.

Tuy nhiên, số liệu tài chính các ngân hàng thương mại và cơ quan quản lý công bố đến nay lại cho thấy “bức tranh” tươi sáng của ngành ngân hàng. Điều này cho thấy các ngân hàng đang “thích nghi” tốt với bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Tín dụng tăng 11%

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 21/12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,14% so với cuối năm 2019 và dự kiến tăng 11% trong cả năm nay. Với mức tăng trưởng này, ước tính các ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 831.000 tỷ đồng qua kênh tín dụng từ đầu năm, tương đương gần 2.368 tỷ/ngày.

Đáng chú ý, so với 9 tháng đầu năm, tín dụng 3 tháng cuối năm đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều. Cụ thể, số liệu công bố cuối tháng 9 cho biết tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng khi đó mới đạt 6,09%.

Như vậy, mức tăng trưởng 3 tháng gần nhất (tháng 10, 11 và 12) đã đạt 4,91%, tương đương bình quân 1,64%/tháng. Tốc độ này cao gấp 2,4 lần mức trung bình 9 tháng đầu năm (0,68%/tháng) và cao hơn cả bình quân tháng của năm 2019 trước đó là 1,01%/tháng.

Theo các chuyên gia, lãi suất cho vay giảm nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN đã thúc đẩy các doanh nghiệp vay vốn mới để phục hồi sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được không chế.

Các ngân hàng vẫn lãi lớn trong đại dịch

Bên cạnh đó, Thông tư 01 của NHNN hướng dẫn các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại các khoản cho vay với thời hạn lên đến 12 tháng và xem xét miễn, giảm lãi vay đã giúp giảm áp lực chi phí dự phòng của ngân hàng và chi phí lãi vay cho khách hàng.

Từ đầu năm, NHNN đã ba lần cắt giảm lãi suất điều hành vào tháng 3, 5 và 9 với mức giảm 1,5-2%/năm (sâu nhất khu vực). Điều này đã giúp giảm chi phí vốn cho các ngân hàng, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay từ đó khuyến khích doanh nghiệp vay mới.

Các trợ lực này giúp tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm bứt tốc nhanh, đặc biệt tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân và nhóm có thị phần cho vay tiêu dùng lớn.

Như TPBank, đến cuối tháng 9 năm nay, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đã đạt 22,3% (khi toàn ngành mới tăng 6,09%). Mức tăng trưởng gần chạm trần tín dụng 23% mà NHNN phê duyệt cho ngân hàng này cùng Techcombank, VIB năm nay.

Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại VPBank khi tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đã đạt 16,5%. Nhiều nhà băng khác cũng ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao hơn mức trung bình toàn ngành như VIB (+14,2%); MBBank (+11,8%); Techcombank (+9,2%)…

Tín dụng tăng nhanh về cuối năm khiến NHNN phải 2 lần nới hạn mức tăng trưởng cho một loạt ngân hàng, trong đó mức cao nhất lên tới 30%. Trong đó, VIB là ngân hàng được cơ quan quản lý tiền tệ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng lớn nhất, lên tới 30% năm nay. Trước đó, chỉ tiêu đầu năm của ngân hàng này là 10,5% và được nâng lên 19-23% ở lần điều chỉnh đầu tiên.

TPBank cũng được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng mới với 28% (đầu năm là 11,5%); HDBank được nâng từ 11% lên 25%; và MBBBank được tăng từ 11,75% lên 23%...

Thậm chí, ngân hàng với mức tăng trưởng thấp từ đầu năm là Vietcombank cũng được nâng trần tín dụng từ 10% lên 14% năm nay. Theo lãnh đạo ngân hàng, đến hết tháng 11, tín dụng tại Vietcombank đã tăng 10% và dự kiến đạt 13-14% cho cả năm.

Lãi lớn

Cũng theo số liệu mới nhất từ NHNN, trong tình hình dịch bệnh tác động lớn tới nền kinh tế, các ngân hàng đã hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng.

Đến nay, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được miễn, giảm, hạ lãi suất đã đạt trên 1 triệu tỷ đồng (gần 590.000 khách hàng). Đặc biệt, các ngân hàng đã cho vay với lãi suất ưu đãi (thấp hơn 0,5-2,5%/năm so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ.

Riêng số tiền phí dịch vụ thanh toán các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm nay thông qua 2 đợt giảm cũng vào khoảng 1.004 tỷ đồng.

Trong đợt giảm lãi suất cho vay 1%/năm mới đây (áp dụng đến 15/3/2021), ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết ngân hàng dự kiến giảm 300 tỷ đồng lợi nhuận để chia sẻ lãi suất với khách hàng. Nếu tính từ đầu năm, Vietcombank đã có 5 đợt giảm lãi suất với số lợi nhuận dự kiến giảm lên tới 3.700 tỷ đồng.

Các ngân hàng vẫn lãi lớn trong đại dịch - 1

Nhiều ngân hàng lãi vượt xa kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Ảnh: Hoàng Hà.

Bất chấp việc bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh và phải chia sẻ khó khăn với khách hàng vay vốn, lợi nhuận tại nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đặt ra cho cả năm.

Tính đến cuối tháng 11, lãnh đạo ACB cho biết ngân hàng đã thu về 8.723 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 16% so với số thu cả năm trước và vượt 14% kế hoạch năm nay.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết lợi nhuận ngân hàng thu về được sau 11 tháng từ đầu năm đã là 2.302 tỷ, vượt 60% kế hoạch năm và tăng 80% so với cả năm 2019.

Trong báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất, ABBank cũng cho biết ngân hàng đạt 1.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 11 tháng, đạt 101% kế hoạch năm.

Theo các chuyên gia của FiinGroup, dù chịu tác động từ dịch bệnh nhưng nhóm ngân hàng vẫn sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 10,2% cho cả năm nay. Trong đó, tăng trưởng được duy trì nhờ sự cả 3 mảng thu nhập chính là lãi thuần, dịch vụ và các hoạt động khác.

Xét riêng 3 quý đầu năm, cả tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng vẫn tăng trưởng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngân hàng vẫn lãi lớn trong đại dịch - 2

Tỷ lệ và thay đổi biên lãi ròng các ngân hàng niêm yết. Nguồn: FiinGroup.

Thậm chí, với việc lãi suất huy động giữ xu hướng giảm liên tục trong quý IV, các chuyên gia dự báo NIM (biên lãi ròng) của ngân hàng trong quý cuối năm sẽ tiếp tục ở mức cao. Điều này cho thấy lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động trong bối cảnh lãi suất thấp hiện nay.

Tuy vậy, các chuyên gia của FiinGroup cũng cho biết do Thông tư 01/NHNN cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và chỉ phải trích lập tương ứng nên dự phòng rủi ro nên chưa phản ánh đầy đủ tác động của bệnh lên lợi nhuận ngành ngân hàng.

Về tổng thể, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng năm nay dự kiến tăng thấp hơn so với các năm trước nhưng vẫn thuộc nhóm khả quan trong bối cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt và kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp phi tài chính được dự báo suy giảm.

“Bức tranh” lợi nhuận chưa phản ánh đúng

Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực, không nên nhìn kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng năm nay mà đánh giá chung về sức khỏe của ngành. Nguyên nhân do hầu hết ngân hàng đều chưa trích lập đủ dự phòng theo đúng chất lượng tài sản thực tế.

Ông Lực cho rằng tác động của dịch Covid-19 đến hệ thống ngân hàng thường có độ trễ so với doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp, người dân sẽ chịu ảnh hưởng ngay khi dịch bùng phát thì ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng sau, khi khách hàng không thể thanh toán nợ đến nợ. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp phát sinh thêm nợ xấu trong hệ thống thời gian qua và dự kiến còn tiếp diễn trong năm tiếp theo.

Theo ông Lực, việc không phải chuyển nhóm với phần dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Thông tư 01 đã giúp các ngân hàng giảm thiểu được nhiều phần trích lập dự phòng thực tế. Tuy nhiên, không sớm thì muộn các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng các khoản dư nợ không đủ tiêu chuẩn trong tổng dư nợ cơ cấu theo Thông tư 01.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định trong bối cảnh dịch bệnh, ngành ngân hàng lại có một số thuận lợi nhất định so với các lĩnh vực kinh tế khác.

Trong đó, lợi nhuận ngân hàng tăng năm nay một phần vì lãi suất đầu vào đã giảm đáng kể. Trong khi đó, lãi suất cho vay không giảm tương xứng giúp biên lợi nhuận ngành cao hơn cả năm trước.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã được NHNN cho phép không chuyển nhóm nợ với phần dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, từ đó các ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều như thực tế.

“Từ 2 yếu tố này, có thể nói lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay không thể hiện đúng thực tế. Việc ngân hàng không chuyển nhóm nợ, trích lập dự phòng đúng như chất lượng dư nợ thực tế thì một phần trong lợi nhuận của họ là lợi nhuận ảo”, ông Hiếu phân tích.

Tuy nhiên, vị chuyên gia khẳng định Thông tư 01 chỉ đóng góp một phần vào bức tranh chung của ngành ngân hàng năm 2020. Bên cạnh đó, nội tại các ngân hàng Việt cũng đã có sức chịu đựng tốt hơn các doanh nghiệp khác, qua đó giúp ngành ngân hàng đứng vững trước dịch bệnh.

“Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều người đã lo lắng về vấn đề thanh khoản của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại, khi hệ thống ngân hàng vẫn duy trì được thanh khoản tốt suốt thời gian dịch bùng phát. Thậm chí, việc thanh khoản ngân hàng dồi dào những tháng vừa qua đã góp phần lớn giảm lãi suất huy động và cho vay”, ông Hiếu nhận định.

Các ngân hàng vẫn lãi lớn trong đại dịch - 3

Theo các chuyên gia, hệ thống ngân hàng có sức chịu đựng với dịch bệnh tốt hơn hầu hết
ngành, lĩnh vực kinh doanh khác. Ảnh: L.H.

Ông Hiếu cho rằng các ngân hàng vẫn thể hiện được vai trò khi tiếp tục cho vay ra được nền kinh tế. Tuy tăng trưởng tín dụng chỉ đạt gần 11%, thấp hơn các năm trước và không đạt mục tiêu, nhưng ngân hàng vẫn là nguồn cung cấp vốn lớn nhất cho nền kinh tế năm 2020.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh. Theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, với tiền đề là kiểm soát tốt được dịch bệnh, ngành ngân hàng vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt trong năm 2021. Tuy nhiên, việc tăng trưởng của ngành vẫn phụ thuộc vào sức khỏe chung của nền kinh tế và tình hình kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam.

“Với mức tăng trưởng GDP dự kiến 6-6,5% năm sau, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng có thể đạt 12-14% trong năm 2021”, ông Hiếu nhận định.

Về mặt lãi suất, ông hiếu cho rằng với việc NHNN vẫn có chủ trương hạ lãi suất và hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng vẫn có cơ sở để giảm lãi suất trong những tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, khi nền kinh tế được “hâm nóng” trở lại, lãi suất có thể sẽ tăng lên để tránh lạm phát.

Zingnews.vn

Nguồn: https://zingnews.vn/cac-ngan-hang-van-lai-lon-trong-dai-dich-post1168417.html.. Nguồn: https://zingnews.vn/cac-ngan-hang-van-lai-lon-trong-dai-dich-post1168417.html

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Ngân hàng , Lãi ngân hàng