Các giải Grand Slam: Những cỗ máy kiếm tiền

Kỷ niệm lần tranh tài thứ 100, Australian Open sẽ nêu kỷ lục mới về tiền thưởng, với mức 2,3 triệu USD cho mỗi nhà vô địch đơn nam và đơn nữ. Vậy nguồn tài chính khổng lồ của Australian Open nói riêng, và các giải Grand Slam nói chung, từ đâu ra?

Nhà vô địch đơn nam và đơn nữ, đánh cả thảy 7 trận, sẽ giành được số tiền thưởng chia trung bình mỗi trận là 330 ngàn USD. Nhưng với Grand Slam, thì cứ hễ ai có mặt ở vòng đấu chính là đã có tiền thưởng. Tổng cộng cả nội dung đơn, đôi và nam nữ kết hợp, số tiền thưởng ở Australian Open 2012 sẽ là khoảng 26 triệu.

Novak Djokovic từng bỏ túi 2,2 triệu USD tiền thưởng từ chức vô địch đơn nam ở Australian Open 2011 - Ảnh Getty

Hãy nhìn quanh làng thể thao để có một sự so sánh tương đối: Vô địch World Cup môn bóng đá cả đội được thưởng 40 triệu USD, phải chia cho chừng 30 thành viên, mà giải đấu này 4 năm mới có một lần. Vô địch Golf giải US Open năm 2011 được nhận 1,26 triệu USD. Ở giải vô địch điền kinh thế giới, người giành huy chương vàng chỉ được thưởng 60 ngàn USD và nếu lập kỷ lục thế giới mới có thêm 100 ngàn USD nữa.

Tennis có lẽ chỉ thua mức thưởng của Formula 1, nơi mà đội vô địch có thể được thưởng hơn nửa tỉ USD, như năm 2011, đội Ferrari dù đứng thứ ba nhưng có nhiều điểm thưởng đã chia nhau gần 700 triệu USD. Và tennis cũng thua những trận đấu quyền anh kinh điển, mà trị giá của một trận đấu đôi khi lên tới gần trăm triệu USD, và người thắng chưa chắc đã nhận nhiều tiền bằng kẻ thất bại.

 Một phần nhỏ của cái bánh to 
 

26 triệu USD chỉ là hơn một phần năm so với tổng doanh thu của cả giải Australian Open 2010, gần 160 triệu USD. Mà cũng như ba giải Grand Slam còn lại, Australian Open luôn tăng năm sau nhiều hơn năm trước bất chấp nền kinh tế thế giới hay quốc gia chủ nhà ở tình trạng khủng hoảng.

Năm 2005, tổng doanh thu của Australian Open chỉ là 54 triệu USD, và như thế chỉ sau năm năm, nó đã tăng gấp ba.

Khoảng 30% tổng số doanh thu của Grand Slam tổ chức đầu tiên trong năm này đến từ quảng cáo. Phần còn lại đến từ bán các sản phẩm lưu niệm, dịch vụ đi kèm, bán vé và đặc biệt là bản quyền truyền hình.

Nhiều khoản thu và ít khoản chi, trong đó chỉ có tiền thưởng là lớn nhất, nên BTC giải thường kiếm khoảng 30 triệu lợi nhuận ròng sau hai tuần tổ chức.

Thế nhưng Australian Open chỉ xếp hạng tư trong tổng số Grand Slam trên phương diện cỗ máy kiếm tiền. Roland Garros, một giải đấu thoạt tưởng là nghèo nhất nhưng vẫn có doanh thu lớn hơn, là 185 triệu USD ngay từ năm 2008, rồi sau đó là US Open với gần 200 triệu USD cách nay ba năm. Mới đây, theo ước tính của tờ New York Times, US Open 2011 đã vượt qua con số 200 triệu doanh thu, vậy là tương đương với Wimbledon - giải đấu có một ưu thế đặc biệt đó là lịch sử lâu đời nhất và gắn bó với thương hiệu hoàng gia.

Người Mỹ kiếm tiền từ US Open thế nào?

Quảng cáo đóng một vai trò chủ chốt trong công cuộc kiếm tiền cho giải đấu. Năm 2010, người Mỹ đã thu được chừng 60 triệu USD tiền quảng cáo, nhiều gấp đôi so với số tiền mà Australian Open kiếm được năm 2009 (29,9 triệu USD). Tuy nhiên, US Open lại vẫn chưa thể bắt kịp số tiền quảng cáo mà Wimbledon, giải đấu không treo logo trên sân kiếm được trong một mùa.

Nhưng nguồn thu lớn nhất của US Open lại là thông qua bán vé, với khoảng 80 triệu USD sau hai tuần diễn ra giải bao gồm hàng trăm trận đấu.

Chừng đó đảm bảo cho BTC giải trang trải những chi phí kéo dài trong cả một năm, như 400 ngàn USD cùng khoảng 2 triệu USD tỉ lệ 1 xu trên 1 đồng kể từ mức doanh thu 25 triệu USD trỏ lên để  trả cho chính quyền thành phố New York tiền thuê tổ hợp sân tennis, và 5,5 triệu USD để vận hành cả bộ máy.

Tuy nhiên, tiền đổ về US Open Hay để kiếm được 60 triệu USD tiền tài trợ, US Open đã phải chi khoảng 14 triệu tiền tiếp thị tài trợ và khuếch trương hình ảnh.

Hay để thu được 80 triệu tiền vé và hóa giải nguy cơ San Diego, một thành phố chan hòa ánh nắng quanh năm với sóng và gió biển ở bờ Tây nước Mỹ, có thể trở thành địa điểm tổ chức US Open, thì năm 1998, thành phố New York đã đầu tư 254 triệu USD để mở rộng sân Arthua Ashe từ 18 ngàn chỗ lên tới 23 ngàn chỗ.

Ấy nhưng, US Open lại là giải đấu "hà tiện" nếu nhìn trên góc độ tiền công trả cho các trọng tài, thấp hơn cả ba Grand Slam còn lại. Chưa hết, tiền thưởng cho chức vô địch đơn nam và nữ cũng chỉ xê dịch trong khoảng 1,5 triệu USD, trong khi rất khó để các tay vợt ãm thêm tiền thưởng nhờ có vị trí tốt ở mùa sân cứng thuộc US Open series.

Bất chấp điều đó, các tay vợt đều khát khao vô địch US Open hơn cả nếu như họ là những người muốn làm giàu thật nhanh. Việc được bê chiếc cúp bạc lóng lánh của US Open về trung tâm thành phố ngày sau khi đăng quang được coi là bệ phóng giúp họ bay lên giành những bản hợp đồng có giá trên trời.

Cả Nadal và Djokovic sau khi vô địch US Open đã tăng được số tiền tài trợ trong một năm lên chừng chục triệu USD.

Thế mới hiểu, tại sao người ta lại bảo, sở hữu một giải Grand Slam của tennis còn hơn cả việc có một kỳ quan thế giới mà lại chưa biết cách khai thác tối đa giá trị kinh tế của nó.