Bệnh mạch vành
Trong số các bệnh "con nhà giàu" thì có lẽ bệnh mạch vành là bệnh đầu bảng phải kể tới. Đây là biến cố do sự cẩu thả trong ăn uống và sự lười biếng trong tập luyện gây ra. Bạn là người hay ăn vặt, khoái món mỡ, thích món béo thì hãy cẩn thận, bạn đang có nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Nguyên nhân sâu xa là do sự dư thừa dinh dưỡng quá mức, lối sống tĩnh tại quá nhiều làm cho thành mạch trở nên xơ cứng, mạch vành hẹp lại lúc nào không hay và hàng loạt biến cố không may xảy ra như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim...
Bệnh đột quỵ
Bệnh đột quỵ vẫn được cho là có sự tham gia của yếu tố gia đình, yếu tố giới. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, nó có mối liên quan mật thiết với những người nghiện rượu, ăn uống dư thừa, không chừng mực. Lối sống quá đầy đủ về dinh dưỡng làm nguy cơ đột quỵ tăng cao.
Thực chất đột quỵ do khá giả thường là hậu quả của tăng huyết áp, nhất là đột quỵ ở lứa tuổi trẻ hoá. Nếu chịu khó theo dõi thì tỷ lệ đột quỵ ở người thành thị cao hơn người nông thôn. Cũng không quá khó hiểu. Vì chuyện một ông lão nông thôn còn đi lại phăm phăm là chuyện bình thường thì đó lại là chuyện hiếm ở thành phố. Lối sống ít vận động đã ảnh hưởng nhiều tới các thói quen sinh hoạt, trong đó có nguy cơ gia tăng đột quỵ não.
Bệnh gút
Sẽ không có gì phải bàn khi xếp gút vào danh mục bệnh của nhà giàu. Nguyên nhân cơ bản của gút là ăn uống quá nhiều thực phẩm có chứa các bazơ purin. Chúng chính là nguồn gốc tạo ra acid uric, kẻ đầu trò trong gút. Nếu không có bazơ purin thì không có bệnh gút.
Việc ăn nhiều thịt chứa purin hầu như chỉ gặp ở người nhiều tiền, nhiều của nhưng chưa nhiều sức khỏe. Không biết chừng mực, ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đạm, uống quá nhiều rượu, nhậu quá nhiều là những yếu tố tác động rõ rệt nhất. Vì thế, chuyện nhà giàu cần tránh gút là một lời khuyên không bao giờ cũ.
Bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là căn bệnh do rối loạn nội tiết liên quan đến insulin gây ra. Trong chứng bệnh này, hoặc là insulin tiết ra từ tụy không đủ, hoặc là insulin bị kháng lại hoàn toàn.
Dù thế nào thì 2 nguy cơ được cho là sát sườn nhất gồm dinh dưỡng vô độ và lười vận động. Điều này đã quá rõ với những người giàu. Cuộc sống trong cao ốc, hưởng thụ trên sofa đã làm cho con người trở nên tĩnh nhiều hơn động. Nếu tính trung bình, người nông thôn có khoảng 7h/8h giờ làm việc là vận động thì với người thành thị, con số này chỉ là 2h/8h, còn lại 6h/8h làm việc là ngồi, là bất động.
Thêm vào đó, nếu như việc đủ ăn với người nghèo là điều mong ước thì với người giàu, chuyện chán ăn lại là chuyện đáng lo. Cứ mở tủ lạnh ra là thấy thức ăn nên lúc nào cũng bị ngập tràn trong dinh dưỡng. Dinh dưỡng quá thừa, cơ thể quá tĩnh là hai yếu tố dễ gây ra đái tháo đường.
Thức ăn quá nhiều chất dinh dưỡng, nguyên nhân gây ra những bệnh "nhà giàu"
Bệnh béo phì
Gần như 100% người béo phì là người của thành phố. Người ta thường lấy kích cỡ cơ thể để đo độ dư giả cuộc sống. Lẽ tất nhiên, không phải cứ người thon gọn là nghèo. Nhưng đa số người to béo thì ắt hẳn là có điều kiện. Thế nên, chẳng có gì khó hiểu khi béo phì là nỗi lo hầu như của bất kỳ cư dân thành thị nào. Âu cũng bởi nguyên nhân dinh dưỡng mà ra. Bản chất của béo phì là đưa quá nhiều dinh dưỡng vào vượt quá nhu cầu cơ thể. Cơ thể không sử dụng hết, tất phải chuyển sang tích trữ mỡ nên gây ra béo phì.
Như chúng ta đã biết, béo phì là bạn đồng hành của nhiều bệnh thời đại như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường. Cho nên, phòng chống béo phì là một nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết với những người giàu.
Bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một bệnh của tâm thần. Nguyên nhân gây ra trầm cảm chưa được biết rõ, nhưng áp lực công việc nhiều, áp lực kinh tế nhiều, áp lực quyền lực càng nhiều thì đầu óc càng phải suy nghĩ. Càng căng thẳng thì càng dễ bị rối loạn tâm thần. Càng có nhiều tiền, cuộc sống con người càng trở nên khép kín. Càng có điều kiện công nghệ thì con người càng ít giao du. Nguy cơ trầm cảm càng trở nên rõ rệt. Con người càng dễ bị bệnh hơn. Đa phần những người trầm cảm đều ít nhiều có yếu tố kinh tế tác động.
Để giảm trầm cảm, chúng ta cần biết điều hoà cuộc sống, cân bằng giữa công việc và gia đình, cân bằng giữa nhu cầu kinh tế và nhu cầu tinh thần. Biết điều hoà áp lực và biết cách giải trí. Đừng sống khép kín, đừng sống với thế giới ảo, hãy hoà nhập vào cuộc sống và xã hội, bạn sẽ thấy mình có nhiều bạn hơn, có nhiều cơ hội tâm sự giải toả hơn, giúp bạn cảm thấy thoải mái. Và bạn sẽ không còn nguy cơ trầm cảm.