Các bị cáo mặc gì khi ra tòa?

Nhìn lại một số vụ án được dư luận quan tâm gần đây sẽ thấy, tại mỗi phiên tòa, các bị cáo ăn mặc theo một phong cách khác nhau, và cũng được đối xử không giống nhau.

Tòa phúc thẩm TAND Tối cao bắt đầu xét xử phúc thẩm ông Dương Chí Dũng và các đồng phạm vào hôm qua 22/4. Cựu Chủ tịch Vinalines đã bị tòa sơ thẩm kết án tử hình. Cùng chịu mức hình phạt với ông là Tổng giám đốc Mai Văn Phúc. Tại tòa, trong khi một mình ông Dũng (dù cũng bị tạm giam) mặc sơ mi trắng, quần âu đen, đi giày thì toàn bộ các bị cáo khác mặc đồng phục màu xanh da trời, do trại giam cung cấp.

Trực tiếp xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng

Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 12/2013, cũng một mình bị cáo Dương Chí Dũng mặc áo sơ mi trắng, quần âu đen, áo khoác xanh.

Tháng 1/2014, tại phiên tòa xét xử ông Dương Tự Trọng (em trai ông Dương Chí Dũng), cách ăn mặc của bị cáo chính đã gây xôn xao dư luận. Ông Trọng chọn và được phép mặc một chiếc áo phông bó dài tay sẫm màu, với dòng chữ lớn Black Flag (Cờ đen) ở ngay trước ngực.

Cũng trong tháng 1/2014, TAND TPHCM xét xử Huỳnh Thị Huyền Như, tội danh lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng. Trong các ngày bị xét xử, bà Huyền Như mặc trang phục áo sơ mi trắng, hồng, đi giày đen, như công chức bình thường.

Mới đây nhất, tháng 4/2014, TAND TP Hà Nội xét xử ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Ông Kiên ra tòa với trang phục áo sơ mi kẻ, quần kaki, đi dép tổ ong màu trắng. Trong khi đó, nhiều bị cáo bị tạm giam và đưa ra xét xử cùng với ông Kiên (trừ những người tại ngoại) mặc đồng phục trại giam màu xanh da trời, đi dép tổ ong trắng. Ông Kiên bị xích chân trong khi dẫn giải.

Mọi việc sẽ không gây chú ý, nếu như bầu Kiên không lên tiếng phản đối tại tòa. Ông cho biết giám thị trại giam yêu cầu ông mặc đồng phục do trại cấp (bộ màu xanh da trời). Tuy nhiên theo ông Kiên, ông không có nghĩa vụ phải mặc bộ này mà được quyền mặc trang phục theo ý mình. Ông Kiên cũng cho rằng việc ông bị cùm chân trong quá trình dẫn giải là biện pháp ngăn chặn không phù hợp.

10 năm trước đây, các bị cáo khi ra trước vành móng ngựa, dù bị tạm giam hay không, đều xuất hiện với “trang phục tù” là bộ đồng phục trại giam sọc trắng đen. Với bộ này, xã hội mặc nhiên nhìn bị cáo với con mắt của một tù nhân, dù có thể ngay tại tòa bị cáo được tuyên vô tội. Theo luật, trước khi bị tòa tuyên án và bản án của tòa có hiệu lực, không ai được coi là có tội. Vì vậy, bộ đồng phục sọc trắng đen mà các bị cáo mặc trước tòa nhìn rất phản cảm. 

Luật sư Phạm Ngọc Minh, Công ty Luật TNHH YouMe cho biết, trong quá trình cải cách tư pháp, năm 2004, Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết số 743, có hiệu lực từ 29-1-2005, quy định: “Tại phiên toà xét xử vụ án hình sự, bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo là người đang bị tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải bảo đảm sự trang nghiêm…”. TAND tối cao sau đó cũng ra công văn chỉ đạo về vấn đề này. 

Tuy nhiên, qua theo dõi các phiên tòa vừa qua, có thể thấy, quy định của UBTVQH và hướng dẫn của TAND Tối cao được thực hiện chưa thống nhất.

Bầu Kiên cho biết, giám thị trại giam đề nghị ông mặc “đồng phục xanh”. Tại sao giám thị lại phải đề nghị các bị can mặc đồng phục của trại? Dù bộ này đã được “cải tiến”, nhưng khi tất các các bị cáo đều mặc trang phục lùng thùng giống nhau kiểu như vậy, đi đôi dép tổ ong, xuất hiện trước tòa, thì về bản chất bộ sọc với bộ xanh chẳng khác gì nhau.

Có bị cáo đồng ý mặc, hoặc không. Cũng có bị cáo do không biết hoặc không muốn từ chối nên đành mặc. Việc mặc đồng phục có thể là để tạo sự trang nghiêm, nhưng nhìn các bị cáo xuất hiện với bộ đồ màu xanh, đi dép tổ ong trắng thì sự trang nghiêm này không còn. Chưa kể đến việc có bị cáo mặc, có bị cáo không, dễ gây thắc mắc.

Tại sao không để các bị cáo tự chọn trang phục cho mình theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBTV Quốc hội. Các giám thị hoàn toàn có quyền đánh giá thế nào là đảm bảo sự trang nghiêm và có thể yêu cầu bị cáo đổi trang phục nếu không phù hợp. Trong trường hợp bị cáo Dương Tự Trọng, nguyên Đại tá, nguyên Phó Giám đốc công an TP.Hải Phòng, thay vì đề nghị ông đổi trang phục, thì cả ban giám thị lẫn Hội đồng xét xử lại không có ý kiến gì.

Về việc áp biện pháp ngăn chặn là xích chân khi dẫn giải, theo quy định, được dùng đối với các bị cáo được cho là phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, côn đồ hung hãn, tái phạm nguy hiểm (quyết định 810/2006/QĐ-BCA-C11 của Bộ Công An). Nếu chiếu theo đó thì việc xích chân bầu Kiên là không sai quy định của pháp luật nếu trong kế hoạch, phương án bảo vệ phiên tòa đã được phê duyệt có nêu rõ phương án sử dụng biện pháp này.

Tuy nhiên, nếu áp dụng các quy định này thì tại sao ông Dương Chí Dũng, bà Huyền Như và một số bị cáo khác không bị xích chân?.  Việc áp dụng các quy định một cách máy móc, thiếu thống nhất tại các phiên tòa lớn mà cả xã hội quan tâm không những làm tăng tính uy nghiêm của pháp luật, mà ngược lại tạo ra những thắc mắc không cần thiết.