Ca sĩ trẻ lộ điểm yếu trên sóng truyền hình trực tiếp: Hát sống thì dễ... “chết”!

Nhiều người vì muốn được xuất hiện thường xuyên trên sóng nên không ngại tham gia các cuộc thi truyền hình thực tế, và kết quả là họ chỉ tự “vạch áo cho người xem lưng”.
Chương trình “The Remix” (Hòa âm và ánh sáng) hiện đang giành tỉ lệ rating cao nhờ thu hút dàn ca sĩ đình đám, dàn DJ chuyên nghiệp và cả các nhà sản xuất âm nhạc trẻ nhanh nhạy bắt kịp thị hiếu khán giả. Tuy mới được 3 số trực tiếp, nhưng “The Remix” đã thu về vô số “gạch đá” cùng lời khen - chê trái chiều nhau. Khen là ở chỗ, chương trình “3 trong 1” này có thể khoác chiếc áo mới cho ca khúc cũ, bằng cách phối hiện đại, sống động như trên sàn nhảy. Và lần đầu tiên, các DJ khi kết hợp cùng ca sĩ và nhà sản xuất, đã giữ một vai trò khác hẳn, không chỉ là người phụ trách phần nhạc trong các vũ trường, mà trở thành các “phù thủy”pha trộn các thể loại nhạc để thỏa mãn những tai nghe sành điệu của giới trẻ và cả giới nhạc công chuyên nghiệp.
 
 

Chê là ở chỗ, khán giả nhận ra ngay đâu là điểm yếu của các ca sĩ thời nay, khi họ lo nhảy cùng nhóm múa minh họa, lo bưng, bê, quay, đỡ, mà quên mất việc chăm chút cho giọng hát đỡ bị đuối, hụt hơi. Ngay cả những ca sĩ lần lượt ẵm hầu hết các giải thưởng âm nhạc trong nhiều năm qua cũng gặp cảnh hát không ra hơi, không ra tiếng như Đông Nhi, hay hát không rõ lời như Sơn Tùng M-TP trong live show “The Remix” thứ hai. Còn Bảo Anh, ca sĩ chuyên bị chênh khi lên cao, lại dính nghi án hát nhép khi giọng của cô “hay, hoàn hảo đến bất ngờ”, mặc dù nhảy rất hăng. Hơn nữa, khi các ca sĩ lạm dụng việc hát hoặc đọc rap chồng lên ở những đoạn cao trào thu sẵn, khán giả thường té ngửa vì phát hiện các giọng hát, giọng đọc khác nhau. Gọi là bữa tiệc âm thanh - ánh sáng, nhưng giới chuyên môn lại cho rằng đây là bữa tiệc bị bỏ rơi âm thanh, vì những yếu tố trục trặc kỹ thuật số nào cũng có, thậm chí có đêm còn mất tiếng trên TV nên chưa thể nói là “sạch sạn”, êm tai được.

Song, công bằng mà nói, có những ca sĩ vẫn khẳng định được bản lĩnh của mình khi hát live. Đó là Tóc Tiên, Isaac, Giang Hồng Ngọc. Đặc biệt, trong đêm 8.2, mặc dù gặp sự cố về âm thanh và cả sự bối rối của DJ trong nhóm, nhưng Giang Hồng Ngọc vẫn biết cách làm sáng giọng ở những nốt cao, và thể hiện trọn ca khúc một cách bình tĩnh.

Có một vài ca sĩ khi tham gia các chương trình như Bài hát yêu thích, Tình Bolero… cùng không ít chương trình biểu diễn trực tiếp khác thường chỉ chứng minh được cho khán giả thấy khả năng vũ đạo của mình, còn rất có thể họ cho khán giả nghe… máy hát. Không riêng Đông Nhi, nhiều ca sĩ như Noo Phước Thịnh, Bích Phương Idol, Minh Hằng, Ông Cao Thắng, Ngô Kiến Huy, Vy Oanh, Yến Trang, Thu Thủy, Bảo Thy, Nhật Tinh Anh, Thủy Tiên… cũng dễ bộc lộ yếu điểm khi hát live.

Nhiều khán giả phản ứng, đi thi mà còn hát nhép thì còn tư cách nào nữa? Hoặc nữa, lên sân khấu mà chỉ để nhép miệng, thì không hiểu họ phải mua vé để làm gì? Không những thế, người tinh ý sẽ nhận ra đằng sau một ca khúc hát nhép, “tội lừa dối” không chỉ ở ca sĩ, mà còn ở êkíp thực hiện, bởi lẽ, giám khảo vẫn khen hay, cho điểm cao chót vót, giám đốc sản xuất âm nhạc thì lên tiếng bênh vực các thí sinh của mình chỉ “hát chồng lên phần thu sẵn cho khỏi méo tiếng”, cả một vở kịch dài vẫn phải tiếp diễn. Kết quả của các cuộc chơi cũng không còn chính xác, vì thí sinh càng hát nhép nhiều, càng được tung hô, với số điểm cao, số phiếu bình chọn của fan ngất ngưởng. Điều này càng dung dưỡng và tiếp tay cho thói quen “hát nhép, nhảy live” không bao giờ chấm dứt.