'Ca sĩ' Lệ Rơi: Lời khen và những sự bỡn cợt của xã hội ảo!

Ở cái thời mạng xã hội phát triển với vô vàn bạn ảo, lời khen ảo, tài năng ảo, thì dư luận đôi khi cũng gây dựng trên giá trị ảo.

Cộng đồng mạng thời gian gần đây bỗng rộ lên cơn sốt một anh chàng có cái tên nghe đã muốn rơi lệ - “Lệ Rơi”. Tự nhận mình là ca sĩ, chàng trai sinh năm 1987 người Hải Dương này đã cover (hát lại) hàng loạt các ca khúc đang được nhiều người ưa thích như “Em của ngày hôm qua”, “Anh không đòi quà”, “Nắng ấm xa dần”, và dù tự nhận là học tiếng Anh “rất ngu”, nhưng vì sự yêu quý của người hâm mộ nên Lệ Rơi còn hát lại của “Forever and one” đình đám của Helloween… 

Giọng hát không thể dở hơn, phát âm không phân biệt “n” “l”, bù lại phong thái tự tin, hệt như mình là người của công chúng khiến những ai nghe Lệ Rơi hát đều phải cười bò.

Lệ Rơi tên thật là Nguyễn Đức Hậu, nghe nói chàng trai này đã từng tốt nghiệp ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và văn bằng 2 Đại học Kinh tế Quốc dân, và công việc hiện tại là ở nhà làm kinh tế vườn- ao- chuồng.
 
Lại cũng nghe nói, anh chàng này biết thừa là mình hát dở, nhưng anh lại trót yêu ca hát nên cứ hát cho vui, chả tội gì. Chỉ hát cho vui, chưa đầy 1 tháng sản xuất đến… 150 MV, trên trang cá nhân FB của Lệ Rơi có đến cả trăm nghìn lượt like, hơn 86 nghìn lượt người nói về điều này… Chỉ một MV trên FB của anh chàng người Hải Dương cũng có đến hơn trăm nghìn lượt nghe. Đó là một con số “khủng khiếp” một “thách thức” đối với bất kỳ ca sĩ nổi tiếng nào trong nước.

Cơn sốt Lệ Rơi khiến cộng đồng mạng nhộn nhịp 

Tất nhiên, người nghe thì cũng “thập loại chúng sinh”. Có người cho là điên, có người không kìm chế nổi thì đưa ra những bình luận mang tính miệt thị. Ấy thế nhưng có người khen, có người đưa ý kiến bảo vệ, và lạ nữa có người đẩy những clip hát nhăng hát cuội này lên thành “hiện tượng” làng nhạc. Rồi từ đó cất công đi “giải mã hiện tượng” đó thì kể cũng…lạ.

Vậy thì việc Lệ Rơi ồn ào nổi tiếng trên mạng xã hội có gì bất thường không? Đương nhiên là bất thường rồi! Sự bất thường này không phải của Lệ Rơi mà là của đám đông công chúng. Khi cái đám đông ấy phát cuồng vì một thứ phi nghệ thuật điều này hiển thị đáp số rõ ràng về thị hiếu của công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
 
Một thứ lẽ ra rất vớ vẩn thì lại được háo hức tò mò tìm nghe, rồi hô hào cổ động. Một thứ lẽ ra chẳng đáng để ý thì lại dành rất nhiều thời gian để nghe, để bàn bạc, để “thổi” cho to và lạ hơn nữa còn để…chửi.
 
Ai cũng biết tài năng là hữu hạn. Đó còn là thứ không ai có thể bắt chước được. Và vì thế nó được tôn thờ. Còn “hiện tượng Lệ Rơi” có khi chỉ sang đến tuần sau thôi, một trò vui khác xuất hiện, một thứ na ná Lệ Rơi và đám đông công chúng tò mò kia lại hối hả share link, truyền tai nhau về những thứ mới nổi và quên bẵng đi tiếng hát ngọng nghịu kia.
 
Chỉ mong sao chàng thanh niên Nguyễn Đức Hậu vẫn cứ giữ quan điểm của mình là “hát cho vui” đến khi hết vui, hết đám đông tung hô thì trở về cuộc sống bình thường, bình thản như một trò chơi vừa chấm dứt.

Nói thế, mong thế là bởi, đã từng có rất nhiều người làm được một bài thơ, viết được một truyện ngắn, hoặc vẽ nhăng nhít được một bức tranh. Chẳng hay, chẳng đẹp, cũng chẳng dở, nhưng “số đen” thế nào lại được khen, được tung hô, được coi là “thần đồng” là “hiện tượng”, đen hơn nữa lại có người viết bài “đánh”. Thế là xong! Bao nhiêu năm đèn sách theo học trường nọ trường kia, bằng cấp giắt đầy người nhưng quyết chí rũ áo ra đi theo tiếng gọi của nghệ thuật, và rồi khi đầu bạc da mồi mới nhận ra, con đường đã qua là sai lầm. Và những lời khen kia chỉ là thuốc độc!
 
Ở cái thời mạng xã hội phát triển với vô vàn bạn ảo, lời khen ảo, tài năng ảo, thì dư luận đôi khi cũng gây dựng trên giá trị ảo.
 
Nếu Lệ Rơi biết được điểm dừng thì sẽ không có ngày phải rơi lệ vì đám đông tò mò hiếu kỳ và ác một cách vô tình.