Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: Văn hóa thấp và ứng xử kém

Đàm Vĩnh Hưng, từ lâu, là cái tên gắn liền với chiêu trò, thị phi...

LTS:

Chiều ngày 8/11, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến báo chí về việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn cho các nghệ sĩ, người mẫu. Theo đó, thẻ sẽ được cấp cho tất cả cá nhân là người Việt Nam, đang thường trú trong nước, có phẩm chất đạo đức tốt, không trong thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự và được cơ quan quản lý nhà nước về Nghệ thiệt biểu diễn (NTBD) xác nhận đủ điều kiện cấp thẻ, tham gia vào lĩnh vực NTBD (trừ các nghệ sĩ nhí) mà không cần hội đồng nghệ thuật thẩm định. Tuy nhiên, khâu hậu kiểm với công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt sẽ được làm rất chặt chẽ. Dự kiến từ nay tới cuối năm 2013, dự thảo đề án sẽ được đăng tải công khai trên website của Bộ VH-TT&DL để lấy ý kiến rộng rãi dư luận. Những quy định, chế tài cụ thể sẽ được làm rõ tại thông tư hướng dẫn đề án, dự kiến hoàn thành trong tháng 11 này.

Rất đồng tình với động thái tích cực này của nhà quản lý văn hóa, Ban Biên tập Báo Công Lý và Xã Hội xin khởi đăng loạt bài về “Sự hợm hĩnh của người nổi tiếng”, nhằm giúp các nhà quán lý có thêm điều kiện cân nhắc trước lúc cấp thẻ hành nghề cho những nghệ sĩ lắm tì vết, đi vào dư luận với toàn thị phi lẫn sân si.

--------------------------------------------------

Đàm Vĩnh Hưng, từ lâu, là cái tên gắn liền với chiêu trò, thị phi. Đa phần, sóng gió từ trong miệng mà ra, thị phi mắc phải đều do chính Đàm Vĩnh Hưng gây nên. Sau vụ scandal động trời “hôn môi nhà sư” hồi cuối năm vừa rồi, ngỡ Đàm Vĩnh Hưng đã rút kinh nghiệm, lui trong tránh đục mà giữ gìn danh vọng. Nhưng, có lẽ, cuộc sống thiếu scandal thì không phải là cuộc sống của Đàm Vĩnh Hưng.

Từ phát ngôn thiếu suy nghĩ…

Tháng 8 năm nay, trong một bài phỏng vấn khi được hỏi về thị trường nhạc Việt, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã có những chia sẻ hết sức thẳng, thật và có những nhận xét về nhiều giọng hát. Tất nhiên, sự thẳng, sự thật không phải bao giờ cũng được dễ dàng chấp nhận, đặc biệt khi cá nhân ấy lại là “người nổi tiếng”. Duy nhất trong số những giọng ca được nhạc sĩ nhận xét, Đàm Vĩnh Hưng lên tiếng phản pháo. Ai cũng biết, Đàm Vĩnh Hưng là “ông hoàng” nhạc Việt, ai cũng biết, Đàm Vĩnh Hưng làm mưa, làm gió trên các sân khấu ca nhạc, với các bầu sô (lời Đàm Vĩnh Hưng.) Nên nhận xét của vị nhạc sĩ già chẳng khác một thau nước lạnh tát thẳng vào mặt “ông hoàng”. Ngay sau đó, bổn cũ soạn lại, “ông hoàng” viết một bức tâm thư lê thê, với lời lẽ chả lấy làm hay ho gì, đại loại “ông hoàng” gọi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 – người mà “ông hoàng” vẫn ngọt ngào bố bố con con – là “kịch sĩ”, là “ngụy quân tử”. (Hình như, tâm thư đã và đang trở thành “mốt” và là đặc quyền để người của công chúng đáp trả, mắng mỏ, xúc phạm người khác?!)

Đàm Vĩnh Hưng gọi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là "ngụy quân tử"

Xét cho cùng, nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 với Đàm Vĩnh Hưng so với những ca sĩ khác có phần gay gắt hơn nên việc Đàm Vĩnh Hưng phản ứng là điều có thể cảm thông. Tuy nhiên, sự nóng nảy và hỗn xược của Đàm Vĩnh Hưng, với một người đi trước như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, khiến dư luận khó lòng chấp nhận. Việc ấy, chẳng khác nào con cái trong gia đình mắng chửi ông bà, cha mẹ hay những người lớn tuổi. Tôi không biết, Đàm Vĩnh Hưng có thực sự hiểu và ý thức được những gì anh đã nói không, hay chỉ cóp nhặt câu nói của người này, vô tình lượm được câu nói của người kia rồi nói cho sướng mồm, bất chấp nghĩ suy, bất cần tôn ti trật tự? Cá nhân tôi nghĩ, người ta có quyền tranh luận, phản ứng trước một nhận xét người ta cho là không phải, nhưng trên cơ sở tôn trọng nhau chứ không theo kiểu xúc phạm, mắng mỏ nhau. Và cho dù, trước sức ép quá lớn từ dư luận, Đàm Vĩnh Hưng đã chủ động sắp xếp một cuộc hẹn xin lỗi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, liệu có cứu vãn được hình ảnh vốn đã méo mó, xấu xí trong mắt khán giả không?

Đến hành động vô ý thức

Thói quen cố hữu, coi mình là nhất như bản tính khó bỏ đã ăn sâu vào con người này. Đi tới đâu, trong bất cứ sự kiện nào, từ đám tang cho đến lễ hội, Đàm Vĩnh Hưng cũng gây scandal và hốt “đá”. Đàm Vĩnh Hưng trách dư luận hà khắc quá với anh, báo mạng chầu rìa, xỉa xói anh. Thế nhưng, có bao giờ Đàm Vĩnh Hưng xem xét lại hành động của bản thân? Những scandal Đàm Vĩnh Hưng tự chuốc, sóng sau đè sóng trước, liên tiếp, dập dìu đến nỗi nhắc đến 3 chữ Đàm Vĩnh Hưng, người ta đã phải lắc đầu ngao ngán.

Nếu biện hộ việc Đàm Vĩnh Hưng gây xôn xao tại lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là định kiến khắt khe của dư luận đối với Đàm Vĩnh Hưng thì việc nam ca sĩ hóa thân thành “bác sĩ Cát Tường” trong lễ hội Halloween đã khiến người ta dù có muốn bênh vực nam ca sĩ cũng khó lòng. Điều đó, khiến suy nghĩ Đàm Vĩnh Hưng là một người nổi tiếng vô ý thức, có hành vi ứng xử kém cỏi, thiếu văn hóa càng được mặc định, nhất là khi người ta xâu chuỗi lại những việc vốn đã chẳng đẹp đẽ gì trước đó.

Đàm Vĩnh Hưng và hóa trang khiến dư luận dậy sóng

Trước phản ứng gay gắt của dư luận, thay vì đưa ra lời xin lỗi, Đàm Vĩnh Hưng làm loạn lên với giải thích vô cùng ngây ngô, khiến dư luận càng phẫn nộ. Và vì thế, Đàm Vĩnh Hưng càng bị coi kẻ “vô cảm”, “đục nước béo cò” trước nỗi đau của người khác để PR cho bản thân. Nói như một cá nhân, bảng tên “Cát Tường” gắn trên áo được thiết kế to và rõ, lẽ nào Đàm Vĩnh Hưng lại không nhìn thấy? Bên cạnh những lời lên án Đàm Vĩnh Hưng cũng có không ít ý kiến bênh vực nam ca sĩ, khi cho rằng đó là một trò đùa tố cáo sâu sắc. Cá nhân tôi nghĩ, không ai cấm người khác đùa, vấn đề ở đây là đùa như thế nào, bởi cách đùa, cho đám đông thấy được trình độ, nhận thức và ứng xử xã hội của cá nhân đó. Lấy nỗi đau của người khác ra giễu nhại, hẳn không phải là trò đùa của những người biết nghĩ suy.

Đáng nói hơn khi Cục NTBD ra quyết định nhắc nhở về việc hóa trang thành bác sĩ Cát Tường, Đàm Vĩnh Hưng đã tuyên bố một câu “xanh rờn”: “Phạt tiền hay cấm diễn không đau bằng nhắc nhở”. Phải chăng, những lần phạt tiền trước đó của Cục NTBD chẳng khác nào muối bỏ biển với Đàm Vĩnh Hưng, còn việc cấm diễn là điều mà Đàm Vĩnh Hưng tin là Cục NTBD không dám thực hiện? Hay đó là sự cười cợt vào hệ thống quy định vô cùng lỏng lẻo của Cục về văn hóa ứng xử của người nổi tiếng? Sự châm chước của quyết định chẳng khác nào “gãi ngứa”, khuyến khích cá nhân tiếp tục vi phạm đã dẫn đến việc cười cợt, nhờn mặt.

Lạm bàn

Có thể thấy, những lùm xùm Đàm Vĩnh Hưng vướng phải đều liên quan đến hành vi ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng và xã hội. Ông bà ta có câu: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Danh vọng, tiền tài, Đàm Vĩnh Hưng không thiếu. Chỉ là, tôi không thể nào lý giải được vì sao, đã khó nhọc vươn lên đỉnh cao của danh vọng, Đàm Vĩnh Hưng lại không biết trân quý và giữ gìn? Có khi nào, Đàm Vĩnh Hưng tự vấn, ở vị thế ấy, thay vì được người ta nhắc đến với một sự trọng vọng, nể nang, tại sao người ta lại chỉ toàn ném về phía anh những lời cay nghiệt? Là người của công chúng, trước khi phát ngôn hay làm việc gì cũng đều phải nghĩ suy cẩn trọng. Đàm Vĩnh Hưng đã qua rồi cái tuổi nông nổi để biện minh hành động, phản ứng, lời nói của mình là lời háo thắng, thiếu nghĩ suy. Tuổi trẻ, khi mắc lỗi dễ được cảm thông, người đứng tuổi, khi mắc lỗi, khó biện minh.

Lần thứ nhất mắc lỗi, có thể thông cảm vì hớ hênh. Lần thứ 2 mắc lỗi, có thể đổ lỗi tại truyền thông rình rập, showbiz thị phi. Nhưng, đến lần thứ 3, liệu còn có lý do nào để biện minh hay phải thẳng thắn thừa nhận cái phông văn hóa quá yếu kém của bản thân, chẳng biết đúng sai, không màn chừng mực. Theo trí nhớ của tôi, đây không phải là lần đầu tiên “quý ông” thị phi vướng phải ồn ào sau những lần vạ miệng hoặc chiêu trò gây sốc. Đây cũng không phải là lần đầu tiên, “quý ông” tỉ tê xin lỗi, giải thích, viết tâm thư rồi chán nản thốt lên: “Ai muốn nghĩ gì thì mặc.” Người ta đâu đủ sức tưởng tượng ra những việc mà một cá nhân nào đó không gây ra, nhất là với những cá nhân họ vẫn yêu quý. Việc nối tiếp thị phi này đến thị phi khác, dần dà, hình thành cho người ta những định kiến nhất định về cá nhân đó. Mà, như tôi đã từng nói, định kiến dễ hình thành nhưng vô cùng khó bỏ. Hệ quả thật khôn lường.

Tôi không có ý kỳ thị bất cứ cá nhân nào, bởi tôi nghĩ, mọi chuyện, đều có hai mặt của nó. Tôi cũng không có thói quen viết về những sự kiện nhảm trong làng giải trí Việt, vì tôi quan niệm, đã nhảm thì không cần và không nên nhắc tới. Tuy nhiên, trước phông nền văn hóa ngày càng mờ đục như vậy, liệu Đàm Vĩnh Hưng có đủ tiêu chí “phẩm chất đạo đức” để được cấp thẻ hành nghề?

Kỳ 2: Ca sĩ Ngọc Sơn: MỘT TÀI NĂNG KỆCH CỠM