BV Bệnh Nhiệt Đới TP HCM có 22 ca mắc Covid-19: Tiếng chuông cảnh báo cho tất cả nhân viên y tế và hệ thống bệnh viện
Chủ nhật, 13/06/2021 10:03

Theo chuyên gia, việc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM xuất hiện nhiều nhân viên mắc Covid-19 chứng tỏ đã có "lỗ hổng" để virus có cơ hội lây lan vào bệnh viện.

Phong tỏa bệnh viện là quyết định đúng đắn

Chiều ngày 12/6, Sở Y tế TP HCM đã tạm thời phong tỏa bệnh viện để tiến hành các biện pháp phòng chống dịch sau khi có trường hợp nhân viên trong bệnh viện dương tính với SARS-CoV-2. Theo đó bệnh viện sẽ lập danh sách toàn bộ các trường hợp hợp nghi nhiễm về Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP để chuyển thông tin tiến hành truy vết tại nơi cư trú. Tiến hành vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ bệnh viện.

Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) về vấn đề tạm thời phong tỏa Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, vị chuyên gia dịch tễ này khẳng định, việc tạm thời phong tỏa bệnh viện thời điểm này là rất cần thiết. Tính tới thời điểm ngày 13/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã phát hiện 22 nhân viên dương tính Covid-19, gồm: 7 nhân viên phòng Công nghệ thông tin, 15 bệnh nhân phòng Tổ chức Hành chính.

"TP HCM hiện nay đang tồn tại dịch bệnh trong cộng đồng và chưa thể kiểm soát được. Cho nên quyết định tạm thời phong tỏa bệnh viện là rất hợp lý để hạn chế ra vào bệnh viện, cắt dứt đường lây truyền.

Rất may mắn các trường hợp lây nhiễm virus xảy ra tại bệnh viện đều là các nhân viên phòng công nghệ thông tin và tổ chức hành chính. Trong thời gian phong tỏa bệnh viện nên xét nghiệm để xác định bác sĩ điều trị có xảy ra lây nhiễm hay không", PGS Huy Nga nói.

BV Bệnh Nhiệt Đới TP HCM có 22 ca mắc Covid-19: Tiếng chuông cảnh báo cho tất cả nhân viên y tế và hệ thống bệnh viện - Ảnh 2.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tạm thời bị phong toả.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I, việc tạm phong tỏa Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM là giải pháp hợp lý trong thời điểm này. Trong thời gian phong tỏa, bệnh viện có thể xét nghiệm lại toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân trong cơ sở điều trị, từ đó đánh giá mức độ và nguy cơ từ nguồn lây của các trường hợp này với bệnh viện và đưa ra được những giải pháp và cách xử lý phù hợp, kịp thời.

"Dù bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM có ca nhiễm Covid-19 nhưng người dân cũng không nên quá hoang mang lo lắng vì đây là bệnh viện chuyên về truyền nhiễm đã có nhiều kinh nghiệm trong những tình huống tương tự. Lúc này, việc cần làm là sàng lọc, truy vết trên camera, từ đó xác định mức độ nguy cơ của từng trường hợp và phân loại, cách ly họ tại khu vực riêng", bác sĩ Khanh nói.

Nguồn lây có thể từ bên ngoài xâm nhập vào bệnh viện

Theo PGS Huy Nga nguồn lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM rất có thể là do nguồn thâm nhập từ bên ngoài vào. Vì hiện nay, đa phần các trường hợp nhiễm virus không có bác sĩ điều trị. Từ bài học của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương, Bệnh viện K… đã bị phong tỏa trong đợt dịch này nên các bệnh viện vẫn đề cảnh giác không để lây nhiễm trong bệnh viện.

Đối với trường hợp của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM nếu là nguồn xâm nhập vì việc khống chế dịch bệnh sẽ dễ dàng hơn chỉ cần cách ly nhóm dương tính với SARS-CoV-2.

"Về phía Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cần phải rà soát lại vấn đề nhân viên y tế có tuân thủ đúng 5K hay chưa? Việc không tuân thủ đúng 5K khi ở ngoài cộng đồng (TP HCM đang có ca bệnh cộng đồng) sẽ là "lỗ hổng" khiến cho nhân viên y tế nhiễm virus và mang vào bệnh viện là điều có thể xảy ra", PGS Huy Nga nói.

BV Bệnh Nhiệt Đới TP HCM có 22 ca mắc Covid-19: Tiếng chuông cảnh báo cho tất cả nhân viên y tế và hệ thống bệnh viện - Ảnh 4.

Nguồn lây tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM rất có thể tử bên ngoài thâm nhập vào.

Trong công văn hỏa tốc 12/6, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng có nêu, trước tình hình có thêm nhiều nhân viên y tế mắc Covid-19 với nguồn lây từ bên ngoài vào bệnh viện, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn, yêu cầu nhân viên y tế tuân thủ quy định phòng chống dịch trong và sau giờ làm việc.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, dịch Covid-19 hiện diễn biến phức tạp, nhất là hiện nay trên địa bàn TP.HCM đã xuất hiện các chùm ca bệnh trong cộng đồng tại các quận, huyện.

Bên cạnh nguy cơ bị lây nhiễm từ người mắc bệnh Covid-19 đến khám bệnh tại các bệnh viện, nhân viên y tế còn có nguy cơ bị lây nhiễm từ môi trường bên ngoài bệnh viện, sau đó lây cho các nhân viên khác trong bệnh viện nếu không tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Nhằm hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện và nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài vào bệnh viện, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Giám đốc các bệnh viện quán triệt đến tất cả viên chức, người lao động trong bệnh viện phải nâng cao trách nhiệm và tinh thần tự giác phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, nhân viên y tế tuyệt đối tuân thủ các biện pháp 5K theo đúng quy định của Bộ Y tế, luôn đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc tại bệnh viện.

Sau giờ làm việc ở bệnh viện, nhân viên y tế chỉ nghỉ ngơi và làm việc tại nhà, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh.

Cùng với đó, không tụ tập bạn bè hoặc người thân (không ở cùng gia đình) sinh hoạt, ăn uống. Không đi đến những nơi đông người nếu không thực sự cần thiết...

Tiêm vắc xin cũng đừng chủ quan

Trong đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 đầu tiên vào tháng 3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM là cơ sở y tế đầu tiên ở khu vực phía Nam được ưu tiên cấp vắc xin của AstraZeneca để tiêm cho 900 nhân viên. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết hầu hết nhân viên bệnh viện đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

PGS Huy Nga cho biết, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhưng sau đó vẫn mắc Covid-19 là điều bình thường. Cho đến nay, không có một loại vắc xin nào có hiệu quả bảo vệ 100%. Đối với trường hợp 22 nhân viên làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM nếu đã được tiêm mắc Covid-19 sẽ nhẹ hơn.

Vị chuyên gia dịch tế cảnh báo: "Hiện nay, không ít người đã được tiêm vắc xin hoặc đã mắc Covid-19 xuất hiện tư tưởng chủ quan. Nhiều người cứ nghĩ tiêm vắc xin covid-19 rồi sẽ không mắc bệnh nên đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, không tuân thủ 5K thì nguy cơ mắc sẽ rất cao. Ngoài ra, tôi còn thấy người dân một số nơi khi thấy cơ quan chức năng phun hóa chất nhiều cứ nghĩ mầm bệnh đã hết nên không tuân thủ 5K như vậy là rất nguy hiểm".

BV Bệnh Nhiệt Đới TP HCM có 22 ca mắc Covid-19: Tiếng chuông cảnh báo cho tất cả nhân viên y tế và hệ thống bệnh viện - Ảnh 7.

Tiêm đủ 2 liều vắc xin vẫn có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nếu chủ quan.

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, tác dụng của vắc xin chưa thể phát huy ngay mà nó cần thời gian (mỗi loại vắc xin có quy định cụ thể) để có đủ lượng kháng thể chống lại virus.

Những người được tiêm vắc xin Covid-19 đủ mũi, đủ thời gian vẫn có thể bị mắc bệnh bình thường. Lợi ích lớn nhất của việc tiêm vắc xin là giúp người bệnh (nếu mắc) tránh được diễn tiến trở nặng và hạn chế được khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh.

Trước những diễn biến dịch bệnh đang phức tạp tại TP HCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý người dân cần phải nâng cao cảnh giác vì hiện nay ai cũng có thể trở thành F0. Người dân nếu không có việc cần thiết thì hạn chế di chuyển và tiếp xúc. Việc tuân thủ 5K sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với việc cắt đứt nguồn lây và khống chế dịch bệnh thành công của thành phố.

Đối với các bệnh viện, cần phải nâng cao cảnh giác hơn nữa để không rơi vào kịch bản phải phong tỏa khi phát hiện nhân viên trong bệnh viện dương tính với SARS-CoV-2.

Doanhnghieptiepthi.vn

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/bv-benh-nhiet-doi-tp-hcm-co-22-ca-mac-covid-19-tieng-chuong-canh-bao-c.. Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/bv-benh-nhiet-doi-tp-hcm-co-22-ca-mac-covid-19-tieng-chuong-canh-bao-cho-tat-ca-nhan-vien-y-te-va-he-thong-benh-vien-161211306092454431.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: BV Bệnh Nhiệt Đới TP HCM , Covid-19