Buôn bán trẻ ở chùa Bồ Đề: Sự thật đang dần hé lộ

Đất Phật rộng, nhân sanh tùy duyên nương nhờ cửa Phật, nhưng có những người đã lợi dụng cửa Phật làm nơi mua bán trẻ em, coi thường sinh mạng con người.

Một cuộc điện thoại không rõ ràng bắt phải đưa bé Cù Huy Công quay lại chùa, để rồi sau đó thì biệt vô tăm tích. Người cha nuôi nghi ngờ những dấu hiệu bất minh, đã đi tìm đứa con bé bỏng của mình.

Kết cục hành trình tìm kiếm ấy là một nghĩa trang: đứa bé đã chết. Tổng cộng thời gian bé đến với cuộc đời này chỉ hơn ba tháng, có cha ruột, có mẹ ruột, có nhà chùa nhận lời gửi gắm, có người đời tự nguyện làm cha mẹ nuôi, có rất nhiều người xung quanh bé, vậy mà khi tìm đến nơi đứa bé ấy đã chết.

Xót xa trước câu trả lời ráo hoảnh của người mẹ trẻ vô trách nhiệm, xót xa hơn nữa khi nhìn những đứa trẻ còn lại đang sống trong chùa mà không rõ mai này các cháu sẽ về đâu.

Đất Phật rộng, tâm Phật mênh mông, nhân sanh tùy duyên nương nhờ cửa Phật...

Việc nuôi trẻ ở chùa không lạ lẫm. Đất Phật rộng, tâm Phật mênh mông, nhân sanh tùy duyên nương nhờ cửa Phật, nhưng đắng lòng ở chỗ có những người đã lợi dụng cửa Phật làm nơi trục lợi cá nhân, mua bán trẻ em, coi thường sinh mạng con người.

Một báo cáo của công an P. Bồ Đề (Hà Nội) cho biết, đến ngày 6/5/2013, tổng số trẻ được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề là 200, đến ngày 10/5/2013 chỉ còn 192, nhà chùa không giải thích được lý do vắng mặt tám đứa trẻ. Trong chỉ năm ngày, những đứa trẻ có thể đi đâu?

Bao nhiêu đứa trẻ với những cái tên gần gần giống nhau như thế đã biến mất khỏi chùa trong mấy năm qua. Vậy nên, người Việt xưa nay vốn kính trọng người tu hành, giờ cũng đành đặt nhiều câu hỏi: nhà chùa liệu có vô can trong sự biến mất của những đứa trẻ? Liệu có vô can trong việc cháu bé ba tháng tuổi bị những người trông trẻ trong chùa mua đi bán lại và giờ đã chết?

Vụ mua bán trẻ em đã được khởi tố, những đối tượng liên quan đã bị bắt giữ, sự thật đang dần hé lộ. Trong khi đó, cánh cổng sắt của khu nuôi trẻ mồ côi trong chùa Bồ Đề  vẫn đóng chặt, những đứa trẻ được nuôi trong chùa đang bị quản thúc gắt gao hơn, ngăn cản sao cho không một thông tin nào lọt ra ngoài.

Cơ quan điều tra cho biết, họ sẽ họp bàn với các sở, ban, ngành liên quan để có giải pháp cụ thể, hợp lý. Nhưng, khi nào họp bàn, rồi sẽ chuyển các cháu bé đi đâu… vẫn là chuyện của thì tương lai.

Nhớ đến việc đứa bé trai xấu số ba tháng tuổi đã nằm yên dưới mộ, người đọc càng xót xa, nóng ruột trước sự mong manh của những sinh linh bé bỏng trong chùa. Còn chờ văn bản, quyết định ư? Có phải vì chờ mà bao nhiêu năm nay, những đứa trẻ sơ sinh đến rồi đi trong nhà nuôi trẻ của chùa nhưng cơ quan chức năng hầu như không hay biết? Đến khi chuyện xảy ra rồi, cũng chỉ đến mức kết luận “nhà chùa không có chức năng nuôi trẻ nhỏ”, và thôi!

Tất nhiên, càng vội vàng càng dễ sai, chuyện liên quan đến con người không phải là chuyện có thể giải quyết ào ào được. Tuy nhiên, điều khiến dư luận lo lắng, là những thông tin không mấy tích cực về việc giải quyết chuyện trong ngôi chùa đã bị dư luận nghi vấn gay gắt này.

Thực tế cuộc sống của các bé ở đó như thế nào, nhiều người đã từng đến tận nơi, đã lên tiếng. Nay thì cửa vào chùa đóng lại, người viện cớ giữ hạnh tu hành không muốn lên tiếng thanh minh, các cơ quan chức năng bảo sẽ còn phải họp bàn mới có câu trả lời cuối cùng. Vậy là im lặng vẫn bao trùm. Nhiều người đã đặt câu hỏi đây là sự im lặng hay sự vô cảm?

Với trẻ thơ, một ngày dài lắm. Nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ, yêu thương một đứa trẻ đòi hỏi rất nhiều công sức, huống hồ cửa chùa có đến hàng trăm trẻ. Đã mang tâm từ bi của Phật mà nhận những đứa trẻ ấy vào chùa, thiết nghĩ cũng nên mở tâm mà nhận những việc mình làm chưa đúng, để làm rõ ràng danh tính chính xác cụ thể, cho từng đứa trẻ khi lớn lên, hay khi rời chùa, ít ra cũng biết mình là ai chứ không đến nỗi vô danh trên đời. Chính quyền sở tại, các cơ quan chức năng, các hội, các ban ngành nhất thiết sẽ phải tham gia thôi.

Trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ những đứa trẻ này sẽ phải được phân định rõ ràng, nhưng là nơi đang nuôi trẻ, nhà chùa phải làm trước, phải làm ngay những việc mình có thể. Vẫn biết tiếng trong sạch ở đời khó giữ cho tròn, nhưng nào phải đã lỡ vấy bẩn là đành để bẩn. Những người phạm pháp sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng còn bao nhiêu nơi nuôi trẻ cơ nhỡ như thế nữa, chẳng phải cứ đổ tại một số cá nhân nào đó mà xong.

Các nhà báo không chĩa ống kính vô cảm vào những cuộc đời bất hạnh đang phải nương náu sân chùa. Họ muốn mọi người cùng nhìn vào đó và cùng giải quyết, vì trẻ thơ…