'Bóng hồng' dính vòng lao lý (P58): Người đàn bà buôn ma tuý hoàn lương trả nợ đời

Ra tù, chị quyết tâm trả nợ cho cuộc đời bằng việc cống hiến hết mình cho công tác xã hội của thôn xóm.

Đúng lúc gia đình chị rơi vào cơn bĩ cực, khốn khó nhất thì bạn bè rủ rê đi buôn ma tuý. Số tiền khổng lồ thu lợi từ món hàng chết chóc này khiến chị hoa mắt, nhanh chóng trở thành kẻ tiếp tay cho những "cái chết trắng". Khi bị bắt, bị giam cùng với những đứa trẻ đáng tuổi con tuổi cháu mình, ngày đêm chứng kiến cảnh vật vã với cơn nghiện, với nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần của những đứa nhỏ, người phụ nữ này mới ân hận vì những tội lỗi mình gây ra. Ra tù, chị quyết tâm trả nợ cho cuộc đời bằng việc cống hiến hết mình cho công tác xã hội của thôn xóm, đặc biệt là tuyên truyền mọi người tránh xa “cái chết trắng” và những lầm lỡ ngày nào của mình...

Quá khứ đen tối

Vào năm 1998, thôn Ngọc Quỳnh (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) là một trong những "điểm nóng" nhất về ma túy của tỉnh Hưng Yên. Tệ nạn buôn bán ma túy tại thôn khi ấy vô cùng nhức nhối, có thể nói rằng ma túy được bán nhiều như rau ngoài chợ. Bởi lẽ lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán “cái chết trắng” cùng với việc thiếu hiểu biết về pháp luật, về tác hại của ma tuý khiến nhiều người lao vào như con thiêu thân. Và người phụ nữ tôi đã nhắc đến ở trên, chị Tô Thị Kim Loan - một người dân ở thôn Ngọc Quỳnh khi ấy cũng không thoát khỏi sự cám dỗ của đồng tiền.

Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị không được học hành đến nơi đến chốn. Năm 20 tuổi, chị sớm kết hôn cùng anh Ngô Văn Toan, người cùng thôn, nhưng vì hai vợ chồng không có công ăn việc làm nên cuộc sống càng trở nên eo hẹp, nhất là khi hai đứa con lần lượt chào đời. Không bằng lòng với số phận lo từng bữa, chị nghĩ ra đủ mọi cách làm ăn với hy vọng một ngày nào đó kinh tế gia đình sẽ khá giả.

Vay tiền của người thân, hai vợ chồng mở một xưởng làm bóng bì ngay tại nhà. Đúng lúc đang làm ăn phát đạt, hàng xuất đi mọi nơi làm không kịp thì tai họa ập đến. Trận mưa lụt lịch sử năm 1998 đã làm hỏng toàn bộ số bóng bì mà vợ chồng chị sản xuất được. Bao nhiêu vốn liếng tích cóp, vay mượn bỗng chốc tan theo dòng nước lũ. Dù xoay xở mọi cách, chị vẫn không thể nào trả hết nợ. Đúng lúc gia đình chị rơi vào cơn khủng hoảng, khó khăn nhất thì cũng là lúc "cơn bão"  ma tuý kéo về hoành hành khắp miền quê nghèo Ngọc Quỳnh.

Thấy nhiều gia đình giàu lên nhanh chóng vì buôn bán ma tuý, lại nghe theo lời rủ rê của bạn bè, chị Loan đánh liều lấy hàng về bán lẻ tại nhà cho các con nghiện. Chị bảo: "Thời ấy, mình có hiểu biết gì về pháp luật đâu, cũng chẳng có báo chí, truyền hình tuyên truyền về tác hại của ma tuý như bây giờ, thấy người ta buôn bán công khai thì cứ nghĩ là bình thường. Với lại lúc ấy do hoàn cảnh xô đẩy, nợ nần chồng chất, buôn bán ma tuý nhỏ lẻ lãi gấp hàng chục lần, vì hám tiền mà tôi đã tự đánh mất chính mình". Quả thật, chỉ trong một thời gian ngắn, kinh tế gia đình chị khá lên trông thấy. Tiền thu lợi ngày càng nhiều khiến chị càng dấn sâu vào vòng xoáy tội lỗi.

Năm 2000, chị đã bị Công an tỉnh Hưng Yên bắt và bị toà phạt 7 năm tù giam về tội "Buôn bán và tàng trữ trái phép chất ma tuý". Có lẽ khi gặp ngoài đời, nhìn khuôn mặt hiền lành và nụ cười thân thiện của chị Loan, không ai nghĩ người đàn bà ấy đã từng có tiền án. Trong câu chuyện về một thời lầm lỡ của mình, thi thoảng chúng tôi lại thấy đôi mắt chị đỏ hoe khi nhắc đến những nạn nhân của ma túy. Không biết trong số những bạn tù bị cơn nghiện hành hạ mà chị nhìn thấy, liệu có ai là người bị chị gián tiếp bán thuốc cho hay không. Và rồi những tháng ngày cải tạo tại Trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang) cũng chính là lúc chị Loan cảm thấy ân hận vô cùng, thứ cảm giác mà chị chưa từng có. Sau nhiều đêm thao thức, chị cũng quyết tâm đứng lên làm lại từ đầu để mong có ngày được "trả nợ" khi hết thời gian thụ án.

Chị Loan rưng rưng nước mắt nói: "Trước đây, lúc bán ma tuý tôi đâu biết tác hại của nó, cũng chẳng bao giờ được nhìn thấy người lên cơn nghiện hay phát bệnh HIV vì ma tuý. Họ đến mua rồi đi, mình chỉ nghĩ đơn giản như mua một món hàng bình thường. Chỉ đến khi ở trong trại, được chứng kiến những đứa trẻ chỉ mới 16, 17 tuổi vật vã lên cơn nghiện khi thiếu thuốc, thân hình lở loét, kiệt quệ vì ma tuý, tôi mới thực sự hiểu ra cái chất mà mình buôn bán nguy hiểm đến mức độ nào. Chúng nó chỉ đáng tuổi con mình, cháu mình, vậy mà đã đánh mất cuộc đời, đánh mất tương lai chỉ vì ma tuý. Nhìn cảnh ấy,  tôi đã khóc rất nhiều. Tôi tự hỏi mình rằng, nếu đó là hai đứa con của tôi thì tôi sẽ đau đớn đến thế nào. Thật may lúc ấy, hai đứa con của tôi còn quá nhỏ, nên chúng không bị ảnh hưởng gì từ công việc sai trái của tôi, nếu không tôi sẽ ân hận suốt cuộc đời".

Nỗ lực trả nợ đời

Nghĩ đến hai đứa con còn thơ dại phải nhờ ông bà nội chăm sóc, chị cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về đoàn tụ với các con. Nhờ nhận thức đúng đắn và có thái độ lao động, cải tạo tốt, chị Loan được ân xá và ra tù trước thời hạn 2 năm. Nhưng khi trở về, cảnh tượng đầu tiên khiến chị đau đớn bàng hoàng là căn nhà tan hoang, không còn một thứ gì đáng giá, chồng chị khi biết tin chị bị bắt đã mang hai con về cho ông bà nội để tìm thú vui bên người đàn bà khác. Lúc chị bị bắt giam, đứa con gái lớn mới 8 tuổi, đứa con trai mới tròn 3 tuổi, nhưng khi trở về, niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất với chị là hai đứa con vẫn nhận ra mẹ và theo mẹ về nhà để làm lại từ đầu.

Dãy nhà trọ cho thuê là nguồn thu duy nhất của gia đình chị Loan.

Không như nhiều phạm nhân sau khi cải tạo trở về thường rất tự ti, mặc cảm về bản thân, chị Loan hoà nhập cộng đồng rất nhanh. Năm ấy, nạn ma tuý vẫn còn âm ỉ trong thôn Ngọc Quỳnh, nhiều người vẫn dụ dỗ chị theo con đường cũ, thậm chí có người còn tặng không ma tuý cho chị bán lẻ, nhưng chị từ chối tất cả. Chị tâm sự: "Ông trời công bằng lắm, không cho ai hết cũng không lấy hết của ai. Ngày ấy chỉ vì tôi hám lợi, mà gia đình tôi tan nát, chồng bỏ theo người khác. Đời tôi đã lầm lỡ một lần, không thể lầm lỡ lần thứ hai, nhất là lúc ấy, tôi đã hiểu tác hại lớn từ ma tuý, nên tôi kiên quyết từ chối". Chính chị còn là người đi tuyên truyền về tác hại của ma tuý cho những người vẫn đang buôn bán ma tuý và đang nghiện ngập trong thôn. Câu chuyện về cuộc đời chị là bằng chứng sống rõ nhất trong những lần đi tuyên truyền ở thôn xóm.

Từ giữa năm 2005, chị Loan hàng ngày đều đi đến từng gia đình để tuyên truyền về tác hại của ma túy và khuyên họ nên tránh xa. Với những con nghiện, chị cố gắng tiếp cận và tranh thủ mọi lúc để khuyên can, cũng như phân tích những hậu quả chết người mà chị từng chứng kiến trong những tháng ngày còn ở trại giam Bắc Lý họ từ bỏ con đường nghiện ngập sai trái. Với những người bán ma túy, chị tìm đến trò chuyện tâm tình và kể về nỗi thống khổ trong những tháng ngày phải vào trại giam, bị mất tự do, phải xa gia đình để họ hiểu mà dừng bước. Bằng tình cảm chân thành và bằng câu chuyện thật về cuộc đời mình chị dần giúp họ dứt dần khỏi cám dỗ của "cái chết trắng". 

Càng hoạt động chị càng thấy lòng mình thanh thản và phần nào tội lỗi của chị được vơi bớt. Sau nhiều năm nhiệt tình đi tuyên truyền về tác hại của ma túy, chị Loan được mọi người yêu mến gắn biệt danh "bà tuyên truyền thôn". Thấy người ta gọi mình như vậy, chị cảm thấy vui, sự say mê càng có thêm cơ hội được phát huy khi chị xin vào làm cán bộ Hội Phụ nữ thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.  Với bài học từ chính sự vấp ngã của cuộc đời mình, chị Loan đã khuyên can thành công một số đối tượng nghiện.

Từ đó, nhận thức của bà con địa phương về chị cũng được "cải tiến" trông thấy. Cảm phục tấm lòng và nghị lực của chị Loan, không ít người nghiện ma túy đã tìm đến tận nhà để nhờ giúp đỡ. Được biết, suốt khoảng thời gian từ năm 2005 cho tới nay, chị Loan đã giúp đỡ rất nhiều trường hợp cai nghiện thành công và quay trở lại con đường làm ăn chân chính. Cũng nhờ vậy mà tình trạng tái nghiện và mắc nghiện trên địa bàn thị trấn Như Quỳnh đã giảm đi trông thấy.

Với những cống hiến nhiệt tình đó, năm 2010, chị Loan được Ban chấp hành Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Lâm tặng giấy khen, đạt danh hiệu "cán bộ hội cơ sở giỏi". Ngày nay, chị vẫn nhiệt tình, hăng hái với mọi công việc của thôn xóm mà không nề hà bất cứ khó khăn nào. Chị bảo: "Tôi nhiệt tình tham gia công việc của thôn xóm, không phải để lấy danh, để xoá đi lỗi lầm của mình, mà tôi làm là vì tôi. Chỉ có công việc chung mới giúp tôi tìm lại chính mình, tìm lại giá trị mà tôi đã đánh mất những năm tháng ở tù".

Những người từng vào tù ra tội rất dễ tái phạm tội lỗi, nhất là những kẻ bị bắt vì buôn bán ma tuý. Khi nguồn lợi nhuận thu được từ ma tuý là khổng lồ, chúng sẵn sàng đánh đổi tất cả, kể cả nhân phẩm để tiếp tay cho "cái chết trắng". Nhiều người không giữ được mình, khi vừa ra tù lại tiếp tục ngựa quen đường cũ, nhưng trường hợp như chị Tô Thị Kim Loan quả thật không nhiều, đúng như lời Trưởng ban Công an thị trấn Như Quỳnh đã nói: "1.000 trường hợp ra tù thì chỉ một vài trường hợp cải tạo tốt thực sự như trường hợp chị Loan". Hi vọng rằng sẽ có nhiều người như chị khi mãn hạn tù lại trở về địa phương và sống thực sự có ích cho cộng đồng.

“Bóng hồng” dính vòng lao lý là tuyến bài dài kỳ chuyên viết về những "chân dài" lầm lỡ và con đường hoàn lương. Mỗi kỳ là một nhân vật thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội họ là những người có nhan sắc nhưng sa chân phạm tội. Mời độc giả đón đọc trên Xahoi.com.vn vào 10h30 sáng thứ 2 hàng tuần.