Tưởng rằng cuộc đời Thảo rồi cũng sẽ u buồn như trăm, ngàn thiếu nữ vùng cao, thế nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, chị đã quyết tâm vượt lên số phận. Để giờ đây, khi mới vừa tròn 38 tuổi, Thảo vinh dự là người phụ nữ đầu tiên của dân tộc Cờ Lao ở Hoàng Su Phì tốt nghiệp đại học và đã từng là Đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Giang.
Tuổi thơ khốn khó...
Trên chuyến công tác về một số huyện biên giới của tỉnh Hà Giang, tôi đã có dịp gặp Vương Thị Thảo (SN 1976, ở Túng Sán, Hoàng Su Phì, Hà Giang), người con ưu tú của dân tộc Cờ Lao. Ở Thảo toát lên sự cuốn hút với người đối diện, gần gũi và ấm áp. Dù học rộng, biết nhiều, dù đã từng “đem sắc thổ cẩm” làm sáng rỡ nghị trường Quốc hội nhưng Thảo vẫn giữ nhiều thói quen sinh hoạt của người vùng cao: Ở nhà trình tường, ăn cơm mèn mén, mặc váy hoa. Nhìn chị, cứ như thể bông hoa trạng nguyên đỏ rực. Răng trắng trong, nụ cười sáng lóa, Thảo nói rất sôi nổi về những ấp ủ, dự định cho tương lai, nhưng mỗi khi chạm vào quá khứ, khuôn mặt chị lại váng vất buồn…
Nhà Thảo nghèo, tất cả sinh nhai của gần chục con người chỉ trông vào mấy mảnh nương khô khát. Năm nào mưa thuận gió hòa thì cũng chỉ đủ ăn vài ba tháng, còn lại là dựa cả vào rừng. Cuộc sống là chuỗi những mưu sinh, miếng cơm manh áo ghì sát đất nên chuyện được đi học đối với mấy anh em Thảo là chuyện quá xa vời. Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã biết theo mẹ trồng ngô, trỉa lúa trên những sườn núi thấp thểnh đá tai mèo. Niềm vui duy nhất của quãng ngày thơ bé của Thảo là những lần được mẹ cho đi chợ huyện. Hai mẹ con thường phải trở dậy từ gà gáy, lụi cụi xếp tất cả những sản vật lên những chiếc gùi trên lưng rồi cứ thế dũi lút vào sương, vào bóng đêm mà đi. Váy áo bốc hơi sương, khô rồi lại ướt, cư vài lần như thế lại đến chợ. Hôm nào bán đắt hàng, mẹ mua cho Thảo vài cái kẹo, sang lắm thì được đôi dép hoặc dăm ba cái kẹp tóc màu xanh đỏ. Phải mãi đến năm 16 tuổi, Thảo mới lần đầu biết đến chiếc gương soi. Đấy là mẹ mua để Thảo mang về nhà chồng…
Chồng Thảo, 12 tuổi, sinh sau vợ gần bốn năm. Bố mẹ bảo lấy thì lấy thôi, chứ thực ra Thảo với người ấy cũng chưa từng yêu đương, hò hẹn. Nhà người ấy ở cuối bản, trong chuồng có đôi trâu cày, trên núi thả dăm bảy con dê. Thấy Thảo mới 16 tuổi mà đã biết vén khéo việc nhà, họ nhờ bà mối đánh tiếng, nếu Thảo chịu qua đó làm dâu, người ta sẽ dắt một con trâu qua nhà Thảo buộc. Nghĩ từ giờ bố mẹ mình sẽ không phải “kéo cày” mỗi khi mùa đến, Thảo tặc lưỡi, thôi thì nước chảy bèo trôi, phận gái lấy chồng, trong nhờ đục chịu.
Lúc mới cưới, chồng Thảo chỉ cao hơn con dao quắm đi rừng của bố, thế cho nên mọi việc trong nhà đều đổ dồn lên vai Thảo. Từ việc nhà, việc nương cho đến ủ mấy nồi rượu để những người đàn ông trong gia đình chồng tiếp khách, Thảo đều phải chu toàn. Như hàng trăm, hàng ngàn người phụ nữ người vùng cao khác, Thảo suốt ngày còng cúi trên nương. Ngày nào cũng vậy, trời chưa sáng rõ, Thảo đã cõng gùi lặng lẽ ngược lên đỉnh núi, đến khi chị từ trên nương trở về thì bóng tối đã phủ đầy. Lớn lên chút, chồng Thảo theo chúng bạn chơi bời rồi bập vào ma túy khiến tương lai của đôi vợ chồng trẻ càng thêm u ám.
Cuộc đời Thảo cứ lặng lẽ chảy trôi, bí bách, tù túng và không lối thoát. Tưởng rằng số phận người đàn bà bé nhỏ ấy rồi sẽ bị trùm phủ bởi đói nghèo và lạc hậu. Thế nhưng, Thảo đã biết vượt lên số phận, vượt lên định kiến từ ngàn đời của người dân tộc, rằng, phụ nữ chỉ cần biết sinh con, làm nương và nấu rượu. Chị nung nấu quyết tâm xóa bỏ cái “lời nguyền” quái ác ấy, bởi nó đã đóng đinh lên bao thân phận người phụ nữ vùng cao.
Đối với đồng bào các dân tộc Hoàng Su Phì, Thảo (bên phải) như người thân trong gia đình họ
“Núm ruột hồng vượt lên đá, nở hoa”
Nghĩ rằng, chỉ có tri thức mới mở ra cuộc đời tươi sáng nên 20 tuổi, Thảo bắt đầu cắp sách vào lớp 1. Phải kiên trì vận động suốt nhiều ngày, nhiều tháng, gia đình chồng mới đồng ý cho chị xuống huyện theo học hệ bổ túc văn hóa. Ngoài thời gian đi học, chị làm thuê đủ thứ nghề để lấy tiền sinh hoạt. Nhờ thông minh, ham học, cứ hai năm Thảo lên 3 lớp. Chỉ mất 8 năm, chị đã hoàn thành chương trình PTTH.
Vốn là người có giọng hát hay lại năng nổ, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Đoàn, của Hội nên Thảo ngày càng được thầy cô, bạn bè yêu mến. Và, thành quả của những tháng ngày hăng say học tập, miệt mài với các công tác xã hội ấy là vào năm 2001, Thảo vinh dự được bầu là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI của tỉnh Hà Giang. Khi ấy, Thảo đang là học sinh lớp 9. Bước ngoặt đó đã hướng cuộc đời chị sang một ngã rẽ khác, tươi sáng hơn.
Nhớ lại những ngày tháng tươi đẹp ấy, Thảo vẫn không giấu được xúc động. Chị bảo, suốt nhiều ngày, nhiều đêm liền chị không tài nào chợp mắt. Hạnh phúc đến quá bất ngờ, nó khiến chị sống trong cảm giác châng lâng, chộn rộn. Sau đó, khi bình tâm lại, Thảo mới ý thức rõ được trọng trách mà mình đang mang. Bởi đối với chị, khi đã là ĐBQH thì điều cốt yếu là phải làm sao truyền tải được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào địa phương mình đến nghị trường Quốc hội và đưa được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước xuống với bà con, đấy mới là điều quan trọng.
Vương Thị Thảo , người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”
Những ngày đầu chân ướt, chân ráo xuống Thủ đô, cái gì đối với Thảo cũng đầy lạ lẫm và mới mẻ. Nhà chồng nhà, người xe như mắc cửi. Mỗi lần ra đường, Thảo toàn phải bám vào các anh, các chú trong đoàn. Thế rồi, riết cũng quen. Nghị trường Quốc hội cũng quen, quen với cái bóng dáng thân thuộc của một nữ đại biểu luôn váy áo rực rỡ trong sắc màu thổ cẩm đến từ Hà Giang, quen cả với cái giọng nói sôi nổi của nữ đại biểu ấy khi nói về tâm nguyện của đồng bào nơi biên ải.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Thảo hoàn thành xong chương trình PTTH. Sau đó, chị theo học tiếp lên bậc đại học tại Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội. Đi về như con thoi giữa Hà Nội - Hà Giang, công việc lại ngập đầu, nhiều lúc Thảo cũng cảm thấy mệt mỏi. Thế nhưng, khi nghĩ đến những ước mơ, hoài bão của mình còn dang dở, chị lại cố gắng đứng dậy và đi tiếp.
Việc công đã vậy, việc riêng cũng khiến Thảo phải trăn trở nhiều điều. Người chồng của chị mỗi ngày một sa sút, chị có cố gắng cũng không thể giúp anh lay tỉnh. Phải khó khăn lắm Thảo mới đưa ra quyết định ly hôn. Trước đó, chị đã dồn số tiền tích cóp để mua trả cho nhà chồng con trâu và toàn bộ đồ sính lễ khi cưới hỏi. Chị bảo, giữa chị và chồng, dù hôn nhân có cạn thì chí ít cũng phải cố gắng không mắc nợ gì nhau, nhất là về vật chất. Bởi như thế, nó mới giúp chị thanh thản phần nào…
Năm 2004, Thảo được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND xã Túng Sán. Số phận đưa đẩy để rồi cuối năm 2005, chị gặp anh Dương, người trở thành chồng của chị sau này. Lúc bấy giờ, anh Dương “một nách hai con”, cũng đã từng trải qua một cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Hai hoàn cảnh, hai tâm hồn đồng điệu, chị và anh nguyện nắm tay nhau đi hết phần đời còn lại. Mấy năm sau, chị sinh liền hai đứa con. Tuy cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả nhưng trong căn nhà nhỏ của Thảo luôn đầy ắp tiếng cười. Và, đó cũng là nơi mà chị luôn mong ngóng trở về sau mỗi ngày làm việc.
Hiện nay, Vương Thị Thảo đang công tác tại Trung tâm Văn hóa huyện Hoàng Su Phì. Là một người có uy tín đối với đồng bào các dân tộc nơi đây, lại thông thạo nhiều thứ tiếng như Dao, Nùng, Tày, Mông, Quan Hỏa… nên chị dễ dàng gần gũi, gắn bó với bà con. Cứ mỗi phiên chợ cuối tuần, chị lại cùng đồng nghiệp của mình tranh thủ xuống chợ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân. Dần dà, dưới mỗi nếp nhà thô mộc ở mảnh đất Hoàng Su Phì, cái tên gọi “cán bộ Thảo” ngày càng trở nên thân thuộc đối với đồng bào, họ xem chị như người thân, ruột thịt.