Bóng đá Việt Nam: Giấc mơ mang tên chuyên nghiệp

Ngày mai (14/4/2012), V-League 2012 sẽ bước vào giai đoạn lượt về nhưng cho tới thời điểm hiện tại, bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi của VPF nghe nói vẫn chưa được các cấp quản l‎ý thông qua.

Bên cạnh đó, còn có thông tin cho biết ít nhất là cho tới hết mùa giải năm nay, VFF sẽ chưa chuyển giao quyền sở hữu bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp VN cho VPF.

Đặt thông tin này bên cạnh tuyên bố mới nhất của bầu Kiên về việc sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc chiến bản quyền truyền hình VN sau một thời gian im ắng khá dài bỗng thấy bật lên một sự tương phản cực lớn. Không hiểu bầu Kiên dành bao nhiêu tâm huyết cho vấn đề bản quyền truyền hình như vậy để làm gì, khi mà các con số thống kê đều chỉ rõ rằng tổng số khán giả tới sân ở lượt đi V-League 2012 là thấp nhất trong vòng 5 mùa bóng trở lại đây, còn các sự cố liên quan đến công tác trọng tài nhất của nửa mùa giải 2012 bằng tổng số sự cố trọng tài của cả lượt đi 2 mùa giải gần nhất (2011 & 2010) cộng lại.

Bóng đá VN vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề.

Điều này cho thấy công tác điều hành của V-League 2012 đang có vấn đề thực sự, và nhiệm vụ cấp thiết nhất với VPF lúc này là làm sao kéo khán giả tới sân trở lại, làm sao giảm thiểu những sai sót của trọng tài, đừng để xảy ra tình trạng hết đội bóng này tới CLB khác gửi đơn kêu cứu lên BTC giải vì cho rằng đang bị trọng tài xử ép một cách có hệ thống như trường hợp của SHB.ĐN (V-League) hay Hà Nội (hạng Nhất), chứ không phải tiếp tục lao vào cuộc chiến tranh chấp một thứ mà đến giờ VPF vẫn chưa được VFF chính thức bàn giao quyền sở hữu.

Nếu nhìn nhận một cách công bằng và khách quan thì tính tới thời điểm hiện tại VPF đã làm được gì cho bóng đá VN? Cải thiện trong công tác tổ chức? Gần như chưa có gì tiến triển, bằng chứng là những tiếng còi méo tràn lan của trọng tài, thái độ ứng xử bất chấp luật lệ của cầu thủ và HLV trên sân… Cải thiện chất lượng chuyên môn của giải đấu? Điều này là có nhưng không gắn với vai trò của VPF, bởi đấy là sự phát triển có logic của giải VĐQG, của nền bóng đá chứ không liên quan tới sự ra đời của VPF.

Mong muốn thực sự của người hâm mộ là sự chuyên nghiệp thực thụ từ trên xuống dưới ở V-League, từ ông bầu cho tới các cầu thủ, chứ không phải hình ảnh một người đứng đầu cả bộ máy điều hành giải đấu (VPF) cũng như đội bóng (CLB BĐ Hà Nội) như bầu Kiên lại phải xuống tận sân để “xin” cho một CĐV CLB BĐ Hà Nội bất ngờ nhảy xuống sân Ninh Bình trong trận V.Ninh Bình-CLB BĐ Hà Nội và bị lực lượng an ninh bắt giữ lập tức.

Đặt trường hợp nếu V.Ninh Bình gặp CLB BĐ Hà Nội ở sân Hàng Đẫy, và một CĐV Ninh Bình cũng vác cờ nhảy xuống sân và bị bắt giữ như thế thì liệu bầu Kiên có “xin” hộ không? Có lẽ chỉ bầu Kiên mới trả lời được câu hỏi ấy, nhưng người hâm mộ đang kỳ vọng ông bầu tóc bạc này sẽ làm được những việc lớn hơn, thiết thực hơn cho bóng đá VN, chẳng hạn như cải thiện chất lượng điều hành giải đấu, trong sạch hoá công tác trọng tài… chứ không phải những sự vụ nhỏ lẻ như câu chuyện vừa xảy ra ở sân Ninh Bình.