Đội tuyển quốc gia và một phần nào đó là đội Olympic luôn là bộ mặt của một Liên đoàn bóng đá. Nói cách khác, VFF là cha thì đội tuyển Việt Nam và U23 là những người con ruột, trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín của Liên đoàn. Vậy nhưng từ khi lên nhậm chức, vị tân Chủ tịch dường như nói rất ít về những người con ruột.
Trong khi đó U19 với lực lượng nòng cốt là lò đào tạo HAGL- Arsenal JMG của bầu Đức được xem như một đứa con nuôi. Nói thế vì toàn bộ sự hình thành, phát triển của U19 trong thời gian qua có rất ít, nếu như không muốn nói là vai trò của VFF như “người ngoài”. Vậy nhưng VFF có vẻ như lại cưng đứa con nuôi này hơn cả đứa con ruột, hỏi sao người ta không đặt câu hỏi.
Liệu U19 VN đã đủ sức đá SEA Games?
Vì sao ông Chủ tịch lại nói nhiều về chuyện U19, quan tâm sát sao U19, có lẽ mỗi người sẽ tự có câu trả lời. Nhưng việc có ý định cử U19 dự SEA Games và thậm chí là World Cup 2018 khiến cho người hâm mộ băn khoăn.
Phải chăng toàn bộ vận mệnh của bóng đá Việt Nam được đặt cả vào U19? Phải chăng những đội bóng khác, những lứa đội tuyển khác chỉ là... “phụ họa cho vui”, không đáng được chúng ta quan tâm ủng hộ?
Nhiều người đã ví von HLV trưởng Miura của Việt Nam như là... Đông Ky Sốt, vị hiệp sĩ trong truyện Tây Ban Nha, đến Việt Nam. Nói thế vì ông làm việc trong quá nhiều khó khăn, mập mờ, thậm chí là bất lợi... Không biết ông và các tuyển thủ U23 có tủi thân không khi suốt quá trình chuẩn bị cho ASIAD, báo đài rất ít đưa tin vì họ mải mê dõi theo U19.
Ông Miura đang thành công ngoài sự mong đợi khi Việt Nam thắng liền 2 trận và bất ngờ vượt qua vòng bảng bóng đá nam ASIAD 17 một cách thần kỳ. Nhưng điều thần kỳ không xuất hiện thường xuyên, để thành công bạn cần một nền tảng vững vàng.
U23 VN và ĐTQG vẫn là bộ mặt của một nền bóng đá
Điều đó cần đến một đội hình đa dạng rải đều các lứa U, một giải vô địch quốc gia mạnh, giàu sức cạnh tranh và một môi trường lành mạnh để các cầu thủ tập trung vào chuyên môn. Tất cả những điều đó phải do VFF đứng ra chủ trì công việc, lập định hướng phát triển lâu dài. Nhưng ngoài những phát ngôn về U19, dường như ông tân Chủ tịch chưa có động thái nào mới về vai trò “chiến lược” này, sau những dấu ấn mà “con sốt U19” mang lại.
Không biết liệu những người trong cuộc có chạnh lòng cảm thấy mình đã quá bỏ bê đứa con ruột thịt mà suốt ngày chăm lo cho... con của người ta?. Liệu thành công ngoài dự kiến có khiến các quan bóng đá tỉnh ngộ mà quay về chăm lo cho mái nhà của mình.
“Mái nhà dột thì lợp nhà”, cần thì “đào móng xây lại”, cứ thế thì mới có... cơ hội để theo đuổi giấc mơ đá World Cup. Nếu suốt ngày nhìn theo "con người ta" mà không chăm lo, đầu tư cho “con mình” thì người ta dễ hoài nghi: họ có thể làm được gì?