Tốt, cuộc sống chỉ bi kịch khi người ta không tìm thấy một thực tại để bám víu, một tương lai để hy vọng. Nhưng từ một tương lai hy vọng đến một tương lai được hiện thực hoá lại là một khoảng cách, và dường như cái khoảng cách ấy vẫn là một thách thức vĩ đại đối với nền bóng đá đương đại này.
Nếu xét ở góc độ tầm cỡ thì rõ ràng Vòng chung kết U.16 của thế hệ Văn Quyến ngày xưa tầm cỡ hơn hẳn giải vô địch Đông Nam Á của thế hệ U.19 hiện nay. Trong khi ĐT U.19 hiện nay chỉ quanh quẩn chiến thắng những đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar thì Đội tuyển U.16 của 13 năm trước từng oanh liệt thắng cả Trung Quốc, và khiến cho những đối thủ như Nhật Bản, Iran có nhiều phen… mướt mồ hôi. Hồi ấy thế hệ U.16 với nòng cốt Sông Lam ấn tượng đến nỗi các quan chức VFF đã tính đến chuyện giữ nguyên lại cả một bộ khung để đào tạo dài hạn.
Mặc dù kế hoạch vỡ vào phút chót nhưng người ta vẫn tin chắc chắn rằng những cầu thủ này rồi sẽ trở thành những ngôi sao sáng của một nền bóng đá. Thực tế thì có những cầu thủ đã chìm, thậm chí là chìm nghỉm (Lâm Tấn, Như Thuật…), có cầu thủ loé sáng nửa vời (Ánh Cường), nhưng cũng có người sáng chói, sáng tới mức lộng lẫy trang hoàng, mà Văn Quyến là cái tên điển hình.
Nhưng kết cục của Văn Quyến ra sao, những gì mà Văn Quyến đóng góp và những gì mà cậu ta phá hoại trong màu cờ sắc áo Quốc gia là điều mà khỏi cần nói lại. Và như thế, thế hệ U.16 đầy hy vọng ấy, những con người được kỳ vọng là sẽ nâng cấp cả một nền bóng đá ấy rốt cuộc người hỏng chuyên môn, người hỏng tư cách.
So với lứa U.16 khi ấy thì lứa U.19 với nòng cốt Hoàng Anh Gia Lai bây giờ có những sự khác biệt căn bản, mà căn bản nhất chính là… sự trung thực về tuổi tác. Bây giờ ai cũng tin U.19 này là U.19 thật, chứ không phải là những cầu thủ 20, 21 tuổi nhưng đã được làm lại giấy tờ để khoác áo U.19, thậm chí là U.17 hay U.16.
Đừng tưởng đây là chuyện nhỏ, bởi với những Đội tuyển U, dẫu là một đội bóng địa phương hay một đội bóng cấp quốc gia thì sự trung thực hay không trung thực về năm sinh, độ tuổi ảnh hưởng tối quan trọng tới quá trình hình thành nhân cách của các em sau này.
Các cầu thủ U.19 Việt Nam đã xác lập những hình ảnh tuyệt đẹp, nhưng nói như bầu Đức thì “đừng đưa tụi nhỏ lên mây”…
Hãy thử tưởng tượng, một ông thầy đồng loã với việc phù phép một chàng trai 18 tuổi thành một đứa bé U.16 thì sau này lớn lên, đứa bé ấy phản bội lại thầy, ký vào lá đơn đòi sa thải thầy cũng là một điều hoàn toàn logic. Và khi cái “logic dối trá”, cái logic về cho và nhận, về trồng và gặt cứ lặp đi lặp lại thì cả một nền bóng đá sao tránh khỏi tình trạng hỗn quân hỗn quan? Ngoài vấn đề tuổi tác, cũng có một sự khác biệt quan trọng giữa lứa U.16 ngày xưa với lứa U.19 hiện nay, đó là sự khác biệt về công nghệ đào tạo.
Nếu những Văn Quyến, Ánh Cường… là sản phẩm điển hình của công nghệ đào tạo trẻ Sông Lam – cái công nghệ mà ở đó các tuyển trạch viên không ngại lùng sục tới các huyện xa xôi trong tỉnh để tìm nhân tài, và suốt quá trình đào tạo chỉ chú trọng đến phần “tài” thay vì phần “nhân” thì lứa U.19 bây giờ lại là sản phẩm điển hình của công nghệ đào tạo Hoàng Anh Gia Lai JMG.
Ai cũng biết, công nghệ ấy được thực hiện với sự hợp tác giữa ông bầu Đoàn Nguyên Đức với CLB lừng danh Arsenal, và với công nghệ theo chuẩn châu Âu ấy, các cầu thủ nhí vừa được dạy đá bóng, vừa được dạy văn hoá, vừa được uốn nắn trở thành cầu thủ giỏi, vừa được bồi đắp trở thành một nhân cách tốt.
Nhưng dẫu có 2 sự khác biệt căn cơ, bản lề ấy thì giữa hai lứa trẻ tài năng vẫn có những điểm chung, và đấy là những cái chung cực kỳ đáng sợ. Đầu tiên là điểm chung về sự non nớt của tuổi trẻ, cái tuổi mà con người ta rất dễ ảo tưởng vào một chút thành công ban đầu, và từ một chút thành công ấy nghiễm nhiên nghĩ rằng mình xứng đáng được gọi là “sao”.
Chẳng phải ngày Văn Quyến mới nổi cho đến cái ngày Quyến thành danh rồi phạm tội ở đội tuyển U.23 Quốc gia, rất nhiều ông thầy và rất nhiều tờ báo gần gũi Quyến vẫn có thói quen tâng bốc, tô hồng Quyến đó sao? Và chẳng phải chính sự tâng bốc, tô hồng đó đã sớm khiến Quyến không còn là Quyến – cái thằng Quyến ít nói thời chưa nổi tiếng, cái thằng Quyến trong trẻo thời chăn trâu như trong ký ức của người mẹ thân sinh ra Quyến đó sao?
Có lẽ thấu hiểu điều này hơn ai hết nên khi một số phương tiện truyền thông bắt đầu có biểu hiện “bốc thơm” đội tuyển U.19 hiện nay thì ngay lập tức bầu Đức đã đăng đàn cho biết: “Đừng đưa các em, các cháu lên mây”.
Ông Đức nói đúng, không thể đưa tụi nhỏ lên mây. Nhưng vấn đề là từ giờ trở đi, khi một vài cái tên của đội tuyển U.19 (xin không kể ra những cái tên cụ thể) đã bắt đầu được quan tâm chú ý, khi chỉ một chấn thương nhỏ, một va chạm nhỏ của những cầu thủ này đã lập tức được dư luận xầm xì mổ xẻ thì lời khuyên của ông Đức liệu có được thực hiện một cách xác đáng hay không?
Dĩ nhiên, trong quá trình giáo dục đào tạo một cầu thủ, công nghệ đào tạo Hoàng Anh Gia Lai JMG đã dạy các cầu thủ cách ứng xử với dư luận, với truyền thông, báo chí sao cho phải đạo. Nhưng dù gì chăng nữa thì U.16, U.19 hay kể cả U.21, U.23 vẫn luôn là những tập hợp cá thể mong manh, not nớt trước biến thiên cuộc đời. Thế nên sự tác động của ngoại cảnh, sự khen chê và mức độ khen chê của truyền thông dư luận sẽ tác động không nhỏ tới sự thành – bại của các em.
Hơn 6 năm về trước, khi bắt tay hợp tác với Arsenal để xây dựng một trong những học viện bóng đá chuyên nghiệp, tiên tiến nhất ở khu vực Đông Nam Á, bầu Đức đã nghĩ tới chuyện đưa các cầu thủ ra châu Âu thi đấu. Và trong cam kết giữa Hoàng Anh Gia Lai với Arsenal thì cầu thủ số 1 của mỗi khoá sẽ thuộc toàn quyền sử dụng của Arsenal.
Điều đó có nghĩa, khả năng xuất ngoại, khả năng được chơi bóng ở một môi trường chuyên nghiệp hơn, tối ưu hơn so với môi trường bóng đá Việt Nam của lứa U.19 bây giờ là có thật. Nhưng có lẽ cái sự thực ấy cũng chỉ xảy ra với một số lượng các cầu thủ nhỏ bé (nhỏ bé tới mức có thể đếm trên đầu ngón tay) mà thôi. Phần còn lại, vẫn sẽ thi đấu ở V.League, ở giải hạng Nhất Quốc gia.
Và cứ hình dung tới cái cảnh những con người được đào tạo theo công nghệ châu Âu giờ phải sống chung với những màn trò V.League, những cầu thủ được giáo dục phải “tôn thờ bóng đá đẹp” giờ sống chung với những giải đấu mà các cầu thủ đối phương chỉ nhăm nhe “chém” mình thì những cầu thủ đầy hứa hẹn liệu có bị biến thái, và cái công nghệ đào tạo ra họ liệu có bị phản tác dụng hay không?
Đã đành các cầu thủ ấy là con của bầu Đức, đã đành ngay cả khi họ khoác áo đội tuyển U.19 Quốc gia, có nghĩa vụ bảo vệ màu cờ sắc áo Quốc gia thì xét cho cùng, họ vẫn là chủ lực quân của bầu Đức, nhưng nếu chỉ có một mình bầu Đức thì chắc chắn những đứa con ấy cũng không thể phát triển một cách tử tế như người ta mong đợi.
Bởi một mình bầu Đức cũng không thể thay đổi cả một môi trường. Một mình bầu Đức cũng không thể tiêm vào cái khí quyển bóng đá này một dòng máu mới, một tinh thần mới, một sức sống mới, trong trường hợp ông thực tâm muốn làm điều đó. Thế nên nhìn những đứa con bầu Đức đang chơi tưng bừng trong màu áo đội tuyển U.19 Quốc gia, bên cạnh niềm vui tất yếu, người ta không thể không canh cánh với một câu hỏi: những đứa con xuất sắc ấy rồi sẽ trưởng thành, sẽ vào đời, sẽ hoà nhập ra sao?
Trong đời thường, chúng ta vẫn nghe một câu đại loại: “Nếu có bản lĩnh, bạn có thể hoà nhập chứ không hoà tan”. Nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu chỉ có bản lĩnh và đơn thuần chỉ có như thế, chứ không có sự hỗ trợ của cả một guồng máy, một môi trường thì con người ta chưa kịp hoà nhập rồi cũng sẽ hoà tan (thậm chí là phải cố học cách hoà tan) để khắc khoải sinh tồn.