Hơn 1 tháng còn lại tập huấn, Ban huấn luyện đội tuyển chờ đợi gì ở 4 tay vợt được chọn dự vòng loại?
Đã được thử lửa
Thất bại ở vòng loại Đông Nam Á đầu tháng 2 và kết quả ở giải vô địch châu Á tại Macau (cuối tháng 2) ít nhiều cũng là thuốc thử để các tay vợt Việt Nam nhận thấy rõ thực lực. Ở các giải đấu ấy, với riêng nhóm nam, thắng trận cũng có nhưng trên hết 2 tay vợt Đinh Quang Linh và Trần Tuấn Quỳnh đều được thi đấu với các đối thủ sừng sỏ. Tuấn Quỳnh không thành công ở giải châu Á nhưng tại đây, anh cũng đã thọ giáo Xu Xin (Trung Quốc, số 4 TG) nội dung đơn nam. Thua 1-4, đó là kết quả không đáng thất vọng vì tay vợt Việt Nam cũng đã có được 1 ván thắng trước đối thủ tên tuổi.
Tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang phải tập một mình ở Nhổn vì đồng đội Việt Linh đã xin về đơn vị tập riêng. Ảnh: Nhật Anh
Trong lúc đó, Đinh Quang Linh cũng chạm trán Zhan Jian (Singapore, hạng 31 TG) ở vòng loại Olympic. Gác vợt 0-4, nhưng Quang Linh cũng tích lũy được đôi chút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, lần lượt cả Quỳnh lẫn Linh cùng được thử sức với các đối thủ Iran, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Macau, Hongkong ở giải vô địch châu Á 2012. Rõ ràng, các tay vợt nam đã hiểu lối đánh đa dạng của đối thủ và biết được những ai sẽ góp mặt ở vòng loại Olympic châu Á tổ chức tại Hongkong trong tháng 4 tới.
Lúc này, chỉ hơi tiếc cho các tay vợt nữ khi cả Việt Linh lẫn Mỹ Trang đều muốn được cọ xát cùng “quân xanh” quốc tế. Tuy nhiên trong hoàn cảnh luôn được lý giải là “khó khăn về kinh phí” từ Bộ môn và Liên đoàn, họ chỉ được dự 1 giải duy nhất là vòng loại Đông Nam Á. Thử hỏi, với riêng nữ, chỉ có tập chay ở Việt Nam suốt 2 tháng thì làm sao các tay vợt có thể nâng được chiến thuật lẫn kỹ thuật trước những giải đấu lớn?
Tập ở nhà và hy vọng?
Chắc tới 99%, bóng bàn Việt Nam sẽ không dự giải vô địch thế giới tại Đức vào tháng 4. Trưởng bộ môn Nguyễn Đức Long xác nhận: “Bộ môn phải tính toán cân đối về kinh phí nên giải ở Đức mà cử cả 2 đội nam, nữ cùng tham dự sẽ không đủ tiền”.
Như vậy là rõ, giải vô địch châu Á ở Macau mà đội nam được thi đấu cũng là cuộc cọ xát quốc tế cuối cùng trước khi dự vòng loại Olympic khu vực châu Á. Câu hỏi đặt ra là, liệu trong hơn 1 tháng còn lại chỉ tập và tập tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội thì 4 tay vợt nam, nữ có nâng chất được chuyên môn? Sẽ căng đấy!
Và đấy là lý do khiến không khí tập luyện của các tay vợt được chọn không sung mãn như kỳ vọng. SGGP Thể Thao đã “mục sở thị” không khí ấy tại nhà tập của đội tuyển bóng bàn ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội hôm 29-2.
Trong số 2 tay vợt nữ được tập trung cao độ cho vòng loại Olympic, chỉ còn Mai Hoàng Mỹ Trang ở lại Nhổn. Trong khi đó, Nguyễn Thị Việt Linh đã xin trở về tập luyện cùng đội Bộ Công an tại Trường Đại học TDTT Từ Sơn.
Như vậy là đủ hiểu, tính tập trung mà Ban huấn luyện nêu lên là chưa có. Hiếm đội tuyển nào trên thế giới khi tụ về 1 mối chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng như tìm vé dự Olympic mà VĐV xé lẻ như ở Việt Nam.
Chưa kể, bóng bàn cũng nằm trong nhóm môn thể thao được lãnh đạo Tổng cục TDTT xác định sẽ lấy vé dự Olympic, nhưng các tuyển thủ vẫn chưa được trang bị dụng cụ tập luyện (trang phục, mặt vợt, bóng...)