Rượt đuổi, vàng thế giới cách trong nước gần 7 triệu
Lúc 10h sáng nay giá vàng miếng SJC được Công ty VBĐQ SJC báo giá tại Hà Nội ở mức 40,85 – 41,12 triệu đồng/lượng.
Nhưng tới 14h sau khi có thông tin từ phiên đấu thầu vàng từ NHNN, mức giá vàng SJC đã nhích lên chút ít, dừng ở 40,95 – 41,25 triệu đồng/lượng. So với cuối giờ chiều qua giá vàng SJC đã giảm 250.000-300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, nhưng lại giảm tới gần cả triệu đồng/lượng ở chiều mua vào. Diễn biến này khiến nhiều người đang giữ vàng như "ngồi trên đống lửa".
Phiên đấu thầu thứ 9 cũng được NHNN tổ chức sáng nay với 40.000 lượng được chào bán. Thấp hơn gần 100.000 đồng/lượng so với mức giá sàn của ngày 17/4, nhưng mức giá sàn 40,65 triệu đồng/lượng NHNN đưa ra trong phiên đấu thầu hôm nay được đánh giá là không mấy hấp dẫn. Thêm nữa, theo thông báo của cơ quan quản lý, trúng thầu tại phiên này DN buộc phải vào TP.HCM nhận hàng thay vì nhận tại 2 đầu như trước kia. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến các tổ chức tham gia sáng nay không mấy hào hứng khi đặt bút ghi phiếu.
"Mai đã là ngày nghỉ lễ, giá sàn đưa ra lại quá sát thị trường, tính ra DN chẳng có lãi. Việc nhận hàng cũng mất thời gian hơn khi DN phải lặn lội vào tận TP.HCM nhận, nên sáng nay chúng tôi không bỏ thầu" – một doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn tại Hà Nội tham gia phiên sáng nay tiết lộ.
Cũng quyết định không bỏ thầu, đại diện Công ty VBĐQ Phú Quý cho hay, hôm qua DN đã mua một số lượng khá lớn, nên hôm nay quyết định không mua tiếp do muốn theo dõi thêm diễn biến từ giá thế giới đang biến động khó lường.
Lạc quan hơn, một đầu mối kinh doanh phía Nam lại quyết định "gom" luôn chứ không chờ đợi thêm. Bà cho biết, do đã "hụt" từ các phiên trước nên tới phiên này DN phải mua vào để tránh lỗ thêm.
Tuy nhiều DN tham gia chần chừ khi đặt bút ghi phiếu dự thầu, vẫn có 39.800 lượng vàng được các tổ chức "rinh" về trong sáng nay. Giá trúng thầu thấp nhất và cao nhất lần lượt là 40,73 - 40,85 triệu đồng. Đơn vị mua nhiều nhất và ít nhất là 8.000 lượng và 900 lượng.
Giá vàng quốc tế giảm mạnh trở lại, cộng thêm tâm lý thận trọng khi chưa có kết quả của phiên đấu thầu vàng sáng nay khiến giới kinh doanh vàng kéo giãn khoảng cách giữa giá mua và bán vàng lên thành 900.000 đồng/lượng.
Đây cũng là tác nhân khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hôm nay lập mốc mới. Lúc 14h theo giờ Hà Nội, giá vàng trên trang Easy-forex ở mức 1.373 USD/ounce, tính theo quy đổi khoảng cách giữa vàng thế giới và trong nước đã lập mốc mới - lên đến 6,6 triệu đồng/lượng.
"Lướt nhanh" may ra còn kịp lãi!
Cảnh tượng người dân xếp hàng chờ tới lượt mua/bán vẫn diễn ra trong phiên giao dịch sáng nay. Trong dòng người đứng chờ sáng nay nhiều người đã "ôm" vàng tới bán để thu tiền về.
Có mặt tại đại lý lớn của SJC Hà Nội, chị Ngọc Mai (Đống Đa – Hà Nội) cho biết, chị đem 6 cây vàng vừa mua 3 hôm trước đi bán. "Lãi mỏng một chút còn hơn biết đâu sau lễ giá lại xuống thì lúc đó lại lỗ"- chị nói và nhẩm tính, với 6 lượng vàng mua ở thời điểm giá 39,8 triệu đồng/lượng, tính ra chị Mai đã có lời 6,3 triệu đồng/lượng. Lãi ít nhưng chị Mai tỏ ra hài lòng vì chỉ trong 3 ngày số tiền "lướt sóng" từ vàng bằng cả tháng lương của chị.
Cũng trong cảnh đi bán, nhưng với bác Hoàn là mong "bán cho thật nhanh vì lỗ quá rồi". "Cầm tiền bán nhà vài tháng trước vợ chồng tôi mua15 lượng vàng tôi mua từ hồi giá 48,9 triệu đồng/lượng, nay giảm còn có ngấp nghé 41 triệu. Phải bán nhanh không thì lỗ quá" – bác Hoàn chán nản. Giá vàng giảm chóng mặt trong vài ngày qua khiến bác không thể yên tâm giữ vàng thêm nữa. Với cán bộ về hưu như bác Hoàn, lỗ hơn 120 triệu đồng chỉ trong vài tháng là một con số đáng kể.
Việc giá vàng trồi sụt trong vài ngày qua khiến nhiều người lâm vào tình cảnh "phát khóc vì vàng" như diễn biến cách đây hơn một năm lúc vàng rơi vào cơn "loạn giá".
Giải thích về hiện tượng "người dân rồng rắn mua vàng", chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù 9 phiên đấu thầu liên tiếp được NHNN tổ chức với lực cung ra thị trường gần 10 tấn vàng, nhưng hầu hết số vàng trúng thầu "rơi" vào tay các NHTM, nguồn cung ra thị trường vẫn eo hẹp. Khi giá vàng giảm, theo tâm lý người dân sẽ đi mua vào, nhu cầu vàng đẩy lên cao trong khi cung không đổi, giá đương nhiên sẽ đẩy lên.
"Khi nào cung – cầu trong nước gặp được nhau thì chừng đó giá vàng mới ổn định" – ông Hiếu nói.
Trong lúc giá vàng đang trồi sụt lên xuống, nếu muốn đầu tư kiếm lời thì đây cũng là cơ hội, nhưng TS. Hiếu lưu ý nhà đầu tư, người dân phải tỉnh táo nếu muốn kiếm lãi, khôn ngoan nhất là chia lẻ "không để trứng vào một rọ" và "lướt nhanh" nếu thấy giá lên.