Các bệnh viện đông người, tự do ra vào từ lâu là “đất lành” của những kẻ gian xảo, gây bức xúc hoang mang cho nhiều người. Khi các ngành chức năng vẫn đang đau đầu với vấn nạn này, những kẻ chuyên nghiệp đã đẻ ra thêm nhiều “kỹ nghệ” lừa đảo khác, gian xảo đến mức không ai có thể ngờ tới.
Nhan nhản trộm cắp, cướp giật
“Vào bệnh viện chữa bệnh mà còn không yên. Lúc nào cũng lo bị trộm cắp, lừa đảo nên khó mà tĩnh dưỡng được” - anh Ngô Hồng Thanh, một bệnh nhân nằm ở khoa Chấn thương sọ não tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy nói. Biết trước sự phức tạp nên gia đình anh đã phân công rất cẩn thận: Một người túc trực cạnh người bệnh, một người khác giữ tiền bạc, tư trang thuê phòng bên ngoài, chỉ mang tiền vào lúc cần thiết. Dù cẩn thận vậy nhưng anh vẫn bị kẻ gian khoắng mất chiếc điện thoại xịn chỉ trong nháy mắt. Cũng tại khoa này, một phụ nữ vừa bị móc túi mất 8 triệu đồng trong khi chờ làm thủ tục phẫu thuật cho con. “Ngày nào cũng xảy ra mất cắp. Riết rồi không dám tin vào ai” - anh Thanh ngán ngẩm.
Bảo vệ BV cho biết từng gặp phải hai “nữ quái” Lê Thị Mỹ Dung (sinh năm 1987) và Lê Thị Kiều Trang (sinh năm 1994), ngụ tại Gò Công - Tiền Giang. Dung dắt theo Trang và một đứa bé giả bộ đi khám bệnh, Trang trong vai người bệnh che chắn cho Trang móc túi tại khu vực phòng khám. Bị bắt quả tang Trang chạy vào nhà vệ sinh rồi quay ra la toáng lên, viện cớ mình ốm đau còn bị bảo vệ ăn hiếp. Sau khi nhờ mấy nữ nhân viên khám người không tìm thấy tiền, vào cả nhà vệ sinh lục soát cũng không có, bảo vệ bàn giao cho công an thì phát Trang nhét hơn 2 triệu đồng vừa trộm được vào...chỗ kín.
Ở hầu hết các BV, chiêu thức của kẻ gian là đánh thuốc mê con mồi. Ngày 17/5, chị H.T.K.T. được gia đình đưa đến BV huyện Bình Chánh để sinh con. Trong lúc đang ngồi một mình ở phòng đợi, có người đàn bà đến bắt chuyện rồi mời uống nước. Khi “tỉnh” lại chị T. thấy mình trong tình trạng mệt lả, toàn bộ bông tai, dây chuyền, nhẫn cưới và 3 triệu đồng mang theo bị lột sạch. Trước đó, ngày 6/5, chị V.T.P., sinh năm 1970, ở Bình Phước đi cùng mẹ chồng đến BV Từ Dũ TP HCM. Một người đàn bà khoảng 60 tuổi đến làm quen và nói những chuyện làm từ thiện. Lát sau bà mời hai mẹ con uống nước. Uống xong cả hai đều mê man. Các bác sĩ phải thực hiện cấp cứu cho nạn nhân. Sau khi được truyền mấy chai nước biển, hai mẹ con mới tỉnh lại và… than trời vì tiền bạc, đồ dùng mất sạch. Tại BV Hùng Vương cũng từng ghi nhận bốn trường hợp bị kẻ gian đánh thuốc mê để cướp tài sản. Nhiều trường hợp kẻ gian bỏ thuốc mê quá nhiều khiến nạn nhân nguy kịch đến mức phải cấp cứu nếu không thì đã mất mạng.
Băng đóng kịch xin đểu trong bệnh viện vừa bị triệt phá
Những “kịch sĩ” chuyên nghiệp
Một chiêu thức khác tinh vi và bài bản hơn nhiều là kẻ gian tổ chức thành nhóm, giả bệnh nhân để lừa xin “đểu”. Hầu hết các nhóm này đều nhẵn mặt đối với bảo vệ, vì cũng với một chiêu trò chúng xoay tua kiếm ăn ở nhiều BV, nơi này động hoặc bị lộ thì chuyển đi nơi khác. Bảo vệ BV Chợ Rẫy âm thầm theo dõi mất một thời gian dài mới phá được chiêu lừa tinh vi của một nhóm 3 đối tượng chuyên đóng kịch xin tiền. Một đối tượng nữ giả đau ốm, đi khám bệnh cùng chồng, vờ bị kẻ gian móc túi, không có tiền mua vé xe về quê. Đối tượng nam còn lại ăn mặc sang trọng, đeo dây chuyền vàng ra vẻ thương cảm, móc 200 nghìn đồng ra cho và hô hào mọi người trợ giúp. Bọn chúng đã lợi dụng lòng trắc ẩn của người dân, lừa gần 3 triệu đồng. Cao tay hơn là trường hợp của Nguyễn Văn Hùng. Hùng nhiều lần vào bệnh viện xin tiền “đểu”, mỗi lần đều dẫn theo một phụ nữ nói là vợ hoặc bà con. Tên Hùng đưa vết thương ngụy tạo trên người ra để tranh thủ lòng thương của mọi người. Lần cuối cùng bị bắt giữ Hùng lừa được từ những nạn nhân nhẹ dạ số tiền 1,7 triệu đồng. Tương tự, một cặp vợ chồng giả bệnh nhân xin tiền tại BV Ung Bướu, ông chồng làm như bị ung thư xâm lấn, bụng quấn tấm gạc lớn tẩm màu đỏ choét, nhăn nhó, còn bà vợ khóc lóc ầm ĩ. Kịch bản đơn giản đã lừa được tiền từ rất nhiều người.
Ngày 22/5, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC 45), Công an TP.HCM cũng đã triệt phá một nhóm 5 người diễn kịch xin tiền chuyên nghiệp
gồm: Nguyễn Đình Duy (51 tuổi, ngụ Q.6), Nguyễn Công Cường (34 tuổi, ngụ Đồng Tháp), Lê Thị Ngọc Thúy (58 tuổi, ngụ Vĩnh Long), Huỳnh Thị Hạnh (32 tuổi, ngụ Long An) và Đặng Thị Ngọc Kiều (25 tuổi, ngụ Long An). Bọn chúng tập trung tại trước BV Chấn thương - Chỉnh hình để dựng lên “vở kịch” vào BV giả bị bệnh xin tiền người hảo tâm. Sau đó, ngồi trước khoa mổ ở lầu 2, Thúy giả làm người bị xuất huyết bao tử ôm bụng rên rỉ đau đớn. Kiều đóng vai con của Thúy ôm mẹ khóc nức nở vì không có tiền mổ cho mẹ đang phải chờ chết. Duy, Cường giả người chăm sóc bệnh nhân vô tình đi ngang qua, thấy tình cảnh đáng thương nên ủng hộ tiền cho Thúy chữa trị để “mồi” người khác, còn Hạnh có nhiệm vụ cảnh giới bảo vệ BV. Sau đó, Duy, Cường đi vận động mọi người xung quanh cho tiền giúp đỡ Thúy chữa bệnh. Gom được 1,2 triệu đồng, cả nhóm ra quán cà phê trước BV chia nhau thì bị trinh sát ập đến bắt giữ.
Sau khi nhóm “kịch sĩ” này sa lưới, bảo vệ tại các bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình (Q.5), Bình Dân, Chợ Rẫy lập tức nhận ra “người quen” vì chúng đã nhiều lần kiếm ăn ở các bệnh viện này và rất gian xảo nên luôn thoát được các vụ vây bắt của bảo vệ. Trước đó, tại BV Bình Dân, nhóm đã dàn cảnh giả bị bệnh lừa nhiều người hảo tâm được 2,3 triệu đồng.
Khi lưu manh giả danh... bác sĩ
Gần đây, các BV rộ lên tình trạng bác sĩ, y tá rởm hoành hành. Bảo vệ BV Nguyễn Tri Phương cho biết hầu như tháng nào cũng bắt được vài vụ kẻ gian đóng giá bác sĩ lừa tiền gia đình người bệnh. Tại BV Chợ rẫy, đội bảo vệ từng bắt được đối tượng tên là Phạm Cao Cường, sinh năm 1983, ngụ tại Thái Bình. Cường tới khoa Cấp cứu và lầu 8 B1 của Bệnh viện Chợ Rẫy, mặc áo blu lừa lấy số tiền 1,5 triệu đồng của chị Cao Thị Mai. Theo lời kể của người bị hại, chị thấy một thanh niên mặc áo bác sĩ có logo của Bệnh viện Chợ Rẫy, đeo kính, ngồi ngoài hành lang lầu 8 B1. Tưởng là bác sĩ của khoa nên chị đến hỏi thăm tình trạng sức khỏe của người nhà. Cường tự xưng là Thạc sĩ - bác sĩ Trần Minh, gợi ý nếu bệnh nhân muốn được mổ nhanh phải đưa phong bì. Hắn hứa sẽ lo lót, chỉ trong 3 ngày bệnh nhân sẽ xuất viện.Tưởng thật, chị Mai ghi tên bệnh nhân lên tờ giấy trắng, gói vào đó số tiền 1,5 triệu đồng, đưa cho tên bác sĩ giả mạo. Sau khi bị bắt, Cường còn khai với bảo vệ, một ngày trước, hắn cũng giả làm bác sĩ và lừa được 500 nghìn đồng từ một thân nhân người bệnh tại khoa Cấp cứu của bệnh viện.
Trước đây, BV cũng từng ghi nhận rất nhiều đối tượng mặc áo blu, ngồi sẵn trước cửa phòng siêu âm. Khi loa gọi tên bệnh nhân chuẩn bị vào siêu âm, các bác sĩ rởm này giả bộ ra tìm người có tên nói trên để kiểm tra lại hồ sơ. Sau khi bệnh nhân đưa giấy siêu âm, biên lai đóng tiền, kẻ gian đã đi lên phòng thu tiền đòi lại tiền siêu âm. Đến nay, BV buộc phải ra quy định muốn được hoàn tiền siêu âm phải có chứng minh nhân dân và giấy khám bệnh, nạn “ăn cướp” tiền siêu âm mới thuyên giảm.
Bảng cảnh báo được dán nhan nhản ở hầu hết các bệnh viện nhưng vẫn có nhiều người bị lừa
Gần đây, BV Chợ Rẫy lại xuất hiện thêm một chiêu thức lừa đảo mới: Kẻ gian đóng vai bác sĩ túc trực ở các phòng mổ, lừa người nhà bệnh nhân đóng tiền mua máu. Để tạo lòng tin, ngoài việc mang đồng phục, đeo ống nghe giống bác sĩ, kẻ gian còn ngụy tạo mồ hôi nhễ nhại, đi đứng gấp gáp như vừa ra từ phòng mổ. Chị Huỳnh Ngọc Thảo, ngụ Đồng Tháp mếu máo kể: Sau khi đưa chồng vào phòng mổ, chị ngồi ở sân chờ thì một bác sĩ đến với vẻ hớt hãi kêu chị lập tức đi mua máu vì ngân hàng máu của bệnh viện đã hết, phải nhanh chân mới kịp cứu bệnh nhân. Vị bác sĩ nhiệt huyết dẫn chị đến BV Phạm Ngọc Thạch rồi nói hết máu và tiếp tục đưa đến BV Hùng Vương. Tại đây, bác sĩ kêu chị đóng 24 triệu đồng để mua máu. Sau 10 phút, vị bác sĩ trẻ đưa ra 3 biên lai có đóng dấu đã thu tiền và dặn chị yên tâm, máu đã được chuyển đến phòng phẫu thuật.
Sau chị Thảo ít lâu, đến lượt anh Nguyễn Quang Trường cũng được chính vị bác sĩ này dẫn đi mua máu để phẫu thuật cho cha. Xác định đối tượng khả nghi, lực lượng bảo vệ BV đã cử người mặc thường phục chầu chực ở phòng phẫu thuật. Sau nhiều ngày theo dõi, bảo vệ đã bắt được tên bác sĩ rởm tên Nguyễn Văn Phương bàn giao cho công an. Ngoài đồng phục bác sĩ, đồ nghề y khoa mua ở đường Thành Thái, Phương còn có cả con dấu khắc chữa “đã thu tiền” sẵn sàng trong túi để lừa thân nhân người bệnh. Bằng thủ đoạn sắm vai bác sĩ nhiệt tình, Phương đã lừa được nhiều nạn nhân số tiền hàng chục triệu đồng.
“Nạn lừa đảo trong bệnh viện ngày càng tinh vi và khó lường. Để triệt phá nhiều lúc chính bảo vệ cũng phải đóng vai người nuôi bệnh, ăn chực nằm chờ ngoài hàng lang hàng tháng trời” - ông Trần Cư, Đội trưởng bảo vệ BV Chợ Rẫy nói. Hơn 30 năm trong nghề, ông chứng kiến không ít thủ đoạn lừa đảo, trong đó có những kịch bản tinh vi đến mức công an cũng khó ngờ tới.
Đội trưởng Đội bảo vệ BV Chợ Rẫy Trần Cư tư vấn vài nguyên tắc để tự bảo vệ mình trong bệnh viện như sau: Không ăn đồ ăn, uống cà phê của người lạ mời để tránh bị đánh thuốc mê. Không nhận giữ đồ hoặc gửi đồ cho người không quen biết phòng kẻ gian bắt chuyện lừa đảo. Bác sĩ, y tá và nhân viên BV ngoài đồng phục tất cả đều có bảng tên ghi rõ tên tuổi. Thân nhân người bệnh cần thiết phải tìm hiều kỹ tên tuổi của bác sĩ, y tá tại khoa điều trị rồi mới tiếp xúc. Trường hợp bị gạ gẫm, đe dọa cần liên hệ ngay trực ban bảo vệ để được giúp đỡ. |