Bóc mẽ chiêu trò của 'cò' buôn bán nội tạng người

Quá trình tìm hiểu để viết loạt bài này, chúng tôi phát hiện ra những tâm sự thầm kín, đau đớn của người giao bán nội tạng cơ thể mình.

Họ thường là những trường hợp "cực chẳng đã" hoặc đã hết phương cách kiếm tiền mới phải như vậy.

Tất nhiên, những trường hợp chơi bời, nợ nần, bán nội tạng để trả nợ cho chính cái sự chơi bời của mình thì không xếp vào dạng này. Họ bị "cò" chặt chém, bị bệnh viện đem những quy định khắt khe ra gây khó dễ chẳng có gì để bàn. Tâm sự chung là đau đớn nhưng cũng có những chuyện thật "sốc", khó tin tưởng như không thể tồn tại trong thế giới loài người.

Bán gan trả tiền vay xã hội đen cá độ bóng đá

Sau khi đã "xoay" đủ các hướng để lấy tiền trả nợ, Đ. vẫn nợ dân xã hội đen gần nửa tỷ đồng. Không thể trốn tránh mãi được, phải đương đầu để giải quyết thôi, Đ. bàn với chủ nợ, cho khất một thời gian để rao bán nội tạng lấy tiền trả nợ. Lúc đầu, chủ nợ chẳng cần biết Đ. bán gì, làm gì để có tiền, chỉ cần mang tiền về trả là được.

Như những kẻ nghiện ngập có nhu cầu thoả mãn, họ tìm đến nhau đơn giản vô cùng. Đ. lên mạng tìm kiếm, ra "chợ đen" tìm hiểu, phát hiện ra rằng, người cần thận, gan, giác mạc để thay thế nhiều vô cùng. Thế nhưng, Đ. lại biết một sự thật rất "sốc" là bán thận nhanh, dễ nhưng được ít tiền, không đủ trả nợ nên rao bán gan. Bán gan thì không nhanh được như bán thận vì nhu cầu ghép gan ít hơn ghép thận và giác mạc. Đ. không thể bán giác mạc, vì như thế, mình có nguy cơ bị mù. Chủ nợ biết Đ. đang tìm kiếm nguồn trả nợ rất ráo riết nên "thương tình" cũng giúp một tay. Thế là, Đ. chính thức bị một cổ 3 tròng, tức là phụ thuộc vào bệnh viện, "cò" và chủ nợ.

Đ. đến bệnh viện làm các xét nghiệm và đăng ký hiến tạng. Mãi chẳng thấy bệnh viện gọi nhưng vừa "quăng" thông tin trên mạng, hôm sau đã thấy "cò" liên lạc ngay. Cuộc mua bán diễn ra chóng vánh đến mức, Đ. cũng bất ngờ. Thế nhưng, khi vào bệnh viện làm các xét nghiệm thì Đ. và người cần gan lại thiếu các chỉ số tương thích. Thật vọng ra về, Đ. được "cò" động viên "thua keo này, bày keo khác”: “Chú em đừng nản lòng, việc này không thể nhanh chóng được đâu. Các chỉ số tương thích rồi, thủ tục cho - nhận cũng rườm rà lắm, đâu chỉ có thỏa thuận giữa bên hiến và nhận". Đ. như ù tai đi, vì thêm một ngày là nợ lại chồng nợ. Nợ của xã hội đen thì không thể lơ là được, nó chỉ có thể là tiền và máu. Đ. cay đắng, đi bán người còn chưa được thì tiền hay máu cũng thế thôi.

Hết 15 ngày khất nợ, Đ. đến tìm chủ nợ xin "gia hạn". Đi cùng với Đ. là "cò" nội tạng. Chủ nợ thực sự bất ngờ vì biết rằng, nhà Đ. rất khá giả, sao lại phải như vậy? Đ. đành khai thật, "phá" của bố mẹ vài chục tỷ đồng rồi, bị đuổi ra khỏi nhà từ lâu rồi nên không thể xin, phải bán gan, mong bố mẹ hồi tâm, chuyển ý cho về nhà. Đ. kể rằng, có một thằng bạn chơi bóng cũng đã bán thận để trả nợ. Nó bán được một thời gian, không được bồi dưỡng nên suy thận. Nó đang chạy thận. Khi biết bị bệnh, bố mẹ nó rất ân hận... Và, Đ. cũng muốn bố mẹ mình phải ân hận như bố mẹ của thằng bạn khi chưa lập gia đình, chưa sinh cho họ đứa cháu nối dõi, trong khi của cải thì đầy nhà, lúc về với tổ tiên, họ cũng chẳng mang đi được. Biết được tâm sự của Đ., chủ nợ tìm đến bố mẹ. Mọi chuyện được giải quyết nhưng sau đó, Đ. vẫn chứng nào tật ấy với một chủ nợ khác để rồi lần này, Đ. quyết phải bán nội tạng thật vì bố mẹ không cứu nữa.

Một hôm, tôi đang có việc ở rất xa thành phố, Đ. gọi điện: "Anh đến đi, dân chơi muốn bán nội tạng để chơi cho tàn đời luôn đang tụ tập ở quán cà phê X.”. Nghe Đ. nói, tôi lặng người, dừng xe vài phút. Tôi quyết định quay về quán X. để xem chuyện "sốc" là như thế nào?

Giật mình những cuộc gạ bán... tính mạng

Tôi đến quán X. và ngồi ở một chỗ khá tiện lợi để quan sát, cũng như có thể nghe được những cuộc đối thoại. Thấy tôi đến, Đ. ra hiệu là đã biết và cuộc trò chuyện của đám bạn Đ. diễn ra rôm rả hơn. Lúc sau, tôi phát hiện một "cò" nội tạng xuất hiện. Người này được chào đón tới mức bất ngờ. "Cò" V. bắt tay một cô gái trong nhóm có vẻ như mối quan hệ đã thân mật từ trước.

Cô gái giới thiệu với đám bạn: "Anh V. đây là người mối cho tôi bán thận đấy. Anh V. mát tay, toàn được những gia đình giàu có nhờ vả nên sau khi bán thận, tôi được trả một khoản hậu, 2 năm rồi, chơi tới bến, quả thận còn lại vẫn chạy tốt". Khuôn mặt "cò" V. như giãn ra với lời giới thiệu kiểu "hàm ơn" của cô gái tay chơi. Tôi thì ngờ rằng, giữa cô gái tay chơi này với "cò" V. có sự thỏa thuận gì đó về phí môi giới.

Sau một hồi im lặng và nhìn các tay chơi đến tới bến, không cần biết ngày mai, "cò" V. bắt đầu "nổ". "Các cô, chú muốn hiến gì cũng được, gan, thận, tim... anh đều giúp được và bồi dưỡng hời hơn bất cứ ai. Mối của anh toàn là những người giàu có, họ sẵn sàng chi đẹp nếu mình hiến đẹp. Thủ tục khỏi lo, người ta có tiền, họ lo được hết. Cô chú nào "bí, tắc" - tức cần tiền - cứ nói, anh có thể ứng trước cho 1/3 số lượng giá nội tạng hiến. Tất nhiên, gan và tim là giá cao nhất. Trước khi cầm tiền, các cô chú phải theo anh đến bệnh viện làm các xét nghiệm để anh có "hồ sơ" mà giới thiệu với khách. Hơn nữa, cô chú ký cho anh vào giấy mượn tiền, yên tâm là lãi suất tính theo ngân hàng. Tôi sẽ giới thiệu cho các cô chú đến khi hiến được nội tạng thì lấy tiền lại. Nếu "gặp khách", hiến được sớm, trước 20 ngày, tôi fờ-ri (tức miễn phí) tiền lãi luôn...".

Nghe đến đây, tôi lạnh người, cảm giác như gặp “ma chơi”. Kinh khủng hơn, cô gái tay chơi băm bổ: "Anh cứ "là phẳng" đi (tức nói thẳng ra - PV), gan, thận, tim thì bao nhiêu, được ứng trước bao nhiêu?". Thấy thế, "cò" V. "nổ" tưng bừng: "Tuỳ từng khách mua nhưng thấp nhất của thận là 150 củ (triệu đồng); gan là 250 củ; tim thì nhiều loại (van, cả quả...) có khi lên đến cả tỷ bạc...".

Đến đây, hình như Đ. "nóng mặt", bảo "cò" V.: "Bán tim thì bán mạng luôn à? Bán rồi thì chơi vào đâu?". "Cò" V. nhanh nhẩu: "Thế các cô chú chẳng đang tính bán mạng dần đó sao? Bán luôn một thể, lấy tiền xả láng trước khi "đi", để tiếng cho dân chơi cũng tốt đấy". Nói rồi, hình như cảm thấy hớ, "cò" V. tiếp luôn: "Tiếp thị cho vui thôi, ở mình, chưa có thị trường hiến tim đâu. Người làm môi giới nhiều năm như tôi mà chưa gặp ca nào hỏi thứ "hàng" đó. Còn chú đấy, thấy cô kia bảo có nhu cầu hiến gan, anh sẽ "lo" cho".

Tôi lững thững ra khỏi quán X. mà không biết thời gian như thế nào? Tôi đi bộ trên vỉa hè. Chắc chắn người đi đường tưởng tôi là "kẻ đếm kiến, đá ống bơ, nhặt lá vàng rơi" - tức bị tâm thần. Quả thật, lúc đang nghe chuyện, tôi có ước, mình phát bệnh để đỡ phải nghe. Tôi muốn trốn tránh thực tại ấy với suy nghĩ mà người đời gán cho người tâm thần là "kẻ sung sướng vì không phải nghĩ". Lúc đó, được như thế, tôi thấy hay biết mấy.                 

Giác mạc người mắc bệnh hiểm nghèo "đắt như tôm tươi"?!

Trong cái "đống cò" ngổn ngang mà tôi tiếp xúc, một "cò" tên P. kể rằng, giác mạc người bệnh hiểm nghèo không liên quan đến bệnh về mắt "đắt như tôm tươi". Tôi choáng váng nhưng cố trấn tĩnh để nghe hết câu chuyện. Theo "cò" P. thì một số người bị bệnh ung thư, bệnh liên quan đến tim, gan, phổi, thận... người ta biết được "án tử" nên có người tự nguyện hiến giác mạc cho bệnh viện, cho ai đó cụ thể. Trường hợp này không nhiều. Song, nhiều người thân của họ, vì lý do kinh tế nên đã liên lạc với "cò", bán giác mạc của họ, khi họ qua đời. "Cò" P. nói rằng, đây là việc làm đã có từ lâu rồi nhưng chẳng ai để ý, chẳng ai nói ra. Thực tế, điều trị ung thư, những bệnh về gan, phổi, tim tốn rất nhiều tiền của của người thân mà người vẫn chết. Người nhà bệnh nhân ở bệnh viện chăm sóc người thân lâu ngày, nhiều người biết được dịch vụ hiến, bán giác mạc đã liên hệ trước với "cò" làm các thủ tục... Phần lớn họ làm thủ tục và vận động người thân hiến giác mạc cho khách quan và không bị bệnh viện vặn vẹo, đưa ra nhiều thủ tục rườm rà. Các chỉ số của người bệnh này thường xuyên được kiểm tra, người thân của họ đưa trước để "cò" tìm người mua. Cũng theo "cò" P. thì mua giác mạc của người mới qua đời, thủ tục đơn giản hơn, nhất là người chết có ý nguyện bằng văn bản, tình nguyện hiến giác mạc cho ai đó còn sống.