Cuối năm là thời điểm các cửa hàng, trung tâm mua sắm "tích cực" giảm giá nhằm kích cầu và giải quyết lượng hàng tồn kho. Nhiều chiêu trò "câu khách" được đưa ra như: giảm giá từ 20 - 80%, có cửa hàng giảm tới 90%, bán giá gốc, thanh lý toàn bộ cửa hàng, mua một tặng một, mua một tặng hai... Nhiều cửa hàng còn treo biển "giảm giá thật" hoặc "bán lỗ vốn" để đánh vào lòng tin của khách hàng.
Trên các con phố mua sắm tưng bừng của thủ đô như: Chùa Bộc, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), hầu hết các cửa hàng đều trưng biển giảm giá dịp Tết Giáp Ngọ. Trong đó, các cửa hàng treo biển giảm giá tới 50% chiếm phần lớn, nhiều cửa hàng cũng giảm tới 80 - 90% để thanh lý toàn bộ hàng.
Theo quan sát của phóng viên, các cửa hàng thanh lý được khách đến tham quan và mua sắm rất đông đúc. Người ra, người vào nườm nượp đến chỗ để xe cũng chật cứng. Có người ra về tay xách nách mang tới 3-4 chiếc áo khoác. Một cửa hàng "made in Vietnam" trên phố Chùa Bộc giảm giá 50% toàn bộ mặt hàng thu hút rất nhiều khách đến mua sắm. Có người còn dẫn theo cả trẻ nhỏ đi thử quần áo.
Chị Thanh Vân (nhà ở Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa) cho biết: "Năm nào cũng thế, cứ thời điểm cận Tết, các cửa hàng thi nhau giảm giá để lôi kéo khách hàng. Năm nào tôi cũng mua vài chiếc áo khoác hàng Việt Nam cho cả gia đình, vừa rẻ vừa đẹp, chẳng lo lỗi mốt mà mùa lạnh sang năm vẫn mặc được".
Quần áo, giày dép là hai mặt hàng thời trang được "xả" nhiều nhất trong dịp cuối năm. Một cửa hàng quần áo trên phố Phạm Ngọc cũng treo biển giảm giá cho các sản phẩm áo khoác với giá ấn định là 200, 300, 500.000 đồng. Có cửa hàng bán 50.000 đồng một chiếc áo nhân dịp năm mới.
Trên đường Xuân Thủy và Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), các cửa hàng thời trang đồng loạt giảm giá từ 30 - 70%. Trong đó, nhiều cửa hàng treo biển "xả hàng cuối năm giá sốc", "đại hạ giá cuối năm", "giảm giá hàng nghìn sản phẩm", "xả kho giày"... Cửa hàng giày gần chợ Nhà Xanh (quận Cầu giấy) giảm tối đa các sản phẩm giày dép chỉ còn 100 - 300.000 đồng/sản phẩm.
Không chỉ thu hút khách bằng các chiêu giảm giá "sốc", nhiều cửa hàng còn nhân cơ hội này quyết tạo các khách hàng "ruột" để dành tặng những ưu đãi.
Vừa mua được 2 đôi giày ưng ý trên một cửa hàng giày ở phố Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội), chị Phạm Anh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) khoe: Mua giày dịp cuối năm vừa rẻ lại vừa đẹp. Cửa hàng này làm ăn quy mô và cũng uy tín, khách hàng còn được hỏi xin số điện thoại và lần mua thứ 2 thì được nhận thẻ ưu đãi của cửa hàng.
Một cửa hàng kính mắt trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng áp dụng chiêu này, vừa giảm giá vừa tặng thẻ khách hàng có thể sử dụng trong vòng một năm. Khi mua sắm bằng thẻ này tại cửa hàng, khách hàng sẽ được giảm giá một phần tùy sản phẩm.
Trên thực tế, khi mua được những sản phẩm giảm giá, khách hàng có cảm giác mình được mua rẻ. Cùng số tiền đó, nếu trong năm khách hàng chỉ mua được 1 sản phẩm thì cuối năm khách hàng có thể mua được 2 sản phẩm trở lên. Nhìn nhận đó là cái lợi trước mắt nên xuất hiện tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng.
Anh Hồng Trường, chủ cửa hàng túi xách trên phố Phạm Ngọc Thạch với thâm niên kinh doanh 3 năm cho biết, đa phần khách hàng cứ thấy giảm giá là đổ xô đi mua và cửa hàng nào càng giảm giá mạnh kèm thêm những ưu đãi khác thì khách hàng kéo đến càng đông hơn.
Tuy nhiên, theo anh Trường, các cửa hàng thời trang thường ăn lãi ít nhất là 1 "ăn" 1, nhiều hơn là lãi khoảng 200 - 500%. Dù cửa hàng có giảm giá thế nào đi chăng nữa, có treo biển "bán lỗ vốn" thì thực chất vẫn có lãi. Đó là bản chất của kinh doanh, đã kinh doanh thì phải sinh lợi. Tùy vào mặt hàng nhập về mà các chủ cửa hàng sẽ tính toán mức giảm giá cho phù hợp. Những cửa hàng giảm giá tới 80 - 90%, có thể do cửa hàng đó còn quá nhiều lượng hàng tồn kho, hoặc cửa hàng đó ăn lãi quá nhiều nên dù giảm lớn vẫn không bị lỗ. Các chiêu dùng thẻ ưu đãi cũng được nhiều cửa hàng áp dụng, thực ra đây là cách tìm kiếm nguồn khách hàng ruột và tiềm năng, cũng là cách tìm kiếm thêm nguồn khách hàng mới. Phát hành những thẻ ưu đãi này cũng chẳng mất chi phí là mấy, mức giảm giá trên các thẻ này cũng chỉ từ 5 -10%. Mà khoản giảm này lại lấy từ việc bán các mặt hàng khác bù lại. Nói chung, đã kinh doanh là phải có lãi.