Cụ thể hơn, sẽ đình chỉ hành nghề đối với những cơ sở không phép, lấy mẫu những chế phẩm nghi ngờ để kiểm nghiệm chì, cấm tuyệt đối mọi hình thức buôn bán thuốc rong, đặc biệt tại các chợ, các lễ hội.
Riêng các tỉnh có nhiều bệnh nhân ngộ độc chì đang điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện Nhi trung ương... vụ còn yêu cầu kiểm tra cụ thể các địa chỉ hành nghề y dược mà trẻ đã phải nhập viện vì sử dụng “thuốc cam” tại đây.
Ảnh minh họa
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết từ đầu năm đến nay đã có hơn 130 trường hợp nhiễm độc chì do dùng đông y. Trẻ bị ngộ độc chì cấp thường có biểu hiện chủ yếu là co giật, hôn mê, thiếu máu.
“Trừ trường hợp nhiễm độc nồng độ thấp, thời gian ngắn, chưa ảnh hưởng thì trẻ có thể hồi phục, còn lại đa số dù có điều trị đào thải hết chất độc vẫn có thể để lại di chứng ảnh hưởng đến giống nòi, sinh gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trẻ ngộ độc chì nặng có nguy cơ bị ảnh hưởng sự phát triển cả thể chất và trí tuệ”, ông Sơn nói.
Thống kê của Vụ Y dược cổ truyền dựa trên báo cáo của các cơ sở điều trị cho thấy trẻ ngộ độc chì phải nhập viện điều trị đều liên quan đến sử dụng chế phẩm được gọi là “thuốc cam” - dạng bột, có màu cam hoặc nâu đỏ được bao gói bằng giấy hoặc túi nilông, không nhãn, không tên, dùng để bôi lên niêm mạc miệng hoặc uống chữa “tưa lưỡi”.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, cá biệt trường hợp 5 người trong một gia đình tại huyện Hải Hậu (Nam Định) bị ngộ độc chì nặng do dùng thứ nước sắc bằng đất đèn có hàm lượng chì cao để trừ giải tà ma theo hình thức mê tín dị đoan.
Đến ngày 5/4, Sở Y tế Hà Nội xác nhận đã đình chỉ hành nghề đối với ba cơ sở bán “thuốc cam” có chứa hàm lượng chì cao là cơ sở của ông Nguyễn Văn Trân (ở huyện Phúc Thọ), cơ sở của bà Lê Thị Sói (An Khánh, Hoài Đức), cơ sở của bà Đặng Thị Tình (Minh Đức, Phú Xuyên).