Bộ Y tế thừa nhận đang có dịch sởi

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc họp báo tại Bộ Y tế tổ chức chiều nay (18/4).

Lần đầu Bộ Y tế thừa nhận đang có dịch sởi

Tại cuộc họp báo rất nhiều câu hỏi được đặt ra tại sao đến thời điểm này Bộ vẫn chưa công bố dịch sởi trong khi số ca mắc không ngừng tăng lên từng ngày và số tử vong lên tới 112 ca.

Trả lời vấn đề này, lần đầu tiên lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận Việt Nam đã và đang có dịch sởi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ đầu tháng 5/2012, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giám sát phòng chống dịch, trong đó định nghĩa rõ chỉ cần xuất hiện 1 ổ dịch với 3 trường hợp mắc, trong đó có 2 trường hợp xét nghiệm dương tính với bệnh trở lên đã được gọi là dịch. Với căn cứ này có thể khẳng định Việt Nam đã và đang có dịch sởi.

Ngay từ cuối năm 2013, khi xuất hiện ổ dịch sởi đầu tiên của tại Yên Bái và Hà Giang trong các văn bản chỉ đạo, công điện của Bộ Y tế đều ghi là phòng chống dịch sởi. "Tuy nhiên, việc công bố dịch hay không lại phải theo Luật truyền nhiễm, việc công bố dịch sởi thuộc thẩm quyền của địa phương. Bộ Y tế chỉ được công bố khi có sự biến đổi về độc lực và chủng virus gây bệnh. Tuy không công bố nhưng cần khẳng định Việt Nam đã và đang có dịch sởi”, Thứ trưởng Long cho biết.

Thứ trưởng Long cũng cho biết thêm, hiện tại nhiều nước không gọi công bố dịch nữa mà dùng từ thông báo dịch. Nếu dịch bệnh diễn ra, quốc gia không thể kiểm soát được thì sẽ là thông báo tình trạng khẩn cấp hoặc công bố dịch. Khi đó sẽ áp dụng các biện pháp hành chính chặt chẽ như đóng cửa trường học, hạn chế họp chợ, giao thông, cưỡng chế và cách ly…

Về con số tử vong do sởi cũng có rất nhiều câu hỏi nghi vấn được đặt ra cho Bộ Y tế. Tại sao ban đầu Bộ chỉ công bố có 25 trẻ tử vong do sởi mà không công bố số hơn 100 ca trẻ tử vong có liên quan đến sởi và số trẻ tử vong có thể còn cao hơn nhiều so với thực tế? Liệu Bộ Y tế đang bưng bít thông tin?

Trả lời vấn đề này Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ không bưng bít thông tin về tình hình dịch sởi, 25 ca tử vong do sởi là hoàn toàn chính xác.

Tại thời điểm tổng kết báo cáo Hội đồng chuyên môn khẳng định có 25 trường hợp bệnh nhi tử vong hoàn toàn do virus sởi. Những trường hợp khác chưa thể khẳng định chắc chắn vì trẻ có bội nhiễm nhiều virus khác hoặc trên nền cảnh đang có bệnh rất nặng, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Có trường hợp xét nghiệm sau cho thấy trẻ đã bị cùng lúc 3 virus tấn công, việc xác định đúng virus nào gây tử vong là rất khó và không thể. Hơn nữa việc xét nghiệm phân lập này cũng mất nhiều thời gian, chính vì thế sau 1 tuần công bố có 25 ca tử vong về sởi chúng tôi mới đưa ra được con số có thêm hơn 100 ca tử vong có liên quan đến sởi. Đây là việc làm khoa học, chứ không phải bưng bít thông tin”, Thứ trưởng Long nói.

“Nóng chỉ đạo nhưng lại lạnh thực hiện”

Trước chất vấn tại sao đến nay sau nhiều tháng dịch sởi xảy ra Bộ Y tế mới vào cuộc rốt ráo và vẫn để tình trạng quá tải trầm trọng tại BV Nhi Trung ương là nguyên nhân chính khiến số trẻ mắc, tử vong tăng lên do lây nhiễm chéo, Thứ trưởng Long thừa nhận: “Ngay từ cuối năm 2013 khi có vụ dịch lẻ tẻ xảy ra rải rác ở 3 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang Bộ Y tế đã yêu cầu triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, đúng là có chuyện nóng về chỉ đạo nhưng lại lạnh về thực hiện”.

Để khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng khẳng định ngay ngày mai Bộ sẽ nâng mức độ đáp ứng dịch cao hơn: 17h hàng ngày sẽ có thông tin cập nhật về tình hình dịch tại tất cả các địa phương và các hoạt động chống dịch trên trang web của bộ, gửi đến cơ quan thông tấn báo chí.

Đồng thời Bộ sẽ quyết liệt chỉ đạo việc giảm tải, nâng cao chất lượng điều trị để phòng lây nhiễm chéo, đẩy mạnh công tác tiêm chủng, yêu cầu 63 tỉnh, thành phố phải tổ chức tiêm vét 100% cho trẻ dưới 3 tuổi. Bộ cũng sẽ giám sát việc tiêm chủng mũi 2 vắc xin sởi cho trẻ, không để tình trạng tỷ lệ tiêm mũi 2 quá thấp, dẫn tới việc trẻ không có đủ miễn dịch phòng bệnh.

Trong quá trình đi thực tế, tôi thấy có gia đình cán bộ y tế xã, phường gửi giấy mời 2 lần nhưng vẫn không cho con đi tiêm vắc xin. Lần này, yêu cầu các cán bộ y tế phải làm mọi biện pháp động viên, khuyến khích và nâng cao nhận thức để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm chủng. Không có bài thuốc đặc hiệu nào đối với virus, trong đó có virus sởi. Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh an toàn, hiệu quả nhất và chỉ có tiêm phòng mới ngăn chặn được dịch sởi”, Thứ trưởng Long khẳng định.