Cắt 1/2 chương trình hiện nay?
Phản ánh về thực trạng dạy học khi thảo luận về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại tổ chiều 11/11, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, học sinh tiểu học hiện đang phải nhồi quá nhiều, không còn thời gian vui chơi, tập thể thao, các em gần như đeo kính hết.
“Đó không phải mục tiêu giáo dục hiện nay của chúng ta. Phải giúp các em khỏe mạnh, tự tin bước vào cuộc sống mà góp phần vào việc đó là SGK. Tôi xem có thể lược bỏ 1/2 chương trình bậc tiểu học và THCS hiện nay, những cái rườm rà lằng nhằng phải lược bỏ đi” – đại biểu An đề nghị.
Đề cập đến kiến thức, đại biểu Trịnh Thế Khiết thì cho rằng, học sinh bây giờ hỏi về truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam thì rất yếu. SGK phải tạo điều kiện để học sinh tôn trọng thầy giáo.
“Các thầy dạy chúng ta từ cấp 1 đến cấp 3 đến bây giờ chúng ta vẫn nhớ. Cần trọng đạo, hướng đạo cho học sinh đi theo hướng đúng, trúng. Muốn SGK đảm bảo tốt, thì phải đảm bảo tính tự giác của học sinh, tự giác của người thầy. Hai bên tự giác thì chúng ta mới đảm bảo chương trình phù hợp”- đại biểu Khiết nói.
GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, qua đánh giá giám sát thì chương trình hiện nay không phù hợp với thực tiễn, từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đến khả năng tiếp thu của học sinh Việt Nam.
“Mọi người nói chương trình quá nặng, chỉ thiết kế theo mong muốn của ta mà không quan tâm học sinh có tiếp thu được không? Thầy có dạy được không? Có đủ cơ sở đáp ứng nhu cầu không?… Do vậy lần này phải thiết kế khả thi, cho đúng mức độ”. Đại biểu Thi nói và lý giải thêm, khi đổi mới sẽ có sự mềm dẻo linh hoạt, nếu trường này học sinh tiếp thu tốt, giáo viên sẽ dạy nhanh, nhưng nếu trường khác tiếp thu chậm sẽ dành nhiều thời gian hơn và không bổ sung kiến thức nữa, chỉ dạy phần bắt buộc thôi.
Về biên soạn SGK, ông Thi cho biết, tất cả các đầu sách sẽ không được hỗ trợ của nhà nước. Tác giả biên soạn SGK đều thực hiện trên một mặt bằng, làm sao phải biên soạn tốt để nhiều người mua, chứ không phải cứ viết bừa rồi nhà nước bù lỗ.
“Dù là ai biên soạn cũng phải được thẩm định bởi hội đồng thẩm định, sau đó mới xuất bản và đưa vào” – đại biểu Đào Trọng Thi nói.
Viết sách như… trại nhà văn
Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho hay, đề án trình lần này chỉ đề cập những vấn đề mục tiêu, nội dung, nguyên tắc, quan điểm…để lấy ý kiến Quốc hội.
Về mặt số lượng đầu sách, Bộ trưởng Luận cho biết, không thể khẳng định được bao nhiêu bộ nhưng tính trên thực tế với số lương người tham gia thì lạc quan nhất sẽ có khoảng 4 bộ. Trên thực tế, qua 3, 4 lần viết sách, lực lựng tham gia viết SGK không nhiều, những người có kinh nghiệm viết không phải ai cũng sẵn sàng. Vì viết sách vừa lợi nhuận thấp, lại phải bỏ hẳn công việc, tập trung viết trong thời gian nhất định, như trại nhà văn.
“Chúng tôi đang tính toán. Sách viết không như ngày xưa mà theo cách tiếp cận mới. 3, 4 lần viết trước theo hướng truyền đạt kiến thức một chiều. Bây giờ chuyển sang chú trọng phẩm chất của người học. Do vậy chúng tôi đang tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên tiếp cận cách làm của thế giới. Không lo anh em viết sách ra Bộ lại không dùng mà chỉ lo có ai viết không, viết có đảm bảo chất lượng không” – Bộ trưởng Luận nói.
Bộ trưởng Luận cũng cho rằng, từ trước tới nay Bộ GD&ĐT chưa bao giờ trực tiếp viết mà chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, tập hợp các nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn hóa, giáo viên…và việc này thường giao cho NXB Giáo dục. Theo Bộ trưởng, lần này sẽ có 2 phương án: Bộ GD&ĐT trực tiếp, chủ động biên soạn 1 bộ hoặc xã hội hóa toàn bộ.
“Mọi người băn khoăn nếu Bộ biên soạn, lại thẩm định sách song song khác nào vừa đá bóng, vừa thổi còi, không có chỗ cho nhóm viết sách khác nữa… nhưng Bộ GD&ĐT có biên soạn hay không cũng không ảnh hưởng tới các bộ sách khác tồn tại. Mặt khác Bộ cũng không đứng ra tự biên soạn mà tổ chức giáo viên, các nhà khoa học soạn sách, rồi sẽ có hội đồng thẩm định khách quan nên không có chuyện vừa thổi còi vừa đá bóng” - Bộ trưởng Luận nhấn mạnh.