Tiêu cực từ khâu ra đề
Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tuyển sinh ĐH về khả năng phát sinh vấn đề dạy thêm, học thêm tràn lan xảy ra trước thời kỳ thi “3 chung”. Ông Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Mỏ - Địa cho rằng, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường cam kết không để xảy ra tiêu cực khi tổ chức thi riêng, nhưng tiêu cực chủ yếu xuất phát từ khâu ra đề, chỉ có dừng việc tự ra đề thì mới chặn được tiêu cực. “Thực tế, những người ra đề đều là những người có chuyên môn, năng lực của trường, nếu để họ ra đề thì kiểu gì cũng sẽ có ôn thi, dạy thêm học thêm” - ông Lê Trọng Thắng nhận định. Phân tích về vấn đề này, đại diện Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, Bộ yêu cầu các trường muốn thi riêng phải tự chuẩn bị đủ lực lượng để ra đề thi, vừa yêu cầu cam kết tránh tình trạng luyện thi. Trong khi tình trạng tiêu cực này chính là nguyên nhân khiến Bộ phải tổ chức thi “3 chung” để “dẹp nạn”.
Tuy nhiên, thực tế cũng đã có những phương án tuyển sinh khá hiện đại được triển khai như một dẫn chứng về việc nếu muốn thì các trường hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng luyện thi cho cuộc chạy đua vào cánh cổng đại học. Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng trường ĐH FPT cho biết, thí sinh dự thi vào trường hiện đang được kiểm tra với hình thức trắc nghiệm tư duy logic nhằm tìm ra những học sinh có tố chất phù hợp với ngành nghề đào tạo của nhà trường. “Với phương pháp tuyển sinh này thì học sinh có muốn ôn luyện cũng không được vì kết quả không phụ thuộc nhiều vào những gì thể hiện trong học bạ phổ thông mà phụ thuộc vào chính năng lực, tố chất sẵn có của mỗi người” - ông Nguyễn Xuân Phong cho biết.
Nhận xét về hình thức tuyển sinh này, PGS Văn Như Cương cho rằng, đây là cách thức tốt, đánh giá đúng năng lực của người học. Tuy nhiên điều PGS Văn Như Cương lo ngại là không phải trường nào cũng có thể áp dụng được hình thức tuyển sinh như vậy. “Chỉ những trường có thương hiệu tốt, thu hút được đầu vào thì mới có thể tổ chức tuyển sinh riêng như vậy. Trong khi đó, phần lớn các trường đại học ngoài công lập cũng như một số trường công lập mới thành lập chỉ đào tạo ở mức trung bình, lượng đầu vào không cao thì sẽ khó áp dụng hình thức tuyển sinh như vậy” - PGS Văn Như Cương phân tích.
Tiềm ẩn nạn chạy điểm
Trong những phương án tuyển sinh riêng đã được đề xuất với Bộ GD-ĐT, nhiều trường đưa hình thức xét tuyển kết hợp với thi tuyển. Thí sinh được xét dựa vào điểm thi “3 chung” đồng thời với xét kết quả học tập bậc THPT. Hoặc như trường ĐH Lương Thế Vinh thì thay vì thi riêng, GS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh cho biết, trường dự kiến sẽ tổ chức vấn đáp kết hợp xét tuyển kết quả 3 năm THPT của thí sinh.
Theo PGS Văn Như Cương, việc xét tuyển vào ĐH căn cứ vào kết quả phổ thông là một cách thức tốt vì xét được cả quá trình phấn đấu của người học thay vì chỉ mang tính may rủi khi quyết định duy nhất bằng một kỳ thi đại học. Tuy nhiên, kèm theo ưu điểm của nó lại là mặt trái rất dễ phát sinh tiêu cực. “Hiện nay trường chúng tôi vẫn rất trung thực trong việc ghi học bạ cho học sinh theo đúng trình độ học vấn. Tuy nhiên, nếu tuyển sinh ĐH có sử dụng kết quả trong học bạ phổ thông của học sinh thì không thể loại bỏ khả năng giáo viên sẽ bớt “khắt khe” hơn trong việc cho điểm làm đẹp học bạ. Chưa nói là có tiêu cực, có tác động mà đây chỉ xét về tâm lý, giáo viên không muốn học trò vì dạy thật, học thật mà chịu thiệt so với những nơi dễ dãi hoặc có tác động bên ngoài để có kết quả đẹp. Mà điều này thì rất nguy hiểm” - PGS Văn Như Cương phân tích. “Tôi chưa nghĩ ra cách nào để quản lý việc cho điểm đẹp vào học bạ để làm căn cứ xét tuyển ĐH” - PGS Văn Như Cương kết luận. Như vậy, việc đổi mới tuyển sinh ĐH, vốn nhằm mục tiêu tác động tích cực tới dạy và học bậc phổ thông thì nay lại có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới bậc học này.