Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giá xăng dầu là một quyết định khó khăn của cơ quan quản lý và đã phải tính đến những tác động của mặt hàng này đến hoạt động của nền kinh tế, đến lợi ích của người dân.
Bộ Tài chính cho biết, cơ sở để thực hiện việc điều chỉnh căn cứ vào kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp với đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ chiều ngày 19/4 (về điều hành giá xăng dầu); đồng thời qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và kết quả kiểm tra, rà soát việc đăng ký giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Về việc cần thiết phải điều chỉnh giá xăng dầu, Bộ Tài chính phân tích: Kể từ sau ngày điều chỉnh giá xăng dầu trong nước (ngày 7-3-2010), giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng và dao động ở mức cao. Mức điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước hôm đó vẫn ở mức kiềm chế (tiếp tục cho sử dụng Quỹ Bình ổn giá mức 300 đồng/lít, kg).
Tuy nhiên, do giá xăng dầu thế giới vẫn dao động ở mức cao, tiếp tục tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành. Trong bối cảnh đó, các giải pháp về tài chính như: Thuế nhập khẩu đã ở mức 0%, Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết, việc bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước là cần thiết.
Lý giải việc điều chỉnh giá bán lẻ khi giá xăng dầu thế giới bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Quản lý giá, tại thời điểm điều chỉnh (20/4), tất cả các loại xăng dầu thành phẩm đều đã tăng so với 30 ngày trước đó, và không thể coi việc giá giảm chỉ trong vòng vài ngày để làm căn cứ.
Trên thực tế, trước thời điểm Bộ Tài chính cho phép tăng giá xăng dầu 1 tuần thì giá các hợp đồng dầu thô giao tương lai trên thế giới đều giảm, tuy nhiên doanh nghiệp chủ yếu ký giao dịch theo hợp đồng giao ngay (xăng dầu thành phẩm giá cao hơn dầu thô).
Ông Thỏa khẳng định việc điều chỉnh giá hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định 84 do đó không căn cứ giá tính trong riêng 1 tuần hay 10 ngày.
Nguyên tắc tính giá cơ sở quy định tại Nghị định số 84 như sau: Nhà nước tiếp tục giữ thuế suất thuế nhập khẩu các chủng loại xăng, dầu về mức 0%. Ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá các chủng loại xăng dầu (do số dư Quỹ Bình ổn giá không còn); điều chỉnh giá bán các chủng loại xăng dầu trong nước (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) ở nhiệt độ thực tế và ở địa bàn gần cảng nhập khẩu, gần nhà máy sản xuất, chế biến xăng. Cơ cấu giá gồm có: Giá nhập khẩu, trích quỹ bình ổn (300 đồng/lít), phí xăng dầu (1.000 đồng/lít); lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), thuế 0%.