Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, tại cuộc viếng thăm và dâng hương tưởng nhớ một năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với cõi vĩnh hằng, sáng 22/9.
Cùng đi với Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng còn có Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã đến số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội).
Bộ trưởng Quốc phòng và đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi, thống nhất một số nội dung để đảm bảo cho việc tiếp tục đón tiếp đồng bào, chiến sĩ về viếng Đại tướng tại Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) an toàn, chu đáo và trang trọng.
"Bộ Quốc phòng sẽ tích cực hỗ trợ khi gia đình có nhu cầu, nhằm bảo đảm cho khuôn viên gia đình Đại tướng tại số 30 Hoàng Diệu ngày càng khang trang, và thuận lợi cho gia đình khi đón đồng bào, chiến sĩ về viếng, dâng hương Đại tướng", Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng khẳng định.
Sau khi Đại tướng mất, nhiều nhà sử học, giới trí thức và đông đảo tầng lớp nhân dân đã lên tiếng mong mỏi cần có một khu lưu niệm riêng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khu lưu niệm này không chỉ góp phần tôn vinh Đại tướng, mà còn góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ nhiều bài học quí.
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam khẳng định, việc tôn vinh Đại tướng tất yếu sẽ được tiến hành theo những chủ trương của Nhà nước như đặt tên đường phố, quảng trường, tượng đài... Giới sử học Việt Nam từ lâu đã mong mỏi có một khu lưu niệm riêng về Đại tướng, mà ngôi nhà hiện tại trên đường Hoàng Diệu chính là địa chỉ hợp lý nhất.
Đồng quan điểm này, PGS-TS Phạm Xanh (Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: “Tôi cho rằng, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có hai nơi mà chúng ta cần quan tâm. Thứ nhất là căn nhà ở làng An Xá (Lệ Thủy, Quảng Bình) đó là di tích gắn với thời trẻ của Đại tướng. Nhân cách của một con người gắn chặt với nơi sinh ra, với quê hương. Nơi thứ hai là căn nhà 30 phố Hoàng Diệu - nơi Đại tướng gắn bó cả cuộc đời mình, nơi ông có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Chúng tôi mong muốn giữ gìn hai nơi đó, để nó đi vào cuộc sống của chúng ta hôm nay và con cháu mai sau”.
PGS Hoàng Xuân Chinh - Chủ tịch danh dự Hội khảo cổ học Việt Nam nêu ý kiến: “căn nhà của Đại tướng là nơi để lại dấu ấn của đại tướng nhiều nhất. Chúng ta nên biến nó thành Bảo tàng tư nhân về Đại tướng, chứ nếu làm một bảo tàng khác thì cũng không hay lắm”.
Sau đó, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã có công văn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương phản ánh nguyện vọng của nhân dân về việc xây dựng Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
100 ngày lòng dân hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Công văn nêu: những ngày qua, đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế đã bày tỏ tình cảm xúc động, tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đã có rất đông đồng bào, chiến sĩ, người nước ngoài đến viếng Đại tướng tại tư gia số 30, Hoàng Diệu, Hà Nội. Qua phản ánh của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, đông đảo nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài mong muốn Đảng, Nhà nước cho lưu giữ và xây dựng Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại địa chỉ số 30, Hoàng Diệu, Hà Nội. Người dân đến Hà Nội, sau khi vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ có thêm địa chỉ để bày tỏ tình cảm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị danh tướng huyền thoại của Việt Nam và thế giới.