Với cách đăng ký xét tuyển như năm nay, vấn đề quan trọng nhất mà thí sinh cần phải cân nhắc khi đăng ký xét tuyển là gì? Thí sinh cần làm gì để đảm bảo khả năng trúng tuyển cao nhất?
Bộ GD-ĐT trả lời:
Điểm đầu tiên thí sinh cần cân nhắc là lựa chọn ngành, trường phù hợp để đảm bảo khả năng trúng tuyển là cao nhất. Căn cứ vào kết quả thi, thí sinh có thể tham khảo điểm trúng tuyển vào các ngành của trường ở những năm trước để quyết định chọn trường, ngành phù hợp.
Hiện nay có hơn 400 trường ĐH, CĐ trong cả nước, một ngành chuyên môn có thể đào tạo ở nhiều trường với mức điểm xét tuyển rất khác nhau nên các thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn được ngành yêu thích.
Điểm thứ hai mà thí sinh cần phải cân nhắc là đưa ra quyết định rút hồ sơ để nộp vào trường khác hay quyết tâm “bám trụ“, nhất là khi điểm thi của mình không thực sự vượt trội trong số thí sinh cùng đăng ký vào ngành.
Nếu thí sinh có thể chọn được nhiều ngành phù hợp với nguyện vọng của mình trong một trường thì sẽ dễ dàng hơn trong quyết định “rút“ hồ sơ hay “bám trụ“ và cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ lớn hơn rất nhiều.
Bộ GD-ĐT lưu ý thí sinh cần cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định rút hay nộp hồ sơ
Trước đây, những học sinh thi 2 khối A và D điểm thi được đồng thời xét tuyển nên có thể đỗ cả hai hoặc trượt cả hai. Tuy nhiên, với quy chế mới, thí sinh chỉ được xét tuyển ở một trường với việc thi nhiều tổ hợp. Như vậy liệu có đạt được hiệu quả tương ứng hay không?
Bộ GD-ĐT trả lời:
Theo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy hiện hành, ngay cả khi thí sinh đăng ký thi nhiều khối thi thì cũng chỉ được cấp 1 Giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển nguyện vọng 1 và 3 Giấy chứng nhận kết quả thi giống nhau dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Như vậy, sẽ không xảy ra khả năng thí sinh trúng tuyển cả hai trường ở nguyện vọng 1.
Tuy nhiên, khi đăng ký nhiều khối thi , thí sinh sẽ có nhiều cơ hội để trúng tuyển hơn, vì khi có kết quả thi của nhiều khối, thí sinh có thể chọn được nhiều ngành của một trường để đăng ký xét tuyển. Hoặc khi rút hồ sơ để đăng ký vào trường khác thì thí sinh có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn trường nộp hồ sơ.
Ví dụ: Nếu thí sinh có nguyện vọng học ngành y mà chỉ đăng ký thi các môn khối B (Toán, Hoá, Sinh) thì khi không đủ điểm để trúng tuyển vào trường Y, thí sinh chỉ có thể chuyển sang đăng ký xét tuyển ở các ngành khối nông, lâm, ngư. Còn nếu như thí sinh có thêm kết quả thi của khối A (Toán, Lý, Hoá) thì có thể đăng ký xét tuyển ở các trường khối kỹ thuật và kinh tế.
NV1 của thí sinh có 4 ưu tiên. Nếu thí sinh không đủ điểm cho ưu tiên 1 thì ưu tiên 2 của thí sinh có được xét chung với thí sinh khác có ưu tiên 1 trùng ngành xét tuyển hay không?
Bộ GD-ĐT trả lời:
Trong mỗi trường, thí sinh được chọn tối đa 4 ngành, theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Nếu không trúng tuyển ngành thứ nhất, thí sinh được chuyển sang để xét tuyển vào ngành thứ 2 một cách bình đẳng cùng các bạn đã đăng ký ưu tiên 1 cho ngành này.
Mỗi thí sinh chỉ có 1 phiếu đăng ký xét tuyển đợt 1. Vậy, nếu thí sinh đã đăng ký và điền thông tin khi nộp vào trường đầu tiên thì việc rút hồ sơ để nộp vào trường khác có ảnh hưởng gì không? Thí sinh điền tiếp thông tin đăng ký xét tuyển vào trường khác như thế nào?
Bộ GD-ĐT trả lời:
Việc đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1 được quy định từ ngày 1.8 đến hết ngày 20.8.2015. Trong thời gian này, nếu có nguyện vọng rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác, thí sinh có thể trực tiếp rút hoặc ủy quyền cho người khác rút hộ.
Nội dung Phiếu đăng ký xét tuyển vào trường có nguyện vọng chuyển đến phải có nội dung phù hợp với trường, vì vậy, phải dùng Phiếu đăng ký xét tuyển khác. Phiếu đăng ký xét tuyển thí sinh cần tải về từ trang web: "thi.moet.edu.vn", in ra và viết theo nội dung đã hướng dẫn.
Thí sinh đã tham gia kỳ thi THPT Quốc gia để lấy kết quả xét tuyển liên thông nhưng các trường không xét tuyển chuyên ngành thí sinh theo học. Vậy, trong trường hợp này, thí sinh cần phải làm như thế nào?
Bộ GDĐT trả lời:
Để thi liên thông học tiếp ở trình độ cao hơn, thí sinh có thể tham dự kỳ thi THPT Quốc gia hoặc kỳ thi do cơ sở giáo dục tự tổ chức theo quy định của mỗi trường.
Việc đào tạo liên thông cần phải bảo đảm các điều kiện: Ngành học đã được phép đào tạo; chỉ tiêu được xác định dành cho ngành đào tạo,… Thí sinh cần liên hệ trực tiếp với trường có nguyện vọng học để được hướng dẫn chi tiết.
Những thí sinh này phải học bổ sung kiến thức một năm học trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.
Nếu kết quả thi THPT Quốc gia của thí sinh bị điểm liệt một môn, nhưng lại đủ điểm đỗ vào đại học thì có được bảo lưu kết quả để xét tuyển đại học năm sau không?
Bộ GDĐT trả lời:
Theo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy hiện hành không quy định bảo lưu kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, với mục đích lấy kết quả xét tuyển vào ĐH-CĐ nếu không tốt nghiệp THPT ngay năm xét tuyển.