Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ khẳng định người đi xe không chính chủ chỉ bị phạt khi phương tiện bị tạm giữ, vi phạm hình sự, đồng thời cũng không phạt người đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng.
Đầy đủ giấy tờ, không lo bị phạt
Theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Bộ Công an chưa bao giờ dùng từ xe “chính chủ” và chưa bao giờ nói rằng chỉ người có tên trong giấy đăng ký mới được điều khiển phương tiện đó.
“Nếu người điều khiển phương tiện có đầy đủ giấy tờ theo quy định, CSGT không được quyền hỏi người dân về việc không chính chủ. Việc xử phạt chỉ thực hiện khi phương tiện đó bị tạm giữ, vi phạm hình sự”, ông Ngọ nêu rõ.
Việc quy định bắt buộc phải chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của các bên khi mua bán, trao tặng, tránh những tranh chấp dân sự.
Nghị định hiện hành quy định trách nhiệm của 2 chủ thể gồm người điều khiển phương tiện giao thông và người chủ sở hữu phương tiện giao thông. Khi xảy ra tai nạn, vi phạm, tội phạm phải làm rõ chủ thể. Bên cạnh đó, ngành công an đang tích cực áp dụng công nghệ để xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh (phạt nguội) để thay thế dần sức người.
Hiện nay, việc làm rõ ai là chủ phương tiện để xử lý trách nhiệm là khó khăn, phức tạp cho cả hai bên và cơ quan nhà nước. Nhiều nước trên thế giới quy định, phương tiện giao thông đều phải được cơ quan nhà nước đăng ký, quản lý chặt chẽ, ngoài ra họ còn quy định trách nhiệm liên đới của chủ sở hữu phương tiện khi giao cho người khác điều khiển vi phạm an toàn giao thông.
Theo ông Ngọ, ngay Bộ luật dân sự cũng quy định, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là nguồn nguy hiểm cao độ, cho nên cần phải được đăng ký, quản lý. Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư 12 về đơn giản hóa thủ tục để chủ sở hữu phương tiện trên thực tế khi mua xe qua nhiều chủ sở hữu, không có khả năng tìm chủ sở hữu có tên trong giấy đăng ký xe để người dân thuận lợi trong làm giấy đăng ký phương tiện mang tên mình và Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2012, tạo điều kiện cho người dân đến ngày 31/12/2014.
Thông tư này cũng quy định hết sức chặt chẽ về thủ tục, tránh việc hợp lý hóa trong đăng ký các xe là tang vật của vụ án hoặc đang có tranh chấp. Bộ Công an cũng đề nghị nhân dân, những ai có phương tiện bị mất cắp, thất lạc chưa thông báo, cần thông báo cho công an để điều tra, xác minh. Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính sửa đổi, giảm mức thu phí khi chuyển quyền sở hữu. Vì vậy, Bộ Công an chính thức đề nghị giữ nguyên quy định này trong dự thảo nghị định mới.
Không phạt người đội mũ bảo hiểm “dỏm”
Cũng theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ, theo quy định hiện hành, lực lượng CSGT khi thực thi nhiệm vụ chỉ xử phạt liên quan đến mũ bảo hiểm gồm không đội mũ; đội mũ nhưng không cài quai đúng quy cách; chưa có quy định nào xử phạt việc đội mũ không đảm bảo chất lượng, quy chuẩn. Do liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người dân, Bộ Công an nhận thấy việc lập quy chuẩn để phân biệt với các loại mũ không phải là mũ bảo hiểm dùng khi đi mô tô, xe máy là hướng đi đúng.
“Tuy nhiên, việc phân biệt này chỉ để xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất, người tiêu dùng; hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân mua mũ bảo hiểm đạt chuẩn để tự bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình. Khi đã có quy định, người tham gia không chấp hành đúng quy tắc cần phải xử lý”, ông Ngọ cho biết.
Liên quan đến quản lý chất lượng, kinh doanh mũ bảo hiểm, với trách nhiệm của mình, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát kinh tế phối hợp cùng các bộ, ngành, Ban chỉ đạo 127/TW điều tra các vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả liên quan đến mũ bảo hiểm.