"Người lính" siêu hạng dưới nước
Từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX, Mỹ đã sử dụng cá heo trong các ứng dụng quân sự nhằm tạo ra bước đột biến trong hoạt động của thủy quân lục chiến. Tham vọng của quân đội Mỹ là muốn biến những chú cá heo thông minh, hiền lành thành những "người lính" siêu hạng dưới nước.
Các chuyên gia hải quân khẳng định, cá heo không chỉ thực hành các nhiệm vụ "trinh sát và tuần tra", làm "nhân viên phá mìn" mà còn được phát triển thành "vũ khí tự điều khiển chống lại con người".
Nếu được đào tạo bài bản, những sinh vật này sẽ trở thành "lính cảm tử", "ôm" theo chất nổ và đâm thẳng vào tàu đối phương.
Hoạt động huấn luyện cá heo được Hải quân Mỹ thực hiện trong điều kiện vô cùng tuyệt mật. Theo những tài liệu tình báo mới giải mật, có lần, để thử nghiệm ý tưởng biến cá heo thành "thủy lôi sống", một nhà khoa học đã quyết định thả chú cá này ra đại dương để nghiên cứu. Ngay lập tức nhân vật này bị khép tội đánh cắp tài sản của Chính phủ và tội tiết lộ bí mật quân sự...
Sau lần bị phát giác, nhân vật này vĩnh viễn biến mất, chẳng còn ai thấy tung tích của ông ta. Cũng từ đó, công luận mới vỡ lẽ. Ngoài căn cứ Hawaii, nước Mỹ còn có một trung tâm "huấn luyện thú" ở bờ biển bang Florida. Hải quân Mỹ cũng xây 16 khoang dành cho cá heo trên bệ tàu ngầm ở Banggo (Washington).
Tài liệu giải mật cũng tiết lộ, cá heo được trang bị mìn và bình khí độc, các thiết bị gây nổ đã được dùng để đánh đắm tàu ở cảng Hawaii, các bình khí có gai dài để tiêu diệt con người.
Cũng theo tài liệu trên, một chỉ thị mật của Hải quân Mỹ đã nhắc đến việc sử dụng cá heo chuyên dụng ở Nicaragoa. Sau này, chính quyền Mỹ thú nhận là có dính líu đến các vụ phá hoại tại nhiều cảng của đất nước này, nhưng lại giải thích, số mìn đó không phải cá heo mà do ca-nô cao tốc chở đến.
Theo ý kiến của các chuyên viên thuộc hải quân Mỹ, cá heo được dùng để bảo vệ an toàn quanh phạm vi bơi, ngoài ra, chúng còn bảo vệ nghiêm ngặt cho các tàu ngầm đắt giá tránh khỏi bị phá hoại.
"Các chuyên gia quân sự sẽ sử dụng thiết bị bắn tự động dính vào mũi cá heo. Bộ phận phát hỏa sẽ làm việc khi cá heo lắc chiếc vòng treo cứng và bắn vào kẻ phá hoại", một nhân viên Hải quân Mỹ nói.
Theo báo chí Pháp, để cụ thể hóa những "siêu ý tưởng" của mình, quân đội Mỹ đã không tiếc tiền chi cho hoạt động huấn luyện "biệt đội cá heo". Ở thời kỳ đỉnh cao, chỉ riêng số tiền đầu tư cho đội quân cá heo của Hải quân Mỹ đã lên tới gần 500 triệu USD/năm.
"Biệt đội cá heo" là lực lượng thông minh và cực kỳ thiện chiến. Chúng có sức chịu đựng cao, khả năng hoạt động trong phạm vi nhiệt độ cao và môi trường khắc nghiệt. Khi có biến cố xảy ra, những "người lính" này sẽ được tập hợp trên máy bay chiến đấu C-130, hoặc tàu chiến hiện đại vận chuyển đến nơi cần thực hiện nhiệm vụ trong vòng 72h.
Trong những chiến dịch đảm bảo độ bí mật, cá heo thậm chí còn được thả từ máy bay lên thẳng nhảy dù xuống biển. Đây được coi là nhiệm vụ có một không hai trên thế giới.
"Biệt đội cá heo" đặc nhiệm từng được sử dụng thử nghiệm trong các bài tập của quân đội Mỹ từ Alaska đến Hawaii. Tuy nhiên, đội quân cá heo chỉ được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Về sau này, khi quan hệ của các cường quốc quân sự trở nên ôn hòa, số cá heo trong chương trình huấn luyện cũng giảm dần. "Biệt đội cá heo" từng có quân số 95 con, dần giảm xuống chỉ còn 75 con chủ yếu phục vụ mục đích nghiên cứu.
Hải quân Mỹ phủ nhận cá heo là "vũ khí" giết người
Dù giới truyền thông không ít lần cáo buộc lực lượng Hải quân Mỹ sử dụng cá heo như thứ vũ khí giết người hàng loạt dưới nước nhưng quân đội đã phủ nhận tin đồn này. Theo họ, việc cá heo được huấn luyện để tấn công và giết những người lạ xâm nhập là vô căn cứ. Họ cũng khẳng định, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Hải quân Mỹ đã dùng cá heo để giết thợ lặn của đối phương bằng những vũ khí gắn ở mỏ.
Tưởng rằng tin đồn sẽ tạm lắng, đến năm 2005, khi cơn bão thế kỷ Catrina quét qua miền Nam nước Mỹ, nghi ngờ này lại được xới lên. Một tờ báo của Anh đã tiết lộ rằng những con cá heo được huấn luyện để giết người của Hải quân Mỹ đã mất tích ở vịnh Mexico.
Hải quân Mỹ đã ngay lập tức phản ứng: "Hiện nay, Hải quân Mỹ không hề đào tạo cá heo cũng như chưa bao giờ đào tạo động vật biển có vú để gây thương tích, làm hại cho con người hay mang vũ khí để phá hoại tàu thuyền dưới bất kỳ hình thức nào".
Các cuộc tranh luận xung quanh vấn đề huấn luyện cá heo cho mục đích quân sự của Hải quân Mỹ một lần nữa lại nổi lên vào năm 2007. Có thông tin cho rằng, cá heo và sư tử biển đang được xem xét để được huấn luyện nhằm bảo vệ căn cứ Hải quân Kitsap-Bangor ở Washington - kho vũ khí hạt nhân lớn nhất của Mỹ. Chúng hoạt động luân phiên nhau, chủ yếu vào ban đêm để bảo vệ căn cứ tàu ngầm Trident. Tuy nhiên, quân đội Mỹ cũng phủ nhận thông tin này.
Mặc dù vậy, Hải quân Mỹ cũng thừa nhận, họ từng nghiên cứu, sử dụng cá heo vào các mục đích hòa bình, chủ yếu phục vụ dò tìm bom mìn, phát hiện các mỏ tài nguyên trên biển và chiến đấu chống khủng bố. Ngoài ra, sinh vật này còn được sử dụng để tìm kiếm các mẫu vật quân sự bị đắm, giúp thợ lặn trong việc tìm kiếm, cứu hộ...
Theo các chuyên gia quân sự, khả năng định vị dưới nước bằng âm thanh của cá heo được cho là tốt hơn bất cứ thiết bị nào được sử dụng trong quân sự. Do đó, sinh vật này nhanh chóng được huấn luyện để dò mìn dưới đáy biển sâu hàng trăm mét. Vượt sức tưởng tưởng của những chuyên gia quân sự, độ chính xác mà những "người lính" này đo được lên tới 100%, hiệu quả hơn bất kỳ cỗ máy hiện đại nào.
Trong cuộc chiến với Iraq năm 2003, 8 chú cá heo của Hải quân Mỹ đã giúp tháo gỡ hơn 100 quả thủy lôi được các lực lượng của Saddam Hussein cài dưới nước, cứu nguy cho hàng nghìn binh sĩ thủy quân lục chiến. Một vài chương trình nghiên cứu về cá heo và sư tử biển được hải quân giữ bí mật như khả năng nghe nhìn và làm cách nào để những người lính có thể kết hợp với cá heo tạo ra "lực lượng bảo vệ biển".
"Biệt đội cá heo" từng tham chiến ở Việt Nam
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, một nửa số cá heo đặc nhiệm của Mỹ từng được đưa đến vịnh Cam Ranh để bảo vệ căn cứ Hải quân Mỹ tại đây và xác định những nguy cơ tiềm ẩn. Bên cạnh đó, "biệt đội cá heo" cùng 25 huấn luyện viên còn được đưa tới vịnh Ba Tư phục vụ cho cuộc chiến Iran - Iraq trong những năm 1980. Năm 1996, người Mỹ đã dùng cá heo để bảo vệ vịnh biển gần Trung tâm Hội nghị San Diego trong suốt thời gian diễn ra hội nghị của Đảng Cộng hòa. Tình báo Liên Xô từng phát hiện và ngăn chặn âm mưu của CIA dùng cá heo để ám sát lãnh tụ Cuba Fidel Castro.