Xăm ư? Chuyện nhỏ! Giờ đây giới trẻ ở TP. HCM đến với xăm trổ như là một thú chơi. Điều đó được chứng minh bởi hàng loạt tiệm tattoo xuất hiện khắp đường phố, còn đối tượng đến với thứ nghệ thuật này thì… đủ mọi thành phần như: giới nghệ sĩ, công nhân viên chức, sinh viên học sinh… Và trước cơn “sóng ngầm” của nghệ thuật xăm mình này, trong giới xăm trổ đã bắt đầu xuất hiện những thợ xăm được “tu nghiệp” từ nước ngoài trở về, mang theo một trào lưu xăm trổ mới, còn gọi là “xăm đá”.
Bước vào thế giới xăm trổ, nhiều thợ xăm cho rằng: “Nghệ thuật xăm mình của Việt Nam đang bước từ bóng tối ra ánh sáng và mong xã hội có cái nhìn cởi mở, thiện cảm hơn đối với nó. Nhưng bên cạnh đó, đứng trước cám dỗ của đồng tiền, nhiều thợ xăm đã bất chấp đạo đức, lương tâm nghề nghiệp”.
Từ “khắc” đá vào da thịt…
Sau nhiều lần liên hệ đặt cuộc hẹn, chúng tôi đến một tiệm xăm mang tên “Tattoo Nghệ Thuật” ở đường Vũ Huy Cấn, phường 22, quận Bình Thạnh để gặp một thợ xăm có tiếng tăm ở Sài Gòn về xăm đá. Theo nhiều thợ xăm, Thúy - một nữ thợ xăm đá mà chúng tôi sẽ gặp - là thợ xăm đá duy nhất tại Sài Gòn và đã từng qua Đức để “tu nghiệp” loại hình xăm trổ mới này.
Thúy (đứng bên trái) đang giới thiệu các loại đá cho phóng viên
Ở Sài Gòn đã hình thành nên “phố xăm mình” bao quanh các con đường như: Nguyễn Cư Trinh, Trần Hưng Đạo, Cống Quỳnh, Đề Thám… ở quận 1. Tại những con phố này tập trung đến hàng chục tiệm Tattoo và không thể không nhận thấy không khí hoạt động rất nhộn nhịp tại đây. Đương nhiên, đây là những tiệm Tattoo phục vụ cho những thượng khách với mức phí khá “khủng” được tính bằng… USD. Không chỉ vậy, ở những quận vùng ven khác như: quận 12, Thủ Đức, quận 8, quận 9… các tiệm Tatoo cũng xuất hiện với giá cả bình dân hơn, được tính bằng tiền Việt Nam.
Thúy cho biết, mốt chơi này bắt đầu từ tên gọi Vajazzling, là một hình thức xăm đá có tính chất chỉ là dán tạm thời lên cơ thể. Nó nằm trong xu hướng đính những hạt ngọc lấp lánh của các nghệ sĩ, người mẫu... khi lên sân khấu biểu diễn.
Tuy nhiên, cũng vì hình xăm tạm thời mà đá rất dễ rớt ra nên nhiều người tỏ ra không hài lòng về kiểu xăm tạm bợ này, và họ đã tìm một cách khác là đính luôn đá vào da thịt để thỏa mãn “cơn khát đẳng cấp” của dân chơi.
Do vậy, hiện nay những hình xăm đá đa số được xăm ở tay, cổ, vai, chân, thậm chí ở cả một số vị trí nhạy cảm trên cơ thể cũng được các dân chơi xăm lên những hình thù khác nhau nhằm tạo sự lôi cuốn khi mặc những trang phục hở và ngắn.
Theo Thúy, xăm đá rất công phu, phức tạp và có nhiều cách. Trước tiên phải làm sạch vùng da được xăm, tiếp theo là sẽ dùng dao giải phẫu rạch vùng da đó để đưa miếng kim loại vào sâu dưới lớp da và sau đó là những viên đá có gắn đế để vặn chặt vào miếng kim loại nằm dưới lớp da đó.
Nhiều loại đá quý được cấy vào da thịt
Hoặc theo cách khác, người thợ xăm đá sẽ dán một lớp keo sáp lên vùng da đã được làm sạch trước đó. Sau đó, họ sẽ tỉ mỉ dùng dao chuyên dụng tạo hình lên da, sau đó dùng ghim kẹp rồi đính từng hạt đá vào da thịt theo hình dạng bạn muốn. “Khoảng một tuần sau vết thương mới lành lại. Nếu không thích chơi nữa mà tháo ra thì phải chấp nhận để lại sẹo vĩnh viễn nên đã chơi thì hãy suy nghĩ cho kỹ”, Thúy nói.
Huy Tatto đang thực hiện tác phẩm
Những hình xăm đá được nhiều bạn trẻ hiện nay ưa chuộng là những hình như: đại bàng, bướm, những hoa văn cổ điển... Giá của mỗi hình xăm cũng khác nhau tùy vào loại đá và hình muốn xăm. Có những hình xăm chỉ vài triệu đồng nhưng cũng có hình lên đến hàng chục triệu đồng.
Để làm được hình ngôi sao 5 cánh trên cổ bằng loại đá mà Thúy cho chúng tôi biết đã đem từ Đức về, có giá 800 ngàn đồng một hạt đá và tổng số tiền chúng tôi phải trả để có hình ngôi sao đó lên đến 24 triệu đồng. Quả là một số tiền không nhỏ.
Thúy quảng cáo thêm: “Đây là loại đá xịn nên giá rất đắt, chỉ mua được từ Đức và có nhiều màu. Nếu anh chị thích chơi theo phong thủy, hợp với bổn mạng thì em tư vấn luôn. Anh chị khỏi lo bị nhiễm trùng vì kim loại này được thiết kế đặt biệt, không bị cơ thể đào thải khi đưa vào bên trong”.
Người thợ xăm đá sẽ dán một lớp keo sáp lên vùng da đã được làm sạch, kế đến họ tỉ mỉ dùng dao chuyên dụng tạo hình lên da, sau đó dùng ghim kẹp rồi đính từng hạt đá vào da thịt theo hình dạng bạn muốn. Khoảng một tuần sau vết thương mới lành lại. Nếu không thích chơi nữa mà tháo ra thì phải chấp nhận để lại sẹo vĩnh viễn nên đã chơi thì hãy suy nghĩ cho kỹ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (Bệnh viện Sài Gòn) thì: “Đưa đá, kim loại hay vật lạ vào da là rất nguy hiểm vì nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Không có cuộc kiểm nghiệm nào về những loại đá hoặc những mảnh kim loại này có được phép đưa vào bên trong cơ thể hay không. Bên cạnh đó đây là một thủ thuật cấy ghép nên nó đòi hỏi yếu tố vô trùng rất cao, chỉ được thực hiện trong điều kiện cho phép của ngành y tế”.
Dù có rất nhiều cảnh báo, thế nhưng hiện nay rất nhiều bạn trẻ không ngần ngại, bất chấp những rủi ro có thể xảy ra để thỏa mãn niềm đam mê thể hiện phong cách của chính bản thân mình. Có thể nói hiện tượng xăm trổ đã trở thành những cơn “sóng ngầm” trong sinh hoạt của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ, nhất là giới trẻ đô thị hiện nay.
… Đến những cơn “sóng ngầm” trong giới trẻ
Chưa bao giờ tại Sài Gòn lại “mọc” lên nhiều tiệm xăm nghệ thuật tattoo đến như thế. Sài Gòn đã hình thành nên “phố xăm mình” bao quanh các con đường như: Nguyễn Cư Trinh, Trần Hưng Đạo, Cống Quỳnh, Đề Thám… ở quận 1. Tại những con phố này tập trung đến hàng chục tiệm tattoo và không thể không nhận thấy không khí hoạt động rất nhộn nhịp tại đây. Đương nhiên, đây là những tiệm tattoo phục vụ cho những thượng khách với mức phí khá “khủng” được tính bằng… USD.
Không chỉ vậy, ở những quận vùng ven khác như: quận 12, Thủ Đức, quận 8, quận 9… các tiệm tattoo cũng xuất hiện và có cả những tay chuyên đi “xăm dạo” với giá cả bình dân hơn, được tính bằng tiền Việt Nam. Nhưng tựu trung lại, có thể nói là, hoàn toàn không như ngày xưa: “Xăm trổ không còn phải “lén lút” như đi mua bán ma túy nữa. Hễ thích thì cứ đến các tiệm xăm, miễn là có tiền thì muốn gì cũng có”.
Có mặt tại tiệm xăm mang tên “Mùa Xuân” ở quận 8, một bạn nam đang gồng mình chịu đau để xăm lên lưng một tấm hình thể hiện một nội dung tôn giáo. Đó là bạn Nguyễn Thế Tiệp - 26 tuổi, hiện đang là nhân viên của một công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Tiệp cho rằng: "Xăm không có gì xấu cả, đơn giản chỉ là muốn thể hiện cá tính, phong cách của mình. Những người em quen biết, họ xăm rất nhiều và trông rất đẹp mắt. Trước khi quyết định xăm, em đã suy nghĩ rất kỹ và không cảm thấy hối tiếc với quyết định của mình”.
Xăm cho Tiệp, là thợ xăm với “nghệ danh” Huy tattoo cho biết: “Kể từ khi trào lưu xăm hình nghệ thuật bắt đầu từ năm 2008, mình đã xăm cho hàng trăm khách hàng với đủ thành phần trong xã hội. Có những người đến mình để chỉnh lại hình xăm đã từng xăm… trong tù, có người là giáo viên, sinh viên và cả những người là doanh nhân. Họ có nhiều lý do để xăm như thấy đẹp thì xăm, để lưu giữ kỷ niệm, để cầu may mắn, tài lộc và cả thể hiện ý chí hay thông điệp của mình”.
Huy tattoo cho chúng tôi xem những tác phẩm của anh làm trong những năm qua và với mỗi tác phẩm, anh đều “thuyết minh” cho chúng tôi biết nhân vật trong hình xăm là loại hình gì, ý nghĩa như thế nào và cả nghề nghiệp của họ. Theo Huy tattoo, nếu xăm hình rồng thì mong muốn thể hiện sự uy nghi, quyền lực, còn xăm hình cá chép hóa rồng hoặc con kỳ lân một sừng thì mong muốn sự thịnh vượng, may mắn sẽ đến với bản thân họ. Có người còn đem ảnh người thân, người yêu đến để nhờ Huy tattoo xăm “truyền thần”.
“Có rất nhiều lý do để một người tìm đến với hình xăm. Tuy nhiên, đa phần những người đến xăm hình chỉ chạy theo trào lưu. Có những người phải hối hận vì nông nổi đã xăm lên cơ thể một hình nào đó, rồi vài năm sau hình đó không còn được ưa chuộng nữa.
Còn không thì chính những hình xăm ảnh hưởng rất lớn đến công việc, cuộc sống của mình. Do vậy trước khi xăm, tôi thường nói họ phải cân nhắc cho kỹ trước khi quyết định vì xăm thì dễ nhưng xóa thì rất khó”, Huy tattoo nói.
Đạo đức người thợ xăm
Tác phẩm của Huy tattoo
Anh Bi’s Nguyễn, một thợ xăm ở quận 12 nhìn nhận thẳng thắn về việc các cửa tiệm tattoo mọc lên như nấm tại TP.HCM và có không ít tiệm tattoo vì chạy theo đồng tiền nên bất chấp việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách hàng.
Thợ xăm Bi’s Nguyễn dẫn chứng: “Có những tiệm tattoo sử dụng các loại mực công nghiệp như loại màu dùng trong in lụa lấy đem xăm cho khách hàng. Rồi trên mạng còn rao đầy nơi xăm dạ quang bằng mực UV, trước đó báo chí đã cảnh báo loại mực này có hại cho da và có khả năng gây ung thư, thế nhưng họ vẫn cứ làm khi khách hàng có nhu cầu. Còn về kim xăm, một hộp 50 cây có giá khoảng 300 ngàn đồng/1 hộp, tính ra chi phí không bao nhiêu nhưng có một số thợ xăm vẫn dùng lại kim xăm đã qua sử dụng”.
Những người đam mê nghệ thuật tattoo mong muốn xã hội hãy có cái nhìn thiện cảm hơn đối với họ và công nhận đây là một loại hình nghệ thuật đầy cá tính. “Tôi thấy xăm là một nghệ thuật sáng tạo và các bạn trẻ Việt Nam đang đón nhận nó, nhưng có điều tại sao đến nay chúng ta vẫn “chạy” mãi ra bên ngoài. Sao chúng ta lại xăm lên cơ thể mình vị tướng Quan Công, xăm những điển tích của Trung Quốc. Tôi muốn đưa văn hóa Việt, hồn Việt, lịch sử của Việt Nam lên cơ thể của người Việt Nam”, anh Huy tattoo chia sẻ.
Mặt khác, có những vị khách yêu cầu xăm những hình có liên quan đến tôn giáo như: hình Phật, hình Chúa hay những con vật trong tứ linh như: long, lân, quy, phụng ở đùi, vùng kín và yêu cầu này vẫn được một số thợ xăm thực hiện. Anh Huy tattoo đánh giá: “Thợ xăm phải có đạo đức nghề nghiệp, đừng chạy theo đồng tiền mà sẵn sàng làm bất cứ điều gì khách yêu cầu. Mình phải biết trân trọng những tác phẩm do mình tạo ra chứ”.
Bên cạnh đó, có một điều mà những người đam mê nghệ thuật tattoo mong muốn xã hội hãy có cái nhìn thiện cảm hơn đối với họ và công nhận đây là một loại hình nghệ thuật đầy cá tính. Và đã có người thợ xăm muốn sáng tạo, tạo tác những sản phẩm nghệ thuật thuần Việt trên cơ thể.
Được biết anh Huy tattoo đang ấp ủ ý tưởng phác họa những bức vẽ mẫu cho hình xăm thuần Việt về những vị tướng tài như: Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo… rồi hình ảnh hoa sen, phong cảnh về quê hương Việt Nam. Trước đó, anh Huy tattoo đã xăm 2 tác phẩm thuần Việt là: tranh Đông Hồ và Trống Đồng.
“Tôi đã đi các nước như Thái Lan, Trung Quốc… để tìm hiểu về nghệ thuật xăm trổ mà họ đã có từ hàng ngàn năm qua. Tôi thấy xăm là một nghệ thuật sáng tạo và các bạn trẻ Việt Nam đang đón nhận nó, nhưng có một điều vì sao đến nay chúng ta vẫn “chạy” mãi ra bên ngoài. Vì sao chúng ta xăm lên cơ thể của mình vị tướng Quan Công, xăm những điển tích của Trung Quốc. Tôi muốn đưa văn hóa Việt, hồn Việt, lịch sử của Việt Nam lên cơ thể của người Việt Nam”, anh Huy tattoo chia sẻ.