Như đã thông tin, việc bà T.K.P (66 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP. HCM) đột ngột qua đời để lại khối tài sản lên đến cả nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận.
Khác với những đại gia thích “làm mưa làm gió” dư luận bởi những thú tiêu khiển ngàn USD hay những hoạt động khuếch trương sự giàu có, bà P. rất giản dị. Khi được hỏi, những người dân xung quanh khu vực bà sinh sống cho biết lúc sinh thời, bà P. rất kín tiếng, hay làm từ thiện nhưng không thích sự khoe mẽ ồn ào.
Thậm chí, khi bà mất những người thân mới “té ngửa” khi biết rằng bà đã nắm trong tay khối tài sản lớn đến thế.
Khối tài sản khổng lồ
Sau khi bà T.K.P. đột ngột qua đời, chiều 17/3/2012, tại căn nhà số 110/1 Tô Hiệu (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP. HCM), Thừa phát lại quận Bình Thạnh được con nuôi bà P. tức chị T.H.H.L. mời đến ghi nhận sự việc chị L. mở két sắt và kiểm kê tài sản, tài liệu có trong két sắt do người mẹ nuôi để lại.
Tuy nhiên, sau đó do một số người thân của người phụ nữ quá cố (anh, chị, em ruột của bà L.) không đồng ý nên việc mở két sắt được dời sang ngày khác. Chiếc két sắt vẫn còn nguyên vẹn.
Một trong rất nhiều nhà xưởng của bà P. đang dùng để cho thuê
Bốn ngày sau, theo yêu cầu của chị L., Thừa phát lại Bình Thạnh tiếp tục có mặt để ghi nhận việc mở két sắt đồng thời kiểm kê, ghi nhận khối tài sản, tài liệu có trong két sắt trước sự chứng kiến của hai bên.
Chiếc két sắt cao chừng nửa mét, rộng khoảng 30 cm. Do bị khóa chặt và các bên không ai biết mã số, không có chìa khóa nên phải nhờ một thợ két sắt đến mở khóa. Trong quá trình mở khóa, chị L. đã cung cấp mã số và người mở két đã mở khóa thành công.
Chiếc két sắt gồm ba ngăn, do hạn chế về thời gian làm việc nên trong buổi làm việc hôm đó, các bên thống nhất chỉ kiểm tra hình thức bên ngoài đồng thời tìm xem có di chúc của bà P. để lại hay không, nhưng không thấy.
Sau đó, toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, tư trang, tài sản được cho vào hai túi du lịch và đặt lại vào két sắt khóa và niêm phong lại. Chiếc chìa khóa giao cho Thừa phát lại tạm giữ.
Ngày 22/3, khối tài sản khổng lồ trong két sắt mới chính thức được kiểm kê, ghi nhận. Văn phòng Thừa phát lại huy động 5 người làm việc ròng rã cả gần một tuần lễ mới đếm và ghi nhận hết khối tài sản trên.
Chiếc két sắt được chia làm ba ngăn. Một ngăn chứa giấy tờ nhà đất; ngăn đựng tiền mặt và gần 20 sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm nghìn USD cùng nhiều tỷ đồng, thẻ hạng VIP của nhiều ngân hàng và một ngăn đựng gần 100 cây vàng, nữ trang; đá quý rất nhiều được bỏ trong các túi nhỏ.
Riêng về bất động sản, bà P. có hàng chục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà ở các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, TP. HCM.
Chỉ tính riêng ở TP. HCM, bà đã đứng tên sở hữu hàng chục nghìn mét đất và nhà xưởng ở các quận Tân Phú, Tân Bình.
Và những đồng tiền nhỏ xíu
Có lẽ điều gây chú ý với những người có mặt trong buổi làm việc hôm ấy không chỉ vì khối tài sản quá lớn mà còn vì một điều khác.
Căn biệt thự cũ kỹ nơi bà P. sinh sống
Trong vô số vàng vòng, vàng miếng, kim cương, hột xoàn….bà P. còn gói ghém cẩn thận những cọc tiền gồm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tờ tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng…
Điều gì khiến người phụ nữ quá cố lưu giữ cẩn thận những đồng tiền cũ kỹ, mệnh giá cỏn con chẳng có ý nghĩa gì trong khối tài sản hàng ngàn tỷ đồng? Câu hỏi khiến nhiều người suy nghĩ.
Được biết, vào những năm đầu sau giải phóng, bà P. được cha mẹ truyền nghề làm bún gạo. Thuở ấy, làm bún bằng thủ công nên công việc rất nhọc nhằn, vất vả.
Do chăm chỉ làm lụng, giá thành rẻ nên bún do bà sản xuất đi được nhiều nơi, cơ sở làm bún cứ thế lớn dần. Bà P. mượn mấy mảnh đất gần đó để làm sân phơi bún.
Sau này, bà tiết kiệm, tích góp dồn tiền mua đất để mở rộng cơ sở sản xuất. Khối tài sản cứ thế lớn dần. Khi đất đai có giá, ngoài làm bún bà còn kinh doanh bất động sản.
Khi cơ sở làm bún đóng cửa, bà lại xây nhà xưởng để cho thuê. Hàng loạt nhà xưởng, đất đai trên địa bàn quận Tân Phú thuộc quyền sở hữu của bà.
Dù vậy, bà sống rất tiết kiệm, thường ăn chay, ủng hộ người nghèo, hay làm từ thiện tại nơi bà sinh sống và một số vùng thuộc tỉnh Tây Ninh.
Có lẽ chính những ngày tháng thuở cơ hàn là một trong những động lực giúp bà không ngừng làm việc để tạo lập ra khối tài sản khổng lồ.
Cũng chính những ngày tháng ấy, khiến người phụ nữ này luôn trân trọng quá khứ, trân trọng những đồng tiền nhỏ nhặt nhất. Đó là lý do bà lưu giữ cẩn thận những tờ giấy bạc mệnh giá cỏn con.
Nếu đã gửi thông báo, Sacombank không sai! Liên quan đến thông tin ông T.V.P. khiếu nại ngân hàng Sacombank về việc thanh lý hợp đồng thuê ngăn tủ sắt giữa Sacombank với ông và bà T.H.H.L (con nuôi bà P.) để giao lại tài sản cho bà L., thẩm phán Nguyễn Hoàng Đạt – Phó Chánh Tòa Dân dự TAND TP.HCM cho biết: Theo thông tin phản ánh, trong trường hợp trên, về bản chất hợp đồng thuê ngăn tủ sắt giữa Sacombank và bên B (gồm ông T.V.P. và chị T.H.H.L.) là hợp đồng gửi giữ tài sản. Theo thỏa thuận được ghi trong hợp đồng về việc gia hạn hoặc thanh lý hợp đồng có quy định: Việc gia hạn hợp đồng được thực hiện khi hết hạn hợp đồng, bên B có nhu cầu tiếp tục thuê ngăn tủ sắt của bên A. Tuy nhiên, trong trường hợp trên, do bên B không thống nhất được việc có tiếp tục gia hạn hợp đồng, thiết lập hợp đồng mới hay chấm dứt hợp đồng nên phía ngân hàng đơn phương chấm dứt hợp đồng là không sai. Khi đơn phương chấm dứt và thanh lý hợp đồng, phía ngân hàng đã gửi thông báo cho bên B (cả ông P. và chị L.) vào ngày 23/5/2012, trong đó có ghi “nếu bên thuê chỉ có một người đến nhận những tài liệu, tài sản chứa trong ngăn tủ sắt, ngân hàng sẽ bàn giao cho người đến nhận, và được miễn trừ toàn bộ trách nhiệm liên quan đến các hợp đồng thuê ngăn tủ sắt”. Ông P. và chị L. phải có mặt theo thông báo của ngân hàng để nhận chuyển giao lại tài sản. Vậy ngân hàng đã thông báo cho ông P. về việc có mặt để nhận chuyển giao lại tài sản hay chưa? Nếu ngân hàng đã thông báo nhưng ông P. vẫn vắng mặt thì việc ngân hàng giao lại cho chị L. là đúng. |